Bài cuối: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ở tuổi 26

Bằng sự mưu trí của mình, ông cùng đồng đội tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, cứu sống hàng nghìn dân thường, thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược. Năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND).

Sáng kiến dùng ống bương đánh giặc

Đó là Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bình (SN 1959, quê xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; thường trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Lúc còn nhỏ, ông được đưa ra miền Bắc học tập, làm việc và đã tiếp thu kiến thức nền tảng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Tiếp phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại nhà riêng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bình, kể: “Sau ngày đất nước thống nhất, vào năm 1977, tôi trở về miền Nam, học lớp vận hành dàn khoan dầu khí Vũng Tàu. Tháng 9/1978, biên giới Tây Nam liên tục bị tập đoàn phản động Pôn Pốt đánh phá, chúng sang giết dân thường Việt Nam, tôi tình nguyện nhập ngũ, được huấn luyện tại Tiểu đoàn Trinh sát 47, Bộ Tham mưu Quân khu 7”.

Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Tân Tiến

Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Tân Tiến

Từ ngày 22/12/1978, chiến sĩ Nguyễn Văn Bình cùng đơn vị đánh thọc sâu vào đất Campuchia, mở đường cho hướng chủ yếu của Quân khu 7 và các đơn vị khác của Bộ Quốc phòng tiến đánh vào Thủ đô Phnôm Pênh và tỉnh Kongpong Chàm, góp phần giải phóng Campuchia vào ngày 7/1/1979.

Đầu năm 1979, tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, cấp trên cần những đơn vị và chiến sĩ có kinh nghiệm chiến trường. Chiến sĩ Nguyễn Văn Bình cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tình nguyện ra Bắc. Cuối tháng 2/1979, ông Bình cùng đơn vị trinh sát có mặt tại mặt trận Vị Xuyên, cùng với đơn vị của Quân khu 2 nghiên cứu tình hình địch và ông có sáng kiến dùng ống bương (một loại tre rừng) cưa ra, đặt 5 - 6 lựu đạn mỏ vịt (đã rút chốt) vào trong, chỉ cần bung ống bương thì lựu đạn nổ đồng loạt, gây sát thương lớn cho quân địch. Nhờ sáng kiến của ông Bình, có đơn vị còn 7 tay súng, vẫn giữ được chốt trong 7 ngày, diệt hàng trăm tên địch.

Đến tháng 1/1980, ông Nguyễn Văn Bình được điều động quay trở lại Tiểu đoàn 3, Đoàn 7701, Quân khu 7, hoạt động tại Campuchia. Thời gian này Tiểu đoàn 3 phối hợp, hỗ trợ Tiểu đoàn 1 Long An, Tiểu đoàn 500 đánh hàng trăm trận. Một trong số đó là trận đánh ở huyện Sandaan (Kampong Thom, Campuchia).

Mưu trí lấy ít thắng nhiều, cứu hàng nghìn dân Campuchia

Về trận đánh ở huyện Sandaan, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bình, kể lại: “Tháng 12/1980, tôi là thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngày 20/12/1980, chúng tôi phối hợp với phân đội du kích của bạn tiến công quân Pôn Pốt trú đóng trong phum Sac Chus, đây là căn cứ địch lùa dân đến để giết hại. Tôi chia tiểu đội thành hai mũi tiến vào phum, nhưng chỉ thấy những căn nhà bỏ hoang, nhiều người chết nằm rải rác. Gần một cái giếng, một phụ nữ vẫn còn sống trong tình trạng kiệt sức. Chúng tôi cho uống sữa rồi dùng cáng võng khiêng đi hơn 30km đường rừng.

Chập choạng tối, khi đến bờ một con sông, chúng tôi dừng nghỉ và chăm sóc y tế cho người phụ nữ, thì phát hiện bên kia sông có tốp lính Pôn Pốt khoảng 5 - 7 tên, nên lập tức chia làm hai mũi, triển khai đội hình chiến đấu. Đến một trảng cỏ rất rộng, chúng tôi thấy hàng trăm người dân đang bỏ chạy tán loạn vì bị lính Pôn Pốt truy sát. Chúng tôi kêu gọi người dân nằm xuống tránh đạn, rồi đồng loạt nổ súng diệt tại chỗ 39 tên địch; đưa về căn cứ hơn 800 người và bàn giao cho chính quyền huyện Sandaan. Còn người phụ nữ, chúng tôi đưa vào bệnh xá để điều trị. Sau đó, chị này được cứu sống, lập gia đình rồi trở thành cán bộ phụ nữ huyện”.

Một trận đánh khác diễn ra vào trung tuần tháng 7/1983, khi ấy ông Nguyễn Văn Bình là trung úy - Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, được giao nhiệm vụ tổ chức trinh sát nắm địch trên địa bàn. Ông chỉ huy 7 chiến sĩ bí mật luồn rừng nhiều ngày, trinh sát các căn cứ địch tại tỉnh Kampong Thom. Ngày 22/7/1983, tại huyện Sandaan, đơn vị ông Bình phát hiện khoảng 100 lính Pôn Pốt đang vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men (khoảng 100 ba lô, mỗi ba lô từ 40 - 50kg) địch có 12 khẩu súng. Còn đơn vị của ông Bình có 8 người với một khẩu B40, một khẩu RPD, một M79, bốn mìn clâymo và 36 mìn vướng nổ.

“Tôi cùng các chiến sĩ bám theo địch hơn 100km và nắm thêm nhiều mục tiêu, căn cứ địch. Sáng 27/7/1983, tôi điện báo xin cấp trên cho tấn công đoàn vận tải của địch và được chấp thuận. Chiều cùng ngày, địch dừng chân bên bờ suối để nấu cơm và nghỉ ngơi. Tôi hội ý với anh em đặt mìn vướng phía sau lưng địch, mìn clâymo bên suối. Sau đó tôi ra lệnh bấm mìn, đồng loạt nổ súng diệt tại chỗ 24 tên, thu 8 khẩu AK, 100 ba lô hàng hóa (khoảng 4 tấn). Chúng tôi cho chiến lợi phẩm vào túi nilon, buộc dính vào nhau, thả nổi dưới suối và cử một chiến sĩ kéo đến vị trí tập kết khoảng 3km, sau đó đơn vị vào vận chuyển” - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bình kể tiếp.

Luôn giữ bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Năm 2010, Thủ đô Hà Nội và cả nước long trọng tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong sự kiện chính trị, văn hóa đặc biệt này, Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình vinh dự được đại diện cho toàn quân nhận ngọn đuốc truyền thống từ tay các vận động viên thể thao để thắp lên đài lửa.

Năm 2014, Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình về hưu. Dù trở về với đời thường nhưng ông vẫn luôn giữ tính cách của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông thường xuyên cùng với đồng đội ở chiến trường xưa cùng nhau tự bỏ tiền túi làm công tác đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa cho những đồng đội vẫn còn khó khăn, gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, trong việc tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh ở chiến trường Campuchia, ông Bình tự bỏ tiền túi đưa gia đình thân nhân liệt sĩ qua tận Campuchia để chỉ nơi đồng đội hy sinh rồi bàn giao cho Quân khu 9 tìm kiếm.

Tháng 11/2019, Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình sang Campuchia tìm lại nơi ông đã từng chôn cất đồng đội tại khu vực trạm xá cũ. Lần này, ông đã tìm được 21 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 2 bộ hài cốt là đồng đội trong đơn vị của ông, 19 bộ hài cốt khác là những chiến sĩ của đơn vị khác. Ông Bình cho biết lý do ông tìm được nhiều hài cốt đồng đội, vì ngày xưa ông là lính trinh sát, trực tiếp chôn đồng đội và đánh dấu, nên nhớ rõ từng vị trí.

Ngoài việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Bình còn cùng đồng đội xây nhà tình nghĩa cho những đồng đội vẫn còn khó khăn, đến nay được hơn 16 căn (khoảng 100 triệu đồng/căn). Bên cạnh đó, ông Bình còn cùng đồng đội góp tiền làm đường cho người dân ở một số địa phương còn nghèo nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong công tác này, đến nay ông Bình cùng đồng đội đã làm được một số đoạn đường, mỗi đoạn dài 400 - 500m, trị giá khoảng 400 - 500 triệu đồng/đoạn.

Trong thời gian tham gia giải phóng Campuchia, làm nghĩa vụ quốc tế; tham gia đánh quân Trung Quốc ở phía Bắc, ông Nguyễn Văn Bình lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công (5 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba); được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều huy chương khác.

Ngày 29/8/1985, ông Nguyễn Văn Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, khi ông mới 26 tuổi. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ các cấp: chỉ huy Tiểu đoàn, Trung đoàn rồi Sư đoàn phó - Tham mưu Trưởng Sư đoàn 317 Quân khu 7, Anh hùng LLVTND – Đại tá Nguyễn Văn Bình cùng đồng chí, đồng đội trong mọi hoàn cảnh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-o-tuoi-26.691639.html
Zalo