Bài học từ sự thất bại của start-up Vua Cua

Từng gây tiếng vang trong lĩnh vực ẩm thực (F&B) tại Việt Nam, song Vua Cua (thương hiệu chuyên về cua) phải tuyên bố chính thức dừng phát triển tại thị trường nội địa vào cuối tháng 3/2025. Sự thất bại của start-up này mang đến nhiều bài học cho giới khởi nghiệp.

Trước hết, thất bại của Vua Cua cho thấy, nguồn vốn đầu tư dù dồi dào đến đâu, cũng không phải “chìa khóa vạn năng” đảm bảo sự sống còn của một start-up. Năm 2022, Vua Cua nhận được 3,5 tỷ đồng từ shark Đỗ Liên cho 10% cổ phần (tại Chương trình Shark Tank Việt Nam). Sau đó, start-up này còn nhận thêm vốn từ shark Liên và Beacon Fund (Singapore). Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mơ ước.

Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm tiếp theo, Vua Cua phải tạm dừng hoạt động tại Việt Nam và tiến hành hoàn vốn cho cổ đông. Điều này chứng minh rằng, tiền không thể thay thế chiến lược kinh doanh bền vững hay năng lực quản trị đủ mạnh để đối phó với biến động thị trường.

Nguyên nhân chính được Đoàn Thị Anh Thư, Nhà sáng lập Vua Cua chia sẻ là sự thiếu kinh nghiệm, mở rộng quá nhanh và hạn chế về nguồn lực. Đây là những vấn đề không mới trong thế giới

start-up. Trước khi tiến vào thị trường Mỹ (cuối năm 2023), Vua Cua đã có bước tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam, doanh thu tăng 20% và lợi nhuận đạt khoảng 7 tỷ đồng trong năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc vội vã “xuất ngoại” mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thị trường, văn hóa tiêu dùng và đối tác địa phương đã khiến Vua Cua gặp khó khăn. Sau 6 tháng hoạt động tại Mỹ, Anh Thư thừa nhận thất bại do giá cao và truyền thông kém hiệu quả. Điều này cho thấy một thực tế: tham vọng mở rộng quy mô cần đi đôi với nền tảng vững chắc, nếu không, sẽ dễ dẫn đến sụp đổ.

Một bài học khác từ Vua Cua là tầm quan trọng của quản trị nội bộ. Trước khi tạm dừng, Nhà sáng lập từng chia sẻ về những khủng hoảng tài chính và nhân sự trong quá khứ, như món nợ 5 tỷ đồng “bất ngờ xuất hiện” mà không rõ từ đâu, hay sự phản ứng tiêu cực từ nhân viên khi Công ty gặp khó khăn trong Covid-19. Những vấn đề này phản ánh điểm yếu trong quản lý dòng tiền và văn hóa doanh nghiệp - 2 yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định. Khi nội bộ không vững, việc đối mặt với áp lực bên ngoài, như cạnh tranh khốc liệt trong ngành F&B hay biến động kinh tế, sẽ trở nên rất khó khăn.

Câu chuyện của Vua Cua cũng đặt ra câu hỏi về mô hình kinh doanh trong ngành F&B tại Việt Nam. Dù từng sáng tạo với ý tưởng xe bán cua lưu động và nhượng quyền thương hiệu qua mô hình Vua Cua Express, start-up này dường như không thể duy trì lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Ngành F&B rất khốc liệt, bởi khách hàng luôn tìm kiếm sự mới mẻ và giá trị vượt trội. Nếu không liên tục đổi mới và tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp dễ rơi vào vòng xoáy “có tiếng nhưng không có miếng”. Vua Cua có thể đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu ban đầu, nhưng việc thiếu một chiến lược dài hơi để thích nghi với thị trường đã khiến họ không thể đi xa hơn.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, việc Vua Cua dừng lại không hoàn toàn là một thất bại tuyệt đối. Nhà sáng lập Anh Thư khẳng định, đây là quyết định cần thiết để học hỏi và chuẩn bị cho những bước đi mới trong tương lai. Hiện tại, Anh Thư đã định cư tại Mỹ và làm việc trong một doanh nghiệp khác, cho thấy tinh thần không bỏ cuộc của một nhà khởi nghiệp. Hai nhà hàng nhượng quyền của Vua Cua tại TP.HCM vẫn hoạt động, giữ lại một phần “di sản” của thương hiệu. Trong thế giới start-up, dừng lại đôi khi là một bước lùi chiến thuật để tiến xa hơn, thay vì chỉ đơn thuần là kết thúc.

Đức Thọ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-hoc-tu-su-that-bai-cua-start-up-vua-cua-d261131.html
Zalo