Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về những đại biểu hội đồng nhân dân như bà Trần Hoài Thu, ông Sùng A Siềng, bà Đặng Thị Sinh, họ đều là tấm gương hết lòng vì Nhân dân nơi 'tâm lũ'. Trên hành trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều đại biểu dân cử trong vùng thiên tai. Câu chuyện từ thực tế đời sống, việc làm ý nghĩa của các đại biểu và tình cảm bà con dành cho họ đều khẳng định một điều: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân.

Trở lại câu chuyện ở huyện Bảo Yên, trận mưa lũ, sạt lở lịch sử đã gây ra nỗi đau tận cùng đối với những người dân ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh trong buổi sáng 10/9. Không chỉ ở Làng Nủ, mưa lũ còn gây ra ngập lụt tại nhiều thôn, bản trên địa bàn xã Phúc Khánh, cũng như nhiều xã, thị trấn của huyện Bảo Yên, gây thiệt hại nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, những người đứng đầu các địa phương, trong đó có Thường trực HĐND các xã, thị trấn gánh trên vai trọng trách nặng nề, cần phải kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại xã Phúc Khánh, chúng tôi nghe chị Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh cũng là Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND huyện Bảo Yên phụ trách 3 xã Phúc Khánh, Việt Tiến, Lương Sơn kể về những ngày đầy khó khăn, thử thách trong 2 tháng qua. Khi mưa lũ xảy ra, không quản khó khăn, nguy hiểm, chị đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các thôn, bản và đưa đoàn công tác, đoàn cứu trợ vào Làng Nủ để chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân.

Những ngày sau đó, là người “đứng mũi chịu sào”, công việc bộn bề, có những bữa không ăn, những đêm không ngủ, nữ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh, đại biểu HĐND huyện Bảo Yên gầy đi 4 kg, nhưng chị vẫn hết lòng, hết sức để sớm ổn định cuộc sống bà con. Dù bận rộn, chị luôn dành thời gian đến thăm hỏi các gia đình bị thiên tai, động viên các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lực lượng thi công khu tái thiết Làng Nủ.

Đặc biệt, vừa qua, khi nghe tin tỉnh Quảng Bình bị lũ lụt, với vai trò người đứng đầu xã, chị đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ xã, người dân các thôn, bản ủng hộ 152 triệu đồng và 1.500 thùng mì tôm, hơn 6 tấn gạo, 150 bộ chăn màn, 500 đôi ủng, 50 thùng gia vị, bánh kẹo cho người dân vùng lũ Quảng Bình.

Hỏi thêm về gia đình chị Tư có bị thiệt hại gì trong bão lũ không, chị bảo ngày 10/9 nhà bị ngập lụt, trang trại, rừng quế và mấy ao cá bao nhiêu năm gia đình tích cóp, đầu tư xây dựng bị sạt lở, lũ cuốn, thiệt hại nặng nề. Nhưng dành tất cả thời gian cho công việc khắc phục hậu quả thiên tai của xã, gần 1 tháng sau chị mới có thể vào kiểm tra trang trại. Xót xa trước cảnh những ao cá tan hoang, đàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhưng chị tự động viên bản thân rằng những thiệt hại đó chẳng thấm là bao so với những đau thương, mất mát bà con Làng Nủ phải trải qua.

Tại thành phố Lào Cai, hoàn lưu bão số 3 gây ra trận lũ lịch sử, trong đó phường Kim Tân là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề với hơn 1.200 hộ có nhà bị ngập. Những phố phường lần đầu tiên ngập sâu khi nước sông Hồng lên trên mức báo động 3 khiến tình huống càng trở nên nguy cấp. Trong hoàn cảnh đó, cùng với cả hệ thống chính trị, các đại biểu hội đồng nhân dân đã có mặt, cùng tham gia gánh vác trách nhiệm, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di chuyển và di dời tài sản đến nơi an toàn.

Nhiều đại biểu là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phường thâu đêm, suốt sáng, ráo riết đi từng ngõ, đến từng nhà để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân. Sau mưa lũ, các đại biểu tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân và phản ánh đến các cấp, ngành về các vấn đề phát sinh cần giải quyết trên địa bàn như sớm khắc phục hệ thống lan can bờ kè sông Hồng, vệ sinh môi trường…

Tại xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, mưa lớn khiến 19 ngôi nhà bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn; 18 hộ có nguy cơ sạt lở cao; hơn 70 hộ có nguy cơ sạt lở; hàng loạt tuyến đường trục thôn, liên thôn bị đất đá sạt lở, chia cắt; 10 km mương bị vùi lấp, cùng các thiệt hại nặng nề về hoa màu, vật nuôi.

Bà Lương Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch HĐND xã Cam Đường cho hay, trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện nhiều tấm gương đại biểu hội đồng nhân dân không ngại khó khăn, luôn đồng hành, giúp đỡ bà con trong mọi hoàn cảnh, như bà Nguyễn Thị Nga, bà Lê Thị Chiên, bà Vũ Thị Huê, ông Lương Văn Chấn, ông Nguyễn Xuân Dần… Nhiều người trong số họ cũng có nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng nhưng với tinh thần "tất cả vì Nhân dân", những người đại biểu dân cử đã gác lại những chuyện của cá nhân để ưu tiên tập trung lo việc thôn, việc xã. Sau mưa lũ, họ cũng chính là lực lượng tích cực, kịp thời nắm tình hình, phản ánh thực tế của địa phương, kêu gọi kết nối hỗ trợ và cùng bà con dọn dẹp nhà ở, sửa chữa đường giao thông, sửa cầu bắc qua suối…

Sau hơn 2 tháng kể từ khi tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tiến hành khẩn trương, bước đầu ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt là ở những nơi “tâm lũ” như Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà. Nhìn lại công tác phòng chống mưa bão, khắc phục hậu quả thiên tai có thể thấy trong hoàn cảnh khó khăn, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay vượt qua mưa bão. Cùng chung tay với các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, các đại biểu HĐND các cấp đã khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kịp thời có mặt tại "tâm lũ" để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và động viên, thăm hỏi Nhân dân.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kịp thời có mặt tại "tâm lũ" để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và động viên, thăm hỏi Nhân dân.

Ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, huyện Bát Xát có 35 đại biểu HĐND cấp huyện, 423 đại biểu HĐND cấp xã. Đại biểu HĐND các cấp là người được cử tri bầu, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, là “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân nên càng trong hoàn cảnh khó khăn thì càng phải khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đối với huyện Bát Xát, nhìn lại đợt mưa bão lịch sử vừa qua, có những đại biểu HĐND “2 vai” thực sự là tấm gương dám nói, dám làm, dám hy sinh, cống hiến vì dân, đã được huyện tuyên dương, khen thưởng.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND huyện Bát Xát tiếp xúc cử tri tại xã A Lù.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND huyện Bát Xát tiếp xúc cử tri tại xã A Lù.

Tiêu biểu như đại biểu Trần Văn Hiếu, Trưởng thôn Đồng Quang, xã Quang Kim; đại biểu Sùng A Phình, Trưởng thôn Phù Lao Chải, xã A Mú Sung; đại biểu Hoàng Văn Sính, Trưởng thôn Mường Hum, xã Mường Hum; đại biểu Tao Văn Cương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Pa Cheo; đại biểu Lý Láo Pà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nậm Pung; đại biểu Hà Duy Tùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Bát Xát…

 Thường trực HĐND các huyện kịp thời nắm tình hình, động viên người dân khu vực thiên tai.

Thường trực HĐND các huyện kịp thời nắm tình hình, động viên người dân khu vực thiên tai.

Tại huyện Bảo Yên, ông Nguyễn Công Tư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bảo Yên khẳng định: Chưa bao giờ huyện Bảo Yên trải qua trận mưa lũ lịch sử gây nhiều mất mát, đau thương như vậy. Trong hoàn cảnh đó, đại biểu HĐND các cấp đã phát huy vai trò của người đại biểu dân cử, sát cánh cùng các lực lượng khác, có nhiều hành động, việc làm thiết thực vì dân, như tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; giám sát công tác tiếp nhận, cấp, phát hàng cứu trợ; thăm hỏi, động viên, ổn định tâm lý người dân vùng lũ; trực tiếp tham gia công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn tại địa phương.

Sau bão lũ, các đại biểu cũng tích cực nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để kịp thời phản ánh với các cấp, các ngành; tham gia hoạt động dân vận “cùng nhau về thôn” để giúp bà con khắc phục thiên tai, tái thiết cuộc sống…

Nhìn lại những hình ảnh trong đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có thể thấy trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách, từ ngày 9 - 11/9/2024, hoàng loạt vụ sạt lở đất, lũ cuốn, ngập úng liên tiếp xảy ra tại các địa phương, gây ra bao đau thương, mất mát.

Trong hoàn cảnh hệ thống giao thông nhiều nơi bị phá hủy gây ách tắc, mất điện, mất thông tin liên lạc trên diện rộng, nhiều địa bàn bị chia cắt, cô lập, các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thị xã, thành phố cho đến các tổ đại biểu HĐND ở các phường, xã, thị trấn đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm, kịp thời lên đường về vùng lũ, tìm cách tiếp cận khu vực thiên tai để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, thăm, động viên Nhân dân; nắm kịp thời khó khăn, những bất cập ở cơ sở để đề xuất các cấp, ngành có giải pháp giúp người dân vùng lũ. Tất cả đều hướng đến tinh thần chung như chỉ đạo của tỉnh là dù khó khăn nhưng quyết tâm không để đồng bào vùng lũ phải chịu đói khổ sau thiên tai, mưa bão.

Các đại biểu dân cử luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Các đại biểu dân cử luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn tỉnh có 55 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 298 đại biểu HĐND cấp huyện, 3.218 đại biểu HĐND cấp xã. Theo ông Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã xuất hiện nhiều tấm gương đại biểu HĐND các cấp thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, gắn kết chặt chẽ với cử tri ở các địa bàn, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng Nhân dân.

Đại biểu HĐND đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều đại biểu đã tích cực đến thôn, xuống từng hộ để kịp thời nắm tình hình và giúp đỡ Nhân dân. Qua lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cử tri, các đại biểu HĐND đã kịp thời đề nghị các cấp, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho cơ sở, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đoàn kết, đồng lòng để Lào Cai sớm vượt qua khó khăn.

Ở đâu khó, có đại biểu HĐND.

Ở đâu khó, có đại biểu HĐND.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 23 (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh), HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND ngày 9/11/2024 về việc không thu học phí năm học 2024 - 2025 đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết 21/2024/NQ-HĐND ngày 9/11/2024 về chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cùng với đó, tỉnh có những chủ trương, chỉ đạo để kịp thời giúp đồng bào tái thiết cuộc sống.

Mưa lũ đã đi qua nhưng công tác khắc phục hậu quả thiên tai sẽ còn là câu chuyện dài đầy gian khó ở Lào Cai. Để các chủ trương, nghị quyết kịp thời đi vào cuộc sống thì giờ là thời điểm các đại biểu HĐND cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để nắm tình hình cơ sở, tiếp thu ý kiến, phản ánh của Nhân dân; giám sát việc triển khai các chính sách hỗ trợ đảm bảo bảo đúng thời gian, đúng đối tượng, đúng mục đích.

 Cần nhiều thời gian để khắc phục hậu quả thiên tai ở Lào Cai.

Cần nhiều thời gian để khắc phục hậu quả thiên tai ở Lào Cai.

Trở lại câu chuyện về những đại biểu dân cử mà chúng tôi đã gặp, cùng với vai trò là đại biểu HĐND các cấp, họ còn gánh trên vai nhiều trách nhiệm với cộng đồng và đều là những đảng viên gương mẫu. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi biết bà Trần Hoài Thu (thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh) năm nay đã 55 tuổi nhưng mới kết nạp Đảng vào ngày 24/6/2024, cách đây 5 tháng. "Mình là đại biểu HĐND xã, lại làm cả Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn nên nhiều tuổi rồi vẫn quyết tâm phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Không phải để có quyền, có chức, mà để làm gương cho con cháu và cống hiến cho Nhân dân được nhiều hơn", bà Thu tươi cười. Nụ cười, màu áo hòa cùng màu tím của những bông hoa sim đang nở rộ ven đồi khu tái định cư Làng Nủ.

Vượt qua thương đau, giờ đây, những khu tái định cư đang được gấp rút xây dựng để sớm hoàn thành, chào đón năm mới 2025. Lá cờ Tổ quốc tung bay ở những bản làng đang dần hồi sinh, màu xanh đang trở lại nơi “tâm lũ” bởi những cây trồng mới, những đứa trẻ tiếp tục vui bước đến trường. Đau thương rồi sẽ ở lại phía sau, nhường chỗ cho một cuộc sống mới bắt đầu với những hy vọng về sự bình an, hạnh phúc. Chúng tôi tin rằng những người đại biểu dân cử sẽ tiếp tục là “cầu nối” để Nhân dân có điểm tựa vững chắc, thêm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thắp lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

Nội dung: Tuấn Ngọc - Quỳnh Trang
Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-cuoi-o-dau-kho-co-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-post393526.html
Zalo