Nỗi đau góa phụ làng biển - Bài cuối: Tìm hướng chuyển đổi nghề

Mỗi chuyến vươn khơi là mỗi lần ngư dân đặt cược tính mạng của mình lên đầu sóng, ngọn gió. Hiện nay, dù tàu thuyền đã tốt hơn, trang thiết bị hiện đại và đầy đủ hơn nhưng những chuyến ra khơi mùa biển động vẫn đầy hiểm nguy khó lường, chưa kể nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm. Đó cũng là lý do khiến nhiều người dân ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) dần chuyển đổi nghề.

 Chị Trần Thị Cúc (sinh năm 1995, trú tại xã Thuận Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) một mình nuôi 3 con nhỏ sau khi chồng mất trong một chuyến ra khơi

Chị Trần Thị Cúc (sinh năm 1995, trú tại xã Thuận Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) một mình nuôi 3 con nhỏ sau khi chồng mất trong một chuyến ra khơi

Ngày 18/3/2025, tàu cá mang số hiệu NA-80209-TS chở 4 ngư dân Nghệ An bị chìm khi đang cách bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh gần 20 hải lý, khiến 3 người ra đi mãi mãi. Trong số đó, một người mới từ nước ngoài về nghỉ phép, theo bạn ra khơi và chàng trai 20 tuổi đang chờ lấy bằng tốt nghiệp…

Chuyến đi định mệnh

Mười hai tuổi, ông Lê Văn Thân (SN 1980) đã theo cha cưỡi sóng ra khơi đánh cá. Nghề đi biển, hiểm nguy luôn rình rập, thời tiết trên biển thật khó để đoán định. Trước đây, ngư dân đi biển dựa vào kinh nghiệm truyền đời.

Bây giờ, với trang thiết bị hiện đại, rủi ro giảm đi đáng kể nhưng ông Thân nói rằng, biển vẫn luôn ẩn chứa những bất trắc. Biết bao lần ông Thân đã phải đối diện với sinh tử để đổi lấy những mẻ cá tôm. Hiểu điều đó nên từ khi con trai Lê Anh Tuấn (SN 2005) còn bé, ông Thân đã động viên con cố gắng học hành, sau này tìm công việc khác.

Nghe lời bố, Tuấn đã cố gắng học hành và thi đỗ vào trường Cao đẳng Hàng Hải. Tuấn đang chờ lấy bằng để đi tàu vận tải trong khu vực Đông Nam Á. So với việc đi tàu đánh bắt trên biển, công việc trên các chuyến tàu vận tải ít nguy hiểm hơn, thu nhập cao hơn.

Biển cả đã cướp đi sinh mạng của nhiều ngư phủ, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình. Xã Thuận Long có nhiều người mẹ mất con trên biển như bà Cửu, bà Xứm và nhiều người vợ trẻ mất chồng như chị Nhị, chị Cúc… Đây đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Bà Vũ Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)

Thời gian này, Tuấn đang ở quê. Thấy cậu họ Trần Văn Hữu (SN 1995) chuẩn bị ra khơi đánh cá, Tuấn đã xin mẹ đi cùng. Dù không muốn nhưng thấy con năn nỉ, tàu lại đánh bắt gần bờ nên bà Hoàng Thị Dung (SN 1986), mẹ Tuấn, đành chiều theo ý con. Tuấn hứa, chỉ đi nốt lần này rồi về lấy bằng tốt nghiệp và đi làm. Vợ chồng bà Dung không ngờ, dự định của con trai đã trở nên dang dở.

Ông Lê Văn Thân như người mất hồn kể từ khi con trai gặp nạn và mất tích trên biển

Ông Lê Văn Thân như người mất hồn kể từ khi con trai gặp nạn và mất tích trên biển

Khi đang ở vùng biển phía Nam, ông Thân nhận được tin tàu của con mình bị chìm trên biển. Lập tức mua vé máy bay về quê với hy vọng phép màu sẽ đến nhưng thời gian cứ cạn dần và tia hi vọng cũng dần tắt lịm.

"Đây là lần thứ hai con tôi ra khơi. Hôm đi, con không mang theo điện thoại. Mãi đến chiều tối 18/3, chúng tôi mới biết tàu gặp sự cố. Trưa 19/3, anh Hữu được tàu cá khác cứu nhưng con tôi và 2 người nữa không có được may mắn đó", ông Thân nghẹn ngào nói.

Ngồi bó gối trước bàn thờ con, ông Thân không cầm được nước mắt khi nhắc đến chuyến đi định mệnh của con: "Tôi đã hi vọng con tôi sẽ được cứu vì vị trí gặp nạn cách bờ không xa. Không hiểu sao trên tàu không có áo phao. Nếu mặc áo phao thì con tôi có đến 80% cơ hội sống sót. Bây giờ 3 người chết, 2 người đã tìm thấy thi thể, còn con tôi đã nằm lại mãi mãi với biển".

Ông Thân giã từ nghề đánh bắt hải sản cách đây 10 năm để làm thuyền viên tàu vận tải biển. Trước đó, năm 2014, ông cùng 10 ngư dân khác đã góp vốn 4 tỷ đồng đóng tàu lớn ra khơi. Thế nhưng đi được 3 năm họ phải chấp nhận bán lỗ còn 1,2 tỷ đồng. Số tiền vay góp vốn đội lên thành 1 tỷ đồng vì "càng ra khơi càng lỗ". Đến thời điểm này, món nợ của vợ chồng ông Thân vẫn chưa thể trả.

Cách nhà ông Thân vài cây số là nhà thuyền viên Bùi Sỹ Nhất (SN 1977), trú xã Thuận Long. Khác với gia đình các thuyền viên khác, nhà ông Nhất thuộc diện khá giả. Điều này có được không phải nhờ đi biển mà nhờ xuất khẩu lao động.

Ông Nhất cũng ra khơi từ tấm bé nhưng cách đây 20 năm, ông đã từ giã nghề đi biển và đi xuất khẩu lao động. Kể từ đó đến nay, ông liên tục ra nước ngoài làm ăn. Cuối năm 2024, ông Nhất trở về nước và dự tính ở nhà với vợ con hết năm 2025, đến năm 2026 tiếp tục sang Hàn Quốc lần nữa.

"Ngày 17/3, ông Nhất lên tàu NA-80209-TS ra khơi. Nhiều người nói ông đi biển vì nhớ nghề bởi gia đình ông Nhất khá dư giả. Tuy nhiên, tôi hiểu ông ấy là người chăm chỉ, ngồi một chỗ không chịu được. Khi có tàu ra khơi, lại thấy thiếu thuyền viên nên ông ấy đã tham gia. Không ngờ ông ấy lại bỏ mạng trên biển trong chuyến đi này", ông Vũ Ngọc Chắt, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Long, cho biết.

Nhiều ngư dân chọn chuyển đổi nghề

Ông Chắt nguyên là Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Long cũ, cũng là Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá của xã này. Năm 2024, xã Quỳnh Long sáp nhập với xã Quỳnh Thuận thành xã Thuận Long, ông Chắt giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Long.

Theo ông Chắt, Quỳnh Long là xã có lượng người làm nghề đi biển nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Khoảng 2/3 người dân trong độ tuổi lao động của xã đi biển hoặc làm dịch vụ liên quan đến nghề cá. "Trước năm 2020, xã Quỳnh Long có 115 tàu cá có chiều dài trên 15m, mỗi tàu có từ 20 đến 24 thuyền viên đánh bắt xa bờ, tương đương gần 3.000 thuyền viên. Thế nhưng, trong mấy năm gần đây, số tàu thuyền giảm. Hiện cả xã Thuận Long có 131 tàu", ông Chắt chia sẻ.

Không thể phủ nhận rằng, nhiều xã ven biển ở huyện Quỳnh Lưu khang trang được như hôm nay một phần là nhờ "lộc" biển. Thế nhưng, nghề đi biển nhiều hiểm nguy. Mỗi lần ra khơi là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên đầu sóng, ngọn gió.

Ở xã Quỳnh Long (cũ), có những ngôi làng như Thành Công hay Minh Thành được gọi là "làng vọng phu". Năm 1997, một trận giông lốc bất ngờ kéo đến, cuốn đi hàng chục tàu thuyền của ngư dân đang đánh cá.

Nhiều người đã mất mạng trên biển Quỳnh Lưu, riêng thôn Thành Công có 7 người chết, trong đó 5 người không vớt được xác. Năm 2012, xã Quỳnh Long lại chìm trong tang tóc khi tàu mang số hiệu NA 90249 TS do thuyền trưởng Nguyễn Minh Trí cùng 9 thuyền viên bị cơn lốc đánh chìm khi đang cách bờ khoảng 80 hải lý.

Nhiều ngư dân xã Văn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) giờ chuyển hướng đi xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân

Nhiều ngư dân xã Văn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) giờ chuyển hướng đi xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chỉ có 2 thuyền viên may mắn được cứu sống. Đến nay, sau nhiều lần cố gắng tìm kiếm của cơ quan chức năng và người nhà, thi thể 8 thuyền viên vẫn chưa được tìm thấy.

Nhẩm tính, ông Chắt cho biết, cả xã Thuận Long có khoảng 25 phụ nữ góa chồng. Khó có thể diễn tả hết được nỗi vất vả của ngư dân khi họ lênh đênh cùng con sóng, phải làm việc quần quật nhiều ngày liền với nắng, gió và sóng dữ.

Cùng với việc cá tôm ngày càng khan hiếm, xu hướng chuyển dịch ngành nghề mạnh mẽ, hiện nay, xã Thuận Long chỉ còn khoảng 850 ngư dân bám biển. "Số phụ nữ làm dịch vụ ăn theo nghề cá giờ cũng còn khoảng 250 người.

Đa số họ đi làm công nhân ở các nhà máy. Số ngư dân chuyển sang làm thuyền viên tàu vận tải biển cũng nhiều, với khoảng 1.200 người. Số người đi xuất khẩu lao động hiện trên 1.000 người. Dự báo số lao động làm nghề đánh bắt hải sản sẽ còn giảm trong những năm tới", ông Chắt cho biết.

Cùng chung xu hướng đó, tại xã Văn Hải, số ngư dân cũng giảm trong những năm qua. Theo ông Đào Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, hiện trên toàn xã có 159 tàu và 856 thuyền viên. "Giai đoạn 2017-2018, nghề đánh bắt hải sản cho thu nhập rất tốt nhưng mấy năm gần đây, ngư trường ngày càng cạn kiệt.

Người dân chuyển sang xuất khẩu lao động, hiện xã có trên 2.000 người đang lao động ở nước ngoài; khoảng 1.000 người, chủ yếu là phụ nữ, đi làm công nhân. Nhiều tàu đã cũ nhưng ngư dân ít đóng tàu mới mà chọn chuyển đổi nghề. Một số thôn có số ngư dân đông nhưng họ chủ yếu đánh bắt gần bờ", ông Hải chịu sẻ.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-dau-goa-phu-lang-bien-bai-cuoi-tim-huong-chuyen-doi-nghe-20250422123354896.htm
Zalo