Bài 3: Khát vọng sinh tồn, phát triển nơi đầu sóng ngọn gió

Từ những hòn đảo trơ cát và sóng dữ, lớp lớp người lính hải quân đã 'vác đá xây đảo', dựng nên những pháo đài thép giữa Biển Đông. Nhưng kỳ tích lớn nhất, là những mầm xanh kiên cường đã bén rễ, minh chứng cho sức sống bền bỉ của Trường Sa, cho khát vọng sinh tồn và phát triển nơi đầu sóng ngọn gió.

Những “pháo đài” ở Trường Sa

Sau năm 1975, khi giải phóng một loạt đảo ở Trường Sa, những người lính bước vào cuộc trường chinh “vác đá xây dựng Trường Sa” thân yêu. Với đôi tay, bàn chân trần của người lính hải quân, hàng vạn tấn đá từ đất liền được vận chuyển ra các đảo Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Nam Yết… để xây nên những ngôi nhà bê-tông kiên cố, có thể chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết B`iển Đông. Giữa những con sóng cấp 4, cấp 5, chiếc tàu nhỏ chở theo Đoàn công tác số 8 thẳng tiến vào đảo Đá Thị, một đảo đá chìm nằm xa nhất trong hệ thống đảo của quần đảo Trường Sa.

 Để xây nên những "pháo đài" trên các bãi đá chìm là mồ hôi, công sức và máu của bao thế hệ

Để xây nên những "pháo đài" trên các bãi đá chìm là mồ hôi, công sức và máu của bao thế hệ

Từ phía xa, Đá Thị nổi lên với dãy nhà bê tông kiên cố, được nối liền với nhau bằng một cầu cảng dài. Để có được công trình bề thế, chịu đựng được muối mặn, sóng gió và bão tố phong ba, những người lính công binh phải vác từng viên đá, bao xi măng từ tàu vào bãi cạn trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Mỗi viên đá, mỗi hạt cát, mỗi tấc bê-tông ở đảo giá trị, tốn công sức gấp hàng nghìn lần so với ở trong đất liền. Một người lính hải quân thuộc lữ đoàn 146 trên xuồng cập đảo kể lại, để đưa được vật tư như xi măng, sắt, thép, đá, cát và cả nước lên đảo, bộ đội phải chuyển bằng tay và những công cụ thô sơ. Hầu hết công việc đều diễn ra dưới nước và tất cả đều bằng sức người, không có thiết bị cơ giới nào hỗ trợ. Để làm nên những “pháo đài” như Đá Thị, Cô Lin, không chỉ có mồ hôi, công sức mà cả xương máu của bao thế hệ đổ xuống.

Cũng như các đảo chìm khác ở Trường Sa, khó khăn nhất ở Đá Thị là thiếu nước ngọt và không có đất để trồng cây, rau xanh. Ở đây, nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa. Những năm gần đây, đảo được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên chủ động phần nào nhu cầu nước sinh hoạt. Hầu như mỗi giọt nước mưa rơi xuống đều được cán bộ chiến sĩ trên đảo tìm mọi cách cho vào bể chứa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác…

Cách không xa Đá Thị là Cô Lin, một “pháo đài” khác cũng được xây dựng thần tốc bằng “chân trần, chí thép” của người Việt. Những khối bê-tông được dựng lên giữa những ngọn sóng quanh năm quăng quật. Đứng gác trên một trụ đá vững chãi, hướng nhìn về phía Gạc Ma xa xa, chiến sĩ Đinh Quang Thi cho biết, từ ngày ra đảo nhận nhiệm vụ đã nghe về hành trình “vác đá” xây đảo của những thế hệ trước. Đó là một chặng đường đầy gian lao, vất vả. Để chinh phục được vùng bãi cạn rộng cả hecta này, người lính không chỉ cần sức khỏe dẻo dai, lòng quyết tâm sắt đá mà còn phải có sự mưu lược, nắm được sự lên xuống của từng con sóng, con nước nơi đây. Những bãi cạn nhìn thấy đáy, tưởng chừng như dễ dàng di chuyển nhưng ẩn chứa trong đó là cạm bẫy nguy hiểm.

“Để đưa được một chuyến hàng nhu yếu phẩm vào đảo chìm với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện, xuồng, ca nô, cần cẩu… đã không dễ. Vậy mà từ nhiều năm trước, những người lính vác đá xây đảo chỉ có độc quần đùi, xuồng nhôm đã dựng nên những pháo đài bất khả xâm phạm. Những người giữ đảo hôm nay khâm phục ý chí, sức chịu đựng và gan dạ của thế hệ đi trước, nguyện quyết tâm, nỗ lực rèn luyện để bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương”, chiến sĩ Đinh Quang Thi cho biết.

 Những mầm xanh ở Trường Sa

Những mầm xanh ở Trường Sa

Đại úy Nguyễn Xuân Hoàng, Chính trị viên đảo Cô Lin xúc động chia sẻ: Trước tình hình biển đảo có xu hướng phức tạp, chúng tôi xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị cũng như quyết tâm rèn luyện thuần thục các phương án chiến đấu, duy trì nghiêm chế độ trực để sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, không để bị bất ngờ, thụ động. Xác định rõ con người là yếu tố quyết định đến thắng lợi, bên cạnh đó là sự quyết tâm, lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để viết tiếp truyền thống canh giữ biển trời của cha ông”.

Những mầm xanh ở Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây…

Hòn đảo tiền tiêu, nơi được xem là “cửa ngõ” phía Bắc dẫn vào quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây như lá chắn thép án ngự trên con đường từ Bắc xuống Nam Trường Sa. Nhìn từ xa, xã đảo được phủ lên một màu xanh ngắt. Những hàng phi lao chắn cát, chắn sóng tạo thành bức tường thành bảo vệ đảo. Bên trong là những cây phong ba, cây bão táp tỏa bóng mát. Ít ai biết rằng, ngày mới được giải phóng, trên đảo chỉ có một vài cây phi lao, còn xung quanh là cát trắng. Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân khi đến thăm quân và dân xã đảo Song Tử Tây đã không khỏi trầm trồ khi nhìn những chồi xanh phủ kín quanh đảo. “Giai đoạn 2020 - 2021, khi đảo vừa phải hứng chịu những trận bão nhiệt đới mạnh, chúng tôi ra thăm, kiểm tra thì nhìn khung cảnh tan hoang, cây cối ngã đổ, nhà cửa bị tốc mái. Rất xót xa. Nhưng giờ trở lại, chỉ mới 2 - 3 năm thôi nhưng cây cối trên đảo đã hồi sinh. Màu xanh đã phủ bóng khắp mọi tuyến đường dẫn vào đảo. Đó là nhờ vào sự chăm bón, cần cù, chịu khó của quân và dân đảo”.

 Những cây bàng vuông, cây mù u được chăm sóc cẩn thận ở đảo Trường Sa. Ảnh: TT

Những cây bàng vuông, cây mù u được chăm sóc cẩn thận ở đảo Trường Sa. Ảnh: TT

Dẫn chúng tôi đến tham quan cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam với ý nghĩa như "cột mốc xanh" về chủ quyền biển đảo, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây Cao Văn Giáp cho biết, do đặc thù về kiến tạo địa chất với nền cát mặn và thềm san hô, cùng với khí hậu khắc nghiệt, mỗi cây xanh sinh trưởng được trên đảo là kết quả của sự cố gắng, mồ hôi công sức của quân dân nơi đây. “Trồng cây ở đất liền đã khó, còn để ươm nên được những mầm xanh giữa bốn bề nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa này là một hành trình dài đầy kiên trì và tỉ mỉ. Nhiều năm qua, nhờ được chăm sóc thường xuyên nên hệ thống cây xanh trên đảo phát triển phong phú. Ngoài các loại cây đặc trưng như: phong ba, mù u, bàng vuông thì đảo còn trồng thêm các loại phi lao, tre, dừa… để vừa phủ xanh đảo, vừa khai thác để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

Tại đảo Sinh Tồn, đúng như cái tên được đặt cho đảo là “sinh ra để tồn tại và phát triển”, một hệ thống cây xanh mạnh mẽ vươn lên xanh ngát giữa trùng khơi. Đi giữa những con đường nhỏ chạy vòng vèo trên đảo mang đến cảm giác như đi lạc vào giữa những cánh rừng nhiệt đới. Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ, những hàng cây ở Sinh Tồn hay Đá Tây không chỉ là minh chứng cho sự sống bền bỉ, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Màu xanh trên đảo là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tương lai, dù ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Quân chủng Hải quân vừa phát động chương trình “xanh hóa Trường Sa” với mục tiêu từ nay đến năm 2027, sẽ trồng 1 triệu cây để phủ xanh quần đảo Trường Sa. Qua đó, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức và doanh nghiệp để phủ xanh những hòn đảo tiền tiêu Trường Sa.

Tấn Tài

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-3-khat-vong-sinh-ton-phat-trien-noi-dau-song-ngon-gio-post410840.html
Zalo