Cái bẫy của những người thân độc hại

Khi có người thân độc hại, bạn sẽ bị giam hãm như con côn trùng vướng vào tơ nhện. Họ sẽ nhân danh tình yêu thương, mối quan hệ gia đình để kìm hãm những người xung quanh.

 Những người độc hại, ích kỷ luôn có xu hướng muốn thao túng người khác. Ảnh minh họa: tVN.

Những người độc hại, ích kỷ luôn có xu hướng muốn thao túng người khác. Ảnh minh họa: tVN.

Có đủ kiểu người độc hại. Có những người độc hại một cách "công khai" mà ta có thể dễ dàng nhận ra (do đó dễ đối phó hơn). Như cha tôi vậy. Tính cách của ông rất giống nhân vật kinh điển Jekyll và Hyde. Một phút trước, ông còn là một người đầy yêu thương nhưng ngay phút sau, cảm xúc của ông trở nên bạo ngược. Bất cứ khi nào ta đối đầu với một kẻ bạo hành công khai, người đó đều sẽ nói rằng ta đáng phải chịu như thế.

Những người độc hại trong "bí mật" dường như không bộc lộ rõ ràng, thế nên khó đối phó hơn. Họ rất ranh mãnh, lắt léo và khó hiểu, khiến ta khó mà chắc chắn vấn đề do mình gây ra hay đó chỉ là do kẻ độc hại bảo thế.

Mẹ tôi là con người như thế. Bà ấy thuộc kiểu hiếu chiến thụ động, có thể nói điều gì đó thoạt nghe thật vô hại, nhưng thực tế lại có thể đào sâu vết thương lòng hoặc sự nhạy cảm mà bà ấy đã tạo ra cho tôi.

Có thể so sánh mẹ tôi với nhân vật Mẹ Gothel trong bộ phim Tangled. Bà ta đã bắt cóc Rapunzel khi cô còn nhỏ. Trong một cảnh, Mẹ Gothel và Rapunzel đang đứng trước chiếc gương soi toàn thân. Mẹ Gothel nói: “Rapunzel, hãy nhìn vào gương. Con biết mẹ nhìn thấy những gì không? Mẹ nhìn thấy một cô gái trẻ mạnh mẽ, tự tin, khả ái.”

Sau đó, bà ta nhìn Rapunzel và nói: “Ồ, xem này, con cũng ở đây.” Khi nhìn thấy vẻ mặt bối rối và tổn thương trên gương mặt Rapunzel, Mẹ Gothel nhanh chóng nở nụ cười ngọt ngào vô tội, búng tay vào mũi Rapunzel rồi bảo: “Ồ, mẹ chỉ đang trêu con thôi. Đừng quá nghiêm túc như thế.”

Những kẻ độc hại ngầm như vậy là bậc thầy trong việc ngụy trang thành người vô tội, đóng vai nạn nhân, giả vờ kém may mắn hơn người khác và thường khẳng định rằng cuộc sống đối xử với người khác dịu dàng hơn so với họ. Việc bạo hành cảm xúc của họ được thực hiện trong bí mật, không thể phát hiện và phải đến khi đã quá muộn, người ta mới chú ý tới.

Bất cứ khi nào ta cố gắng đối chất với những người thân độc hại ngầm, họ đều rất ngỡ ngàng đến mức ta phải tự hỏi họ có làm bất kỳ điều gì mà mình đang chất vấn không. Họ ngay lập tức nói bóng gió rằng ta mới là kẻ điên rồ. Đây là những gì Mẹ Gothel đã làm với Rapunzel trong suốt bộ phim.

Shannon Thomas, tác giả cuốn sách Healing from Hidden Abuse (tạm dịch: Chữa lành khỏi những bạo hành ẩn), dạy cho ta biết rằng hành động ngầm bạo hành tâm lý cũng tương tự việc bỏ độc vào nước. Ta không thể nhìn thấy những thương tổn đang tàn phá trong cơ thể ngay khi vừa uống cốc nước đó, phải đến khi cơ thể bắt đầu phản ứng lại sau khi tiếp xúc với chất độc, ta mới phát hiện ra.

Bạo hành tình cảm cũng vậy, nó diễn ra âm thầm và được che giấu kỹ lưỡng đến mức ta không thể xác định ngay những tổn thương về mặt tinh thần của mình. Vì thế, ta biện minh cho họ, cứ như vậy cho đến khi chất độc tạo ra vết thương hằn sâu trong tâm hồn ta.

Khi mối quan hệ giữa ta và người thân độc hại trở nên sâu sắc hơn, khả năng thao túng chúng ta của họ cũng tăng theo. Nếu ta là con họ, hành vi bạo hành ấy có thể đã xảy ra ngay từ những ngày đầu trong đời ta, đậm sâu hơn theo thời gian ta lớn hoặc tới chừng nào ta còn kết nối với họ.

Sherrie Campbell/ Sky books & NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-bay-cua-nhung-nguoi-than-doc-hai-post1552403.html
Zalo