Bài 3: Vì sao tảo hôn càng chống càng tăng?
Qua số liệu thống kê tình trạng tảo hôn trong 4 năm gần đây của UBND huyện Kỳ Sơn cho thấy, số người tảo hôn trên địa bàn huyện trong các năm 2022 và 2023 tăng lên rất nhiều. Dù đã vào cuộc rất quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp để phòng chống nhưng tảo hôn vẫn tăng.
Tảo hôn - nhìn từ những "xã đầu bảng"
Nậm Càn là xã biên giới, với 2,5km đường biên, tiếp giáp với tỉnh Bolikhămxay (Lào). Xã chỉ có hơn 400 hộ dân nhưng số hộ nghèo là 184 hộ (chiếm 38,9%). Là một trong những xã có dân số thấp bậc nhất ở huyện Kỳ Sơn nhưng số người tảo hôn ở Nậm Càn luôn thuộc hàng đầu.
Năm 2023 Nậm Càn có 34 người tảo hôn, chỉ đứng sau xã Na Ngoi (58 người) và Huồi Tụ (36 người). "Để chống tảo hôn, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, khi băng rôn, khẩu hiệu; khi trực tiếp tại nhà trường, thôn bản nhưng hiệu quả chưa cao", ông Xồng Bá Lầu, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn, giọng đầy trăn trở.
Xã Mường Lống cũng luôn là điểm "nóng" về tình trạng tảo hôn ở Kỳ Sơn. Theo báo cáo từ UBND huyện Kỳ Sơn, năm 2020 xã Mường Lống có 15 người tảo hôn, năm 2021 có 17 người, năm 2022 có 19 người và năm 2023 tăng lên 31 người.
Ngoài ra, 2 xã khác trong huyện cũng cho thấy tốc độ tảo hôn tăng nhanh đến chóng mặt là Na Ngoi và Huồi Tụ. Năm 2022, Na Ngoi chỉ có 8 người tảo hôn nhưng sang năm 2023 đã lên tới 58 người (tăng hơn 7 lần). Xã Huồi Tụ từ 18 người năm 2022 lên 36 người năm 2023 (tăng 2 lần). Tất cả những trường hợp tảo hôn đều là người Mông.
Đáng nói, tại xã Mường Lống, theo thông tin từ ông Vừ Bá Xử, Phó Chủ tịch UBND xã, hầu hết trường hợp tảo hôn là học sinh. Từ đầu năm 2024 đến nay cũng có 8 học sinh THCS bỏ học để kết hôn. Theo ông Xử, dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng những học sinh này khi đã lấy vợ, lấy chồng thì quãng đời học sinh tươi đẹp sẽ khép lại. "Trường hợp kết hôn rồi vẫn đi học cũng có nhưng rất ít và đều là con trai", ông Xử chia sẻ.
Điều kiện kinh tế xã hội và nhận thức
Báo cáo "Phân tích thực trạng, nguyên nhân, hiệu quả các giải pháp về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn từ năm 2020-2023 và 3 tháng đầu năm 2024" cho thấy: Tảo hôn xảy ra phổ biến ở đồng bào dân tộc Mông. Ở đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái cũng có tình trạng tảo hôn nhưng rất ít.
Năm 2023 vi phạm tảo hôn ở đồng bào Mông chiếm 86% trong tổng số trường hợp tảo hôn toàn huyện. Trong 4 năm trở lại đây, tảo hôn xảy ra nhiều ở 9 xã: Mường Lống, Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Càn, Nậm Cắn, Tây Sơn, Đoọc Mạy, Mường Típ, Mường Ải, hầu hết tập trung ở các bản có đồng bào Mông sinh sống. Một thông tin đáng chú ý là tuy cùng là xã có đông đồng bào Mông nhưng nếu ở thị trấn hoặc xã vùng ngoài có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn thì tỷ lệ tảo hôn ít hơn hẳn so với các xã vùng sâu, vùng xa.
Các gia đình có con cái tảo hôn thường bố mẹ cũng kết hôn sớm, nhận thức của cha mẹ còn nhiều hạn chế nên coi việc kết hôn là đúng, là bình thường. Cha mẹ ít quan tâm, để ý đến con cái, để con cái tự do yêu đương, lơ là việc học. Khi xẩy ra sự việc thường mặc kệ hoặc tìm cách đổ trách nhiệm cho chính quyền, các thầy cô giáo.
Vài trò "mờ nhạt" của gia đình, nhà trường, xã hội
Theo kết quả điều tra ở Kỳ Sơn cho thấy, hiện nay các gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, để lại con cho người thân, ông bà chăm sóc đang rất phổ biến. Điều này tác động tiêu cực tới công tác nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục con em, dẫn đến con cái tự do tìm hiểu, yêu đương rồi kết hôn sớm.
Theo khảo sát đối với 491 em học sinh ở 5 trường học vào đầu tháng 3/2024, có 55% em học sinh trả lời có bố mẹ đi làm ăn xa. Việc trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đi học cũng là một nguyên nhân của tảo hôn. Theo thống kê của 3 tháng đầu năm 2024, trong tổng số 90 trường hợp tảo hôn, có đến 60 trường hợp thiếu niên trong độ tuổi nhưng không đi học.
Bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, nói rằng: Việc quản lý, giáo dục và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn trẻ em đang đi học không vi phạm tảo hôn dễ hơn rất nhiều so với trẻ em, thiếu niên không đi học, đang lao động tự do hay làm các việc khác.
Thế nhưng, thực tế cho thấy số học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường lấy chồng, lấy vợ rồi bỏ học cũng không hề ít. Trường THPT Kỳ Sơn và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trong huyện hầu như năm nào cũng có học sinh tảo hôn. Sau tết nguyên đán 2024, hai trường báo cáo số em tảo hôn có giảm nhưng vẫn xảy ra. Trường THPT Kỳ Sơn năm 2023 có 10 em tảo hôn, năm 2024 có 3 em; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên năm 2023 có 18 em, năm 2024 có 14 em.
Rõ ràng, công tác quản lý học sinh trong một số trường cũng "có vấn đề" bởi cũng ở Kỳ Sơn, có những ngôi trường trong nhiều năm liền không có học sinh nào tảo hôn như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn và Trường THCS thị trấn Mường Xén.
Ngoài ra, việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và y tế liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh sản, các biện pháp tránh thai, trong khi hiện nay, trẻ em dậy thì sớm, quan điểm đời sống cởi mở... đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm, tảo hôn và bỏ học.
Ảnh hưởng của internet và mạng xã hội cũng có tác động rất lớn khi mà ngày nay các em học sinh cấp THCS, THPT được sử dụng tự do điện thoại thông minh là nguyên nhân của xao nhãng việc học, tán tỉnh và yêu đương sớm cũng là yếu tố dẫn đến tảo hôn.
Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ - cũng nói rằng: Ảnh hưởng tiêu cực từ tục "cướp vợ" đang dần được xóa bỏ nhưng các em nhỏ lại tiếp nhận thông tin "xấu độc" từ mạng xã hội quá sớm mà không có sự kiểm soát, chọn lọc dẫn nên yêu sớm, quan hệ tình dục sớm và tảo hôn.
Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, bà Vi Thị Quyên cũng nhận định: Hạn chế từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động quần chúng, tuân thủ, chấp hành, thi hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, luật trẻ em, luật hình sự và các chế tài khác chưa được thực thi đầy đủ cũng khiến tình trạng tảo hôn không giảm.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh, thanh thiếu niên về chống tảo hôn còn chưa rộng khắp, chưa đi vào chiều sâu, chưa lan tỏa đến mọi cơ quan, đoàn thể và cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc. Mỗi cơ quan, đoàn thể từ cấp huyện đến xã, bản chưa đưa nội dung công tác tuyên truyền, vận động vào kế hoạch của ngành mình. Các ngành, đơn vị, đoàn thể mới dừng lại ở việc phản ánh, nêu vấn đề mà chưa chú trọng triển khai các hoạt động cụ thể để tuyên truyền, ngăn ngừa, xóa nạn tảo hôn ở địa phương, đơn vị mình…
Số đối tượng bị xử lý hình sự với vi phạm liên quan đến tảo hôn đang rất ít nên chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe để làm chuyển đổi hành vi của người dân, học sinh và các đối tượng liên quan. Thực trạng tảo hôn xẩy ra phổ biến qua nhiều năm, trong đó hành vi giao cấu với trẻ em đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các vụ việc được điều tra, xác minh, truy tố chỉ khi có đơn tố giác tội phạm hoặc khi các bên không đạt được sự đồng thuận, thỏa thuận với nhau. Ngoài ra, nhiều cán bộ chịu trách nhiệm thi hành và bảo vệ pháp luật cũng còn coi tảo hôn là thói quen, tập tục của đồng bào…