Bài học bảo vệ và phát huy di tích

Trong khi Huế đang nóng với chuyện ngai vàng triều Nguyễn tại Điện Thái Hòa bị xâm phạm, Hà Nội mới ban hành công văn yêu cầu siết chặt công tác bảo tồn di tích. Để các giá trị này không chỉ tồn tại trong hồ sơ xếp hạng, nhiều chuyên gia cho rằng, cần một cách tiếp cận mới: đánh thức di sản, vừa gìn giữ vừa khai thác hiệu quả trên cả hai phương diện văn hóa và kinh tế.

Bảo tồn không chỉ là “chống sập” hay đảo ngói

Tính đến đầu năm 2025, Hà Nội có gần 6.000 di tích các loại, trong đó có hơn 1.200 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, “nhiều di tích ở Hà Nội hiện nay đang rơi vào tình trạng tồn tại vật lý chứ không phải tồn tại văn hóa. Chúng được bảo quản theo kiểu trưng bày bất động, không có hoạt động kết nối nào với cộng đồng quanh đó”.

Công văn 2065/UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội, ban hành ngày 20/5/2025, một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu rà soát, phân loại di tích xuống cấp, quy định rõ trách nhiệm của các quận, huyện trong việc bảo quản, tu bổ. Nếu chỉ dừng lại ở “chống sập” hay “sửa mái ngói”, việc bảo tồn vẫn mang tính hình thức. Theo nhiều chuyên gia, đây là thời điểm cần vượt ra khỏi tư duy giữ gìn đơn thuần, chuyển sang phát huy giá trị, tức là làm cho di tích sống trong đời sống hiện tại.

Họa sĩ Thu Trần - từng có những triển lãm thị giác rất thành công trong lòng di sản Nhà máy xe lửa Gia Lâm - chia sẻ: “Người trẻ có thể đi xuyên qua một di tích mà không cảm nhận được gì, vì nơi đó không đối thoại với họ. Nhưng chỉ cần một đêm trình diễn nghệ thuật đương đại hay một chương trình kể chuyện truyền miệng, không gian ấy sẽ mở ra một chiều khác của lịch sử”.

Một ví dụ làm di sản “sống dậy” được nhiều người nhắc tới là đình Kim Ngân (Hàng Bạc). Từng là một địa chỉ hoang vắng, nhưng từ khi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân tổ chức trình diễn ca trù định kỳ tại đây, lượng khách đến trải nghiệm tại đình Kim Ngân đã tăng gấp 3 lần. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Không gian di tích chính là sân khấu tự nhiên cho nghệ thuật truyền thống. Khi ca trù, chèo hay tuồng được đưa vào chính nơi lưu giữ tinh thần đất nước, thì giá trị của di tích mới được kích hoạt một cách sống động và sâu sắc”.

Trên khắp cả nước, nhiều di tích đang từng bước trở thành nguồn sinh kế bền vững nhờ được “kích hoạt” đúng cách. Ở chiều kích văn hóa được nhìn như một tài sản sống, di sản có thể vừa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, vừa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Nhưng để làm được điều đó, cần một cơ chế linh hoạt. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhận định: “Thành phố cần mạnh dạn cho phép các tổ chức nghệ thuật, nhóm sáng tạo xã hội hóa hoạt động tại di tích, theo mô hình đồng quản lý. Miễn là không xâm hại đến cấu trúc, thì sự hiện diện của cộng đồng sẽ là lá phổi giúp di tích không bị hoang phế”.

Di tích có thể tạo ra thu nhập

Trên thế giới, việc phát huy giá trị kinh tế của di tích không còn là điều xa lạ. Những mô hình như cung điện Versailles (Pháp), các công trình trong mạng lưới Norwich 12 (Anh), khu phức hợp Tour & Taxis tại Brussels (Bỉ), hay thậm chí nhà tù Berrima (Úc)... đều là những ví dụ sống của việc di sản được khai thác khéo léo trở thành nguồn thu ổn định thông qua các dịch vụ du lịch, biểu diễn văn hóa, tổ chức sự kiện.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng thu gần 50 tỷ đồng mỗi năm trước dịch Covid-19

Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng thu gần 50 tỷ đồng mỗi năm trước dịch Covid-19

TS Thu Phương cho biết, nhiều quốc gia châu Á đã đi trước Việt Nam trong việc kết hợp nghệ thuật với di sản. Tại Nhật Bản, lễ hội ánh sáng TeamLab ở các chùa cổ Kyoto thu hút hàng trăm nghìn người tham dự mỗi năm. Ở Hàn Quốc, cung Gyeongbok được sử dụng làm nền cho trình diễn thời trang hanbok, đêm thơ, nhạc truyền thống, kết hợp ánh sáng công nghệ. Mỗi sự kiện được thiết kế để tôn trọng không gian gốc, nhưng tạo trải nghiệm mới mẻ.

Singapore có chương trình Heritage Nights, cho phép các nghệ sĩ tổ chức sự kiện âm nhạc, chiếu phim, kể chuyện tại các công trình di sản với điều kiện phải nộp hồ sơ xin phép rõ ràng.

Theo báo cáo của UNESCO, du lịch văn hóa chiếm tới 40% tổng lượng khách du lịch toàn cầu, trong đó các điểm di sản đóng vai trò trung tâm. Tại Pháp, riêng Cung điện Versailles đã đón hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, tạo doanh thu khoảng 100 triệu euro từ vé tham quan, sự kiện, và dịch vụ đi kèm. Ở Anh, di tích Stonehenge mang lại hơn 10 triệu bảng/năm cho khu vực Wiltshire, chưa kể hiệu ứng lan tỏa đến dịch vụ ăn ở, vận chuyển địa phương.

GS Han Jong-woo (Viện Di sản Văn hóa Hàn Quốc) chia sẻ trong một hội thảo tại Việt Nam: “Chúng tôi không xem di tích là bất khả xâm phạm. Điều quan trọng là xây dựng quy tắc tương tác có kiểm soát. Nếu nghệ thuật đến đúng cách, nó không làm tổn thương di tích, mà còn đem lại cho di tích thêm một đời sống mới”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh, không ai muốn di tích biến thành chợ, nhưng nếu di tích chỉ để ngắm rồi về, thì đó là một sự lãng phí. Ông đề xuất cần mở rộng mô hình như không gian văn hóa ở đình Kim Ngân, hay chương trình Chuyện nhạc phố cổ ở trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội tại số 50 Đào Duy Từ.

Những triển lãm nghệ thuật trong lòng di sản tạo sức hút mạnh mẽ với công chúng và khách tham quan

Những triển lãm nghệ thuật trong lòng di sản tạo sức hút mạnh mẽ với công chúng và khách tham quan

Điều đang thiếu nhất, theo nhiều nghệ sĩ, chính là sự linh hoạt trong việc cấp phép sử dụng không gian di tích. Nghệ sĩ thị giác Việt Thanh cho biết, từng đề xuất dựng một triển lãm ảnh về di sản đô thị ngay trong sân một đình làng, nhưng phải chờ gần ba tháng để xin phép. Khi được duyệt thì tinh thần thời điểm đã trôi qua. Ông Thanh kiến nghị, di tích không nên là nơi “bất khả xâm phạm” mà cần được “sống cùng thời đại”.

“Một số nước như Hàn Quốc, Singapore, hay gần đây là Thái Lan, đã thiết lập hẳn các bộ quy tắc “tương tác sáng tạo với di sản”, trong đó quy định rõ các hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật nào được tổ chức trong di tích, điều kiện ra sao, chi phí đóng góp thế nào. Đây là cách cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, tránh việc mỗi nơi một cách, mỗi cấp quản lý một ý”, TS Thu Phương nêu ví dụ.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Muốn di tích không chỉ là gánh nặng ngân sách mà là nguồn lực phát triển, phải nhìn di sản như một tài sản có thể sinh lợi bền vững nếu biết khai thác sáng tạo và có cơ chế phù hợp”.

HẠNH ĐỖ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-hoc-bao-ve-va-phat-huy-di-tich-post1746053.tpo
Zalo