Bài 5: Dòng thác Thủy điện Trị An – 'yếu tố' làm đề án du lịch sinh thái xanh ven hồ

Có người ví von, nếu như nguồn sáng từ thủy điện là ánh sáng đến từ đại ngàn thì tiếng reo của dòng thác Thủy điện Trị An là bài ca vang mãi, như lời bài hát của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, 'Trị An âm vang mùa xuân': Dòng điện mê say gọi ngày tương lai/Dòng điện bao la, gọi đời bay xa...

Một góc Nhà máy Thủy điện Trị An. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Một góc Nhà máy Thủy điện Trị An. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Thủy điện Trị An góp công lớn vào những ngày đầu công cuộc công nghiệp hóa phát triển đất nước. Không chỉ vậy, công trình còn “tiếp sức” nhiều mặt về đời sống văn hóa xã hội, dân sinh. Ngoài việc cung cấp điện, hồ thủy điện còn tạo nên một vùng làng mạc xanh tươi trù phú, mặt hồ Trị An rộng hơn 32km2 với nhiều đảo nhỏ bên rừng Đồng Nai còn giúp phát triển du lịch một cách căn cơ. Xưa, có những con người hăng say làm nên thủy điện, giờ đây các thế hệ tiếp nối đang mang trong mình những khát vọng mới: Làm du lịch, phát triển kinh tế vườn…

Nét đẹp sức người giữa rừng, nước xanh xanh

Nhà máy Thủy điện Trị An đang được tính toán để mở rộng quy mô, phát triển thêm với việc lắp thêm hai tổ máy công suất 200MW. Hồ Trị An cũng đã được Chính phủ ban hành quyết định quy hoạch thành khu du lịch quốc gia. Việc phát triển hơn nữa những lợi ích có được từ Thủy điện Trị An đang được phát huy, bức tranh hồ Trị An và Thủy điện Trị An sẽ ngày càng thêm đẹp.

Hiện nay, việc phát triển du lịch, kinh tế vườn, nuôi trồng thủy sản ở lòng hồ Trị An và xung quanh khu vực đang rất được quan tâm. Thực tế, hiện nay hồ Trị An và Thủy điện Trị An đang trở thành điểm khám phá khá hấp dẫn với du khách.

Đường dẫn vào Nhà máy Thủy điện Trị An là một con đê rất cao, bằng với ngọn của những cái cây bên dưới, từ đây phóng tầm nhìn hướng ra xa, cảnh sắc vô cùng đẹp mắt. Con đường này vẫn được nhiều người ví như “con đường cầu vồng” bởi khi chạy xe trên đây cảm tưởng như đang chạy trên cầu vồng thật vậy, bốn phía đều hướng về chân trời. Tại đập thủy điện, có những khúc cua uốn lượn, một phía là núi đá, phía còn lại là những rừng cây, bãi cỏ tuyệt đẹp, một màu xanh xanh trải rộng, trông như đang giữa một bình nguyên bao la.

Hồ Trị An có trên 70 đảo lớn, nhỏ, trong đó có một số đảo có cư dân sinh sống. Tại những điểm du lịch sơ khai ở nhiều nơi trên lòng hồ, hiện cũng đã có những hoạt động khá hấp dẫn, lãng mạn như: Lênh đênh câu cá trên lòng hồ, khám phá rừng và cắm trại tại đảo Ó, thưởng thức những món ăn đặc sản…

Giữa rừng, nước xanh như bức tranh thủy mặc, con người ta dễ thấy tâm hồn mình thêm thư thái, đầy lạc quan. Anh bạn mà chúng tôi mới quen, là khách du lịch, nhìn đập thủy điện, nhìn trời nước rồi như buột miệng thẩm thỉ hát mấy câu, bài hát “Trị An âm vang mùa xuân” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Dòng điện mê say gọi ngày tương lai/Dòng điện bao la, gọi đời bay xa…”. Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, ca khúc viết về thủy điện mang phong cách Pop - Rock đã làm bừng sáng biết bao sân khấu lớn nhỏ, hơn 40 năm qua đến nay khi cất lên vẫn làm xao động trái tim của nhiều người.

“Trong một chuyến công tác đi qua Đồng Nai, về thăm Nhà máy Thủy điện Trị An, tôi giật mình khi phát hiện nơi đây chính là công trình lịch sử được in trên tờ 5 ngàn đồng Việt Nam. Tôi xuống sâu dưới lòng đất nhìn thấy tua-bin nước quay, rồi tôi đứng giữa rừng nước xanh xanh bao la, say sưa mênh mang nhìn công trình kỳ vĩ mà cứ miên man suy nghĩ mãi về những thành công mà cha anh ta đã thực hiện được trong thời kỳ gian khó…”, anh Hồ Huy Quang, một người bạn, kỹ sư xây dựng hiện công tác ở Hà Nội, rất quan tâm đến Thủy điện Trị An, chia sẻ với chúng tôi.

Những khát vọng mới

Những ngày về vùng hồ, đập Thủy điện Trị An, chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ với một số công nhân, những người góp phần làm nên nhà máy ngày ấy. Giờ đây, họ và lớp con cháu đã sang một trang mới của cuộc sống. Nhiều cán bộ lâu năm, các công nhân ngày xưa vẫn sinh sống, lập nghiệp trong khu vực, họ luôn tự hào với thành quả đã đạt được. Thế hệ tiếp nối cha anh, tiếp tục mang những khát vọng làm giàu ở vùng đất của Thủy điện Trị An, cũng là vùng đất chiến khu cách mạng.

Khi Thủy điện Trị An được xây dựng, hơn 19.000 người dân phải di dời để nhường đất cho lòng hồ. Hiện nay, cư dân sinh sống xung quanh hồ nhiều gia đình là các hộ ngày xưa di dời từ dưới lòng hồ, vùng bán ngập, một số hộ là gia đình các thanh niên xung phong, công nhân làm thủy điện xưa đã ở lại làm ăn trên vùng đất cũ.

Anh Hà Thắng là con của một công nhân dọn dẹp lòng hồ Thủy điện Trị An ngày xưa, nay là nông dân phát triển kinh tế vườn rất giỏi. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Anh Hà Thắng là con của một công nhân dọn dẹp lòng hồ Thủy điện Trị An ngày xưa, nay là nông dân phát triển kinh tế vườn rất giỏi. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Ông Cổ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu dẫn chúng tôi đến thăm mô hình quýt đường với quy mô 3ha, hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Hà Thắng, tại ấp Lý Lịch 2. Anh Thắng sinh năm 1982, có cha mẹ hồi xưa đều là công nhân dọn dẹp lòng hồ Trị An. Anh đưa chúng tôi vào vườn quýt xanh tốt, cành to khỏe, cho biết quýt được trồng theo hướng hữu cơ trên đất phù sa ngay ven lòng hồ Trị An nên quanh năm không lo nước tưới. Anh dùng thêm các tạp chất từ lòng hồ Trị An làm phân bón. Vườn cây nhà anh cho nhiều trái và rất ít sâu bệnh, hiện sản lượng trung bình mỗi năm đạt 50-60 tấn, thu về 800-900 triệu đồng, còn tạo được việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập khoảng 7-10 triệu đồng/tháng.

Còn ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu chia sẻ, người dân tại xã đa số làm nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Trị An. Hiện nhiều người dân của xã và các vùng lân cận đang mong chờ Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ven hồ Trị An đi vào hiện thực để kinh tế trong vùng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1984 tại xã Mã Đà), chủ một điểm du lịch do anh đặt tên là Angel Village rộng khoảng 2ha, cho biết anh mong đợi đề án du lịch đi vào thực hiện. Điểm du lịch của anh mỗi dịp cuối tuần đón từ khoảng 150-200 lượt khách trải nghiệm du thuyền, chèo thuyền, lái mô tô nước, cắm trại, hái trái cây ven hồ. Anh Nguyễn Thanh Huy nói: “Nhiều năm qua, du lịch ven hồ mang tính tự phát, giờ đây nghe tin đề án du lịch sắp được triển khai, sẽ có quy định cụ thể hướng dẫn các hộ kinh doanh du lịch lên phương án đầu tư, bà con rất vui”.

Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ven hồ Trị An giai đoạn 2021-2030 được lập từ năm 2017, do Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện. Quy hoạch được lập trên phạm vi rộng hơn 4.600ha, với 37 tuyến, 22 khu với 50 điểm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại. Đề án này kết nối các điểm du lịch tham quan vệ tinh từ Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, Khu ủy miền Đông Nam bộ, đặc biệt là dự án Safari (nuôi động vật bán hoang dã) đang được triển khai. Do một số vướng mắc, đến tháng 10/2023 đề án mới được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chia sẻ, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ven hồ Trị An được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua sẽ làm cơ sở để khu bảo tồn triển khai các dự án, mời gọi các nhà đầu tư liên doanh liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. “Tỉnh có kỳ vọng vùng rừng, hồ Trị An phát triển bền vững, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, thành niềm tự hào của vùng Đông Nam bộ”, ông Nguyễn Hoàng Hảo nói.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguyễn Đức - Cẩm Trang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-5-dong-thac-thuy-dien-tri-an-yeu-to-lam-de-an-du-lich-sinh-thai-xanh-ven-ho-383770.html
Zalo