Những câu chuyện đi qua nửa thế kỷ: Huyền thoại giữa đời thường

Giữa phố đông, chiếc xe máy màu xanh kè sát chiếc xe của hai phụ nữ, tiếng la thất thanh của người nằm dưới đường: 'Cướp… Cướp...'. Hai chiếc xe S.67 'chẻ' nhanh các dòng xe, rú ga rượt theo chiếc xe màu xanh. Tiếng va chạm mạnh và chớp nhoáng hai tên cướp đã nằm sõng soài giữa đường. Tiếng còng bập nhanh, một chàng trai 'trình ra' chiếc thẻ: 'Bà con giải tán, chúng tôi, trinh sát SBC'. Và họ đã 'biến mất' cùng hai tên cướp giữa dòng người qua lại.

CHUYỆN NỬA THẾ KỶ

Sau một thời gian Sài Gòn được đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), cuộc sống bình yên như “trong mộng” đã bị xáo trộn. Cuối năm 1977, một số giang hồ cộm cán, trước 1975 được tha về từ Côn Đảo và một số nhà giam đã “đội mồ” sống dậy gây ra nhiều vụ án giết người, cướp của. Không chấp nhận cảnh nhiễu loạn trên phố xá, ngày càng lộng hành, đầu năm 1978, Thành ủy TPHCM ra Nghị quyết tăng cường biện pháp nhằm giải quyết nhanh chóng và cơ bản vấn đề trật tự xã hội; trong đó Công an TPHCM là lực lượng nòng cốt.

Chẳng thể khoanh tay đứng nhìn tình hình xã hội ngày càng rối ren, càng không thể thụ động ngồi chờ chúng gây án xong mới truy xét khiến Đội trọng án của Phòng Cảnh sát hình sự “đầu tắt mặt tối”, việc thành lập đơn vị trinh sát hình sự tinh nhuệ rong ruổi 24/24 giờ trên các con phố, chủ động “tìm và bắt các tên cướp” trên địa bàn TP đã trở thành “việc cần làm ngay”, trong suy nghĩ của Trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM.

Lực lượng SBC lên đường làm nhiệm vụ

Lực lượng SBC lên đường làm nhiệm vụ

Dự thảo về lực lượng trinh sát tinh nhuệ ấy được Trung tá Trịnh Thanh Thiệp viết với tên gọi Đội Săn bắt cướp (gọi tắt là SBC). Bản dự thảo thành lập Đội SBC của Trung tá Thiệp trình lên đồng chí Mai Chí Thọ (bí danh Năm Xuân) - Giám đốc Công an TP và Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Lung, đầu năm 1978, được chấp thuận.

Các tiêu chuẩn được qui định: Trinh sát SBC không quá 30 tuổi, có sức khỏe tốt, giỏi võ và kỹ năng bắn súng chính xác. Khi thi hành công vụ, trinh sát SBC được phép chạy hết tốc độ của xe (thời ấy xe S.67 đã xoáy nòng được xem là “chiến” nhất), và nếu cần thiết, trinh sát được đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nếu đối tượng có vũ khí, sau hai phát súng cảnh cáo, không đầu hàng, khi cần thiết, trinh sát SBC được quyền bắn chết đối tượng. Các trinh sát SBC phải ăn ở tập trung và thực hiện nhiệm vụ theo lệnh điều động của chỉ huy 24/24 giờ. Họ được cấp thẻ riêng để chứng minh thân phận khi cần thiết, phải tuyệt đối giữ bí mật nội dung công tác, dù đó là vợ, con, cha mẹ hay người yêu.

Để đáp ứng các điều kiện trên không dễ dàng chút nào, nhưng số người xin được thi tuyển vào Đội SBC ngoài PC14 thì từ phòng ban khác cũng khá đông. Khu đất trống ở Ngã ba xa lộ Đại Hàn được chọn làm thao trường cuộc thi tuyển. Các phần kể trên còn có vẻ “SBC”, đến phần thi ai thuộc các tên đường và biết đường ấy ở quận nào, cách đi nào đến nơi cần đến nhanh nhất thì lại có vẻ như “đố vui để học”. Nhưng anh cả Thiệp có cái lý của ông: “Nhiệm vụ của Đội SBC là chủ động trấn áp, truy bắt nóng và phòng ngừa đối tượng phạm tội. Muốn thế, các trinh sát phải thuộc mọi đường ngang ngõ dọc trong TP như đường chỉ tay mình, có thế mới “đi tắt đón đầu” được, cứ lơ mơ thì chỉ đi dọn án mà thôi”.

Cuối cùng, Đội SBC đầu tiên, gồm 6 tổ trinh sát đã được thành lập chính thức vào tháng 3/1978, với Đại úy Phan Thanh (bí danh Ba Tung) - một chiến binh Biệt động thành lẫy lừng là Đội trưởng. Trong đội hình SBC đầu tiên đã quy tụ những chiến binh xuất sắc của lực lượng Công an TPHCM như: Ba Tung, Hai Thành, Sáu Ngọc (được người dân gọi với biệt danh Phượng hoàng trên đường phố), Mai Tấn, Công Hùng, Trần Hiếu, Huy, Bá Ngọc, Vinh, Thành Mỹ… Hòa vào phong trào trấn áp tội phạm, ổn định tình hình ANTT theo Nghị quyết của Thành ủy, một số quận cũng thành lập các Chi đội SBC và nhiều trinh sát đã thành danh từ đó, như: Lý Đại Bàng (Quận 5), Lê Thanh Liêm (biệt danh Hai Lửa), Thu “gái” (Quận Tân Bình), Huỳnh Diên, Hùng “nhí” (Quận 1)…

Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp

Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp

Một chiều, trong căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp - Phó trưởng Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an - không giấu được cảm xúc bồi hồi khi tôi nói về Đội SBC với những chiến công kể lại nghe như chuyện huyền thoại xảy ra giữa đời thường, những năm 1978 - 1989, ở thành phố mà ông chọn là quê hương thứ hai này.

MỖI CHIẾN CÔNG LÀ MỖI CÂU CHUYỆN HUYỀN THOẠI

Băng cướp Võ Tùng Hội chuyên dùng vũ khí thực hiện những vụ cướp ngân hàng ngày xưa đã “đội mồ” sống dậy bằng những vụ cướp tại một số ngân hàng trong TP. Lệnh xóa sổ băng cướp hung hãn này, anh cả Thiệp giao cho Đại úy Phan Thanh (Ba Tung). 11 giờ trưa, khi sảnh ngân hàng đã thưa người, chỉ có những người ngồi vật vờ, hai người khác cầm chiếc cặp táp thật to đứng… “chờ cướp”. Bọn Võ Tùng Hội xông vào giật nhanh cái cặp táp và lập tức hai tên bị quật ngã với đòn khóa tay nhanh như chớp của “khách”. Chúng hét vang trời, lên xe đồng bọn đang chờ ngoài cửa ngân hàng, chúng chạy ào vào bên trong Chợ Bến Thành. Đội SBC vừa chạy vừa nhử chúng đi về hướng Lái Thiêu vào khu đất trống. Sau đó Nguyễn Đức Đoan, Hoàng Đình Tùng “hai soái” của y bị trinh sát tỉa gục. Võ Tùng Hội dùng AK bắn loạn xạ vào các bụi rậm hắn nghi ngờ. Tiếng lách cách thay băng đạn khiến một viên đạn bắn xẹt ngang người, chỉ trong tích tắc “ngẩn ngơ” mất cảnh giác ấy, viên đạn từ súng của Ba Tung đã “quất” ngang ống chân khiến hắn xụm người xuống. Một bóng người phóng đến đạp văng khẩu AK còn bốc khói buộc y phải đầu hàng, cũng chính là Đội trưởng Ba Tung.

Chiều hôm ấy, người ta thấy trong khuôn viên Phòng CSHS Công an TP có thanh niên đi khập khiễng, có người phải treo tay tòn ten trên cổ… Cùng với những chiến công, các trinh sát hình sự SBC cũng có “giá phải trả” như thế.

Mỗi trinh sát SBC đều gắn với những chiến công mà người dân nhớ mãi, như Chi đội trưởng SBC Tân Bình - Lê Thanh Liêm, tại sao có biệt danh Hai Lửa. Năm 1983, băng cướp “Tia chớp nhiệt đới” được nhận dạng bằng xăm hình một tia lửa ngoằn ngoèo trên tay, chuyên thực hiện những vụ cướp xe, cướp tài sản ở khu vực Nghĩa địa Đô Thành (Công viên Lê Thị Riêng hiện nay).

Một buổi tối, bọn cướp thấy một “doanh nhân” xách samsonite đi “lều khều” ở khu nghĩa địa. Hai tên cướp bước đến gí dao buộc “doanh nhân” Lê Thanh Liêm giao cặp da và hỏi: “Ví tiền đâu?”. Thời cơ đến, Liêm thò tay vào rút súng. Hai tên khác lao tới hỗ trợ. Một trận đánh võ không cân sức, rồi tiếng bập còng sắc lạnh. Đạp trên tay có hình xăm của tên cướp, Lê Thanh Liêm nói lớn: “Này thì Tia chớp nhiệt đới. Chỉ có một nháng lửa, tụi mày tưởng đã là bất trị sao? Tao, Hai Lửa đây nè!”. Biệt danh “Hai Lửa” của Thiếu úy hình sự Lê Thanh Liêm có từ đó.

Những chiến công lừng lẫy tưởng chỉ có trong phim thì câu chuyện “cay mắt” cũng tưởng chỉ có trong phim. Năm 1989, Đội SBC giải thể. Tháng 4/2008, trước tình hình ANTT của TP có chuyển biến xấu, BGĐ Công an TPHCM lập Đội Cảnh sát Đặc nhiệm, thuộc Phòng CSHS. Vẫn với hào khí và quyết tâm của thời “SBC” cũ, các trinh sát Đội Đặc nhiệm như: Hớn, Phổ, Năm, Công Hùng, Bá Ngọc, Thành Mỹ… đã có những chiến công vẫn nhuốm màu huyền thoại như ngày nào.

Đội SBC - một lực lượng kiêu hùng đã viết nên bản tráng ca của những người lính giữa thời bình - đã mãi mãi là nỗi nhớ không quên trong lòng người dân TP, hôm nay và mai sau…

Một chiều, trong căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp - Phó trưởng Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an - không giấu được cảm xúc bồi hồi khi tôi nói về Đội SBC với những chiến công kể lại nghe như chuyện huyền thoại xảy ra giữa đời thường, những năm 1978 - 1989, ở thành phố mà ông chọn là quê hương thứ hai này.

PHẠM THỤC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-an-ninh-an-toan-men-khach/nhung-cau-chuyen-di-qua-nua-the-ky-huyen-thoai-giua-doi-thuong_177497.html
Zalo