Bài 3: Trách nhiệm của cộng đồng- Yếu tố quyết định hồi sinh sông Tô Lịch
Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là bài toán của chính quyền, mà còn là câu chuyện về ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Sự chung tay của cộng đồng chính là yếu tố then chốt, để trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng sông lịch sử này.
Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là bài toán của chính quyền, mà còn là câu chuyện về ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Sự chung tay của cộng đồng chính là yếu tố then chốt để trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng sông lịch sử này.
Môi trường là tài sản chung, là không gian sống của tất cả chúng ta. Việc bảo vệ và gìn giữ môi trường, đặc biệt là hồi sinh dòng sông Tô Lịch, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của riêng chính quyền mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng. Mỗi người dân đều cần ý thức được trách nhiệm của mình, hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống, duy trì và phát triển những kết quả tích cực mà các giải pháp của chính quyền mang lại. Đây chính là chân lý với hành trình “tìm lại bản ngã” cho dòng Tô mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng thực tế cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân ven sông Tô Lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Hình ảnh người dân vô tư xả rác bừa bãi ra sông, ven đường, xem sông Tô Lịch như “nơi chứa rác thải công cộng” vẫn còn diễn ra phổ biến. Sự thiếu quan tâm đến môi trường sống xung quanh, thói quen sinh hoạt thiếu ý thức đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm của dòng sông.
Những ngày cuối năm 2024, thực hiện một hành trình dọc dòng Tô, những hình ảnh nhếch nhác hai bên bờ sông đập vào mắt vẫn khiến không ít người dân Thủ đô trăn trở. Niềm hân hoan về một ngày dòng sông lịch sử sẽ hồi sinh là có thật. Hiện tại, dòng Tô vẫn còn đau lắm, vẫn còn đáng thương lắm. Rác thải, nước thải, hàng quán lấn chiếm, bãi xe xâm phạm… tất cả vẫn đang hiện hữu, như những mũi dao nhọn sắc đâm toạc không gian sống của sông Tô Lịch, khiến những trái tim người dân Thủ đô không khỏi nhói đau!
Gặp chúng tôi khi đang quét dọn khu vực trước cửa nhà, bà Ngô Thị Yến (70 tuổi, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) khi được hỏi cảm nhận của mình về tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, bà thở dài: “Sông càng ngày càng đen và nặng mùi hơn. Các anh nhìn cũng đủ hiểu rồi đấy”. Cũng như hàng trăm gia đình khác có “mặt tiền” hướng thẳng ra bờ sông Tô Lịch, trong suốt bao năm sinh sống ở đây, gia đình bà Yến đã nếm trải đủ những nỗi khổ mà dòng sông này gây ra. Đáng sợ nhất là mùi hôi được “gửi” theo làn gió mỗi ngày. “Mùa đông hoặc thời tiết mát mẻ thì tôi mới dám mở cửa cho không khí vào trong nhà, còn mùa hè hoặc ngày nóng phải đóng chặt cửa. Nhiều gia đình vì không chịu được mùi hôi này phải cho thuê nhà, hoặc bán nhà để chuyển tới nơi khác sinh sống" – bà Yến vừa nói vừa làm động tác hít thở một cách khó nhọc như để chứng minh cho chúng tôi thấy, rồi cũng chẳng chịu được mấy giây, bà lại đưa tay bịt miệng, cặp lông mày trên khuôn mặt nhăn nhó như vừa trải qua một trận tra tấn…
Cùng chung nỗi khổ với bà Yến, chị Nguyễn Thu Hằng (21 tuổi, quận Cầu Giấy) mỗi lần đi qua đoạn đường ven sông Tô Lịch là mỗi lần như phải chịu cực hình. "Vỉa hè có rất nhiều rác, lan can xuống cấp chỉ được gia cố tạm thời; nước từ sông có mùi và còn bị đen” – chị Hằng vừa nói vừa vội lấy tay bịt miệng, chiếc khẩu trang vừa cởi, cầm trên tay cứ thấp thỏm muốn đeo ngay lên miệng. Theo lời chị Hằng, chiếc khẩu trang luôn là vật bất li thân của chị mỗi khi ra đường mà có hành trình phải đi dọc bờ sông. “Trước em còn hay đi tập thể dục dọc sông nhưng nay phải bỏ vì mùi hôi này" – chị Hằng nói rồi vội vàng lấy chiếc khẩu trang che lên miệng và rảo bước vội mong sớm qua được đoạn đường “view sông” ám ảnh này.
Hà Nội đang rất quyết tâm hiện thực hóa quyết tâm hồi sinh sông Tô Lịch – giấc mơ vốn vẫn còn dang dở trong suốt 20 năm qua. Với một loạt những giải pháp căn cơ, từ hạ tầng đến kỹ thuật, công nghệ mà TP đã và đang triển khai, viễn cảnh về một dòng Tô không còn màu đen, không còn mùi hôi sẽ sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, như các bậc tiền nhân vẫn dạy, làm thì dễ nhưng giữ được mới khó. Với câu chuyện sông Tô Lịch, để làm cho dòng nước sông trong xanh trở lại vốn là công việc chẳng hề dễ dàng gì. Cho nên, một ngày nào đó, khi dòng sông kia được làm sạch, việc giữ cho dòng nước ấy mãi trong xanh chắc chắn cũng không thể giản đơn. Trong đó, vai trò của mỗi người dân nói riêng và của cả cộng đồng nói chung sẽ vô cùng quan trọng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là quyết tâm của chính quyền TP mà cũng là giấc mơ của tất cả người dân Thủ đô trong suốt nhiều năm qua. Bởi sông Tô Lịch không chỉ là một trong những con sông chính chảy qua Hà Nội mà sâu xa hơn, đây là mạch máu của một vùng đất, là dòng chảy gắn liền với lịch sử của đất Thăng Long.
“Việc hồi sinh sông Tô Lịch đặt ra hai vấn đề lớn phải làm. Thứ nhất là đã quyết làm thì phải làm bằng được. Thứ hai là sau khi đã làm sạch được sông thì phải giữ cho sông sạch bền vững. Chứ làm sạch xong lại để sông ô nhiễm trở lại thì không có ý nghĩa gì” – PGS.TS Bùi Thị An nói. Chuyên gia còn phân tích thêm, đối với việc làm sạch dòng sông, điều quan trọng nhất là phải làm sạch triệt để. Tức là ngoài việc dùng nước pha loãng, thau rửa nước sông thì quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ thống thu gom toàn bộ các nguồn nước thải đang xả thẳng ra sông Tô Lịch, cho vào xử lý sạch sẽ trước khi cho đổ trở lại sông. Có như vậy việc làm sạch dòng sông mới được thực hiện một cách triệt để. Về lâu dài, để giữ cho sông Tô Lịch sạch bền vững, vai trò của cộng đồng, ý thức người dân là vô cùng quan trọng.
TP phải có cơ chế giám sát, giao trách nhiệm tới từng cá nhân, đơn vị cụ thể trong việc bảo vệ dòng sông, không để các nguồn thải xả vào sông. “Phải giao trách nhiệm cụ thể. Nếu để cho sông ô nhiễm trở lại thì đơn vị đó, người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm”. Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hà Đình Đức – chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội nhấn mạnh, việc làm sạch sông Tô Lịch không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. “Việc cải tạo dòng sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa”. Theo ông, đây sẽ là giải pháp tối ưu để giải quyết câu chuyện ô nhiễm của dòng sông này, hiện thực hóa giấc mơ của người dân Thủ đô suốt bao nhiêu năm qua.
Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là hành động cụ thể, thiết thực từ mỗi người dân. Mỗi hành động nhỏ, từ việc không xả rác bừa bãi đến việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đều góp phần tạo nên sự thay đổi lớn. Một Hà Nội xanh, sạch, đẹp bắt đầu từ nhận thức và sự thay đổi hành vi của tất cả mọi người. Hãy cùng chung tay, góp sức để trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng Tô, xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau. Hồi sinh sông Tô Lịch là hồi sinh giá trị lịch sử, văn hóa, là khẳng định trách nhiệm và tình yêu của người Hà Nội với Thủ đô yêu dấu, ngàn năm văn hiến.
(Còn nữa)
20:42 24/12/2024