Bải 3: 'Cuộc chiến giành lại bầu trời' hơn 10 năm tại Bắc Kinh

Năm 2013, cụm từ “Khủng hoảng không khí” (“airpocalypse” hay “airmageddon”) trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Báo chí liên tục đưa tin về tình trạng không khí đáng báo động tại nhiều thành phố của nước này. Ở Bắc Kinh, bình minh không đi kèm ánh nắng rực rỡ mà bị nuốt chửng bởi màn sương xám xịt, nơi khói bụi che khuất những tòa cao ốc sừng sững.

Thay vì chào nhau bằng những cái bắt tay, nụ cười, người dân Bắc Kinh đối diện nhau qua những lớp khẩu trang. Bắc Kinh lúc đó không chỉ đối mặt với ô nhiễm môi trường mà còn là một sự bức bối vô hình len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1970, khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy đạt được nhiều dấu mốc phát triển đáng kể, nước này phải phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc chủ yếu đốt than làm nguồn năng lượng trong sinh hoạt, đặc biệt trong mùa đông, họ cần đốt than để sưởi ấm.

Khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân thứ hai dẫn tới ô nhiễm. Số lượng phương tiện giao thông tại Trung Quốc tăng mạnh trong những năm 1990. Riêng tại Bắc Kinh, số xe đã tăng gấp 10 lần, từ 500.000 chiếc năm 1990 lên 5 triệu chiếc vào năm 2012. Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh ước tính rằng mức đóng góp của khí thải xe cộ vào PM2.5 dao động từ 20% đến 30%.

Một số yếu tố cũng góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm tại thành phố như hoạt động đốt rơm rạ của nông dân để xử lý chất thải nông nghiệp, hay cát, bụi trong hoạt động xây dựng,...

Các nguyên nhân thời tiết cũng góp phần làm trầm trọng chất lượng không khí tại thành phố. Xét về vị trí của Bắc Kinh, nơi đây nằm phía dưới rãnh áp thấp, dễ dẫn tới hiện tượng nghịch nhiệt vào mùa Đông, khi một lớp không khí lạnh nằm dưới một lớp không khí ấm hơn ở phía trên. Ngoài ra, thời tiết khô, lặng gió, sẽ càng khiến khói bụi ô nhiễm lưu cữu trong không gian.

Đỉnh điểm ô nhiễm rơi vào năm 2013, khi bầu trời nhiều thành phố Trung Quốc bị bao phủ bởi khói bụi dày đặc. Tại Bắc Kinh, chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình là 89,5 µg/m³, cao hơn 2,5 lần so với tiêu chuẩn quốc gia (35 µg/m³), thậm chí có thời điểm cao gấp 35 lần giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cơ quan chức năng cảnh báo, bụi mịn có nguy cơ gây ra các bệnh lý cho cơ thể như hen suyễn, viêm phổi, rối loạn thần kinh, thậm chí là ung thư. Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo phải đeo khẩu trang, đóng các cửa sổ và cửa ra vào trong nhà, trẻ em không được ra ngoài. Các chuyến bay bị hủy, đường sá bị phong tỏa.

Người dân Bắc Kinh phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: Xinhua, ChinaFotoPress

Người dân Bắc Kinh phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: Xinhua, ChinaFotoPress

Thành phố Bắc Kinh chìm trong sương khói. Ảnh: Xinhua

Thành phố Bắc Kinh chìm trong sương khói. Ảnh: Xinhua

Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề ô nhiễm, Trung Quốc đã triển khai loạt Kế hoạch Hành động Phòng ngừa và Kiểm soát Ô nhiễm Bắc Kinh từ năm 2013 đến 2025, với mục tiêu chính là giảm nồng độ các chất ô nhiễm nguy hại, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, đồng thời cải thiện chất lượng không khí tổng thể cho người dân thành phố.

Các kế hoạch tập trung vào các nguyên nhân chính gây ô nhiễm, bao gồm hạn chế sử dụng than, cắt giảm khí thải xe cộ và siết chặt kiểm soát các ngành công nghiệp ô nhiễm nặng như sản xuất thép, xi măng, hóa chất và hóa dầu. Trong giai đoạn 2013-2017, Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm tối thiểu 25% nồng độ PM2.5 để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững.

Chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành đóng cửa hoặc di dời hàng loạt nhà máy gây ô nhiễm, chỉ riêng năm 2016-2017, hơn 6.500 nhà máy bị loại bỏ khỏi thành phố. Đối với các ngành công nghiệp còn hoạt động, chính phủ áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn và yêu cầu nâng cấp công nghệ kiểm soát ô nhiễm nhằm giảm phát thải ngay từ khâu sản xuất. Bên cạnh đó, Bắc Kinh tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Chính sách "chuyển từ than sang khí đốt" được áp dụng, lò đốt than được thay bằng khí đốt tự nhiên và điện giúp giảm đáng kể lượng than đốt trong thành phố, đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tăng tỷ trọng điện phi hóa thạch trong cơ cấu năng lượng quốc gia.

Mục tiêu thứ hai chính quyền địa phương hướng tới là cải thiện ô nhiễm khí thải từ các phương tiện giao thông, đưa ra các giải pháp giúp kiểm soát lượng phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.

Phỏng vấn bà Changhua Wu, Giám đốc khu vực Trung Quốc của tổ chức Climate Group, chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng Bắc Kinh cần ưu tiên giải quyết ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông, coi đây là trọng tâm trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí.

“Đây là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống lại tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của thành phố.” Bà nhận định. “Tôi cho rằng Bắc Kinh cần xây dựng một kế hoạch thúc đẩy mô hình giao thông thân thiện với phương tiện công cộng, qua đó hướng tới mục tiêu trở thành một trong những đô thị xanh hàng đầu thế giới.”

Một biện pháp nổi bật nhất được áp dụng tại thành phố là thiết lập khu vực phát thải thấp (LEZ) từ tháng 9/2017, cấm xe tải hạng nặng không đạt tiêu chuẩn khí thải Quốc gia đi vào thành phố. Chính quyền cũng yêu cầu xe tải phải sử dụng các tuyến đường vành đai để tránh di chuyển qua các khu vực đông dân cư.

Chính phủ áp dụng hệ thống bốc thăm biển số xe trên toàn thành phố để kiểm soát lượng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Những người đăng ký xe điện có thể dễ dàng nhận được biển số hơn người sử dụng xe xăng dầu, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh.

Hệ thống giao thông công cộng cũng được mở rộng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới tàu điện ngầm của Bắc Kinh đạt tổng chiều dài khoảng 700 km, giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn. Số lượt xe buýt hàng ngày cũng được nâng từ 21.000 lên 25.000 lượt, trong khi thời gian hoạt động của tàu điện ngầm kéo dài thêm 30 phút vào buổi tối.

Bên cạnh đó, chính quyền chuẩn bị áp dụng quy định cấm xe theo biển số chẵn-lẻ nhằm giảm ô nhiễm. Khi triển khai trên 5 triệu ô tô tại Bắc Kinh, biện pháp này được kỳ vọng sẽ cắt giảm gần một nửa số xe trong giờ cao điểm, giảm khí thải đáng kể. Khoảng 30% xe công sẽ tạm dừng hoạt động (trừ xe chở học sinh), và hơn 2 triệu người dân sẽ chuyển sang giao thông công cộng.

Bắc Kinh cũng đặc biệt chú trọng hợp tác liên vùng với các địa phương như Hà Bắc, Thiên Tân, Nội Mông Cổ… nhằm xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác kiểm soát ô nhiễm. Sự hợp tác này giúp thống nhất các giải pháp và tiêu chuẩn xử lý ô nhiễm không khí, đồng thời điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và địa hình đặc thù của từng khu vực, tạo ra tác động bền vững trên quy mô rộng lớn.

Trạm sạc xe điện lớn nhất ở Bắc Kinh xây dựng bởi Công ty Điện lực Bắc Kinh, gồm 200 điểm sạc, có thể phục vụ tối đa khoảng 1.300 xe mỗi ngày. Ảnh: Xinhua

Trạm sạc xe điện lớn nhất ở Bắc Kinh xây dựng bởi Công ty Điện lực Bắc Kinh, gồm 200 điểm sạc, có thể phục vụ tối đa khoảng 1.300 xe mỗi ngày. Ảnh: Xinhua

Mùa Đông năm 2017 đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình chống ô nhiễm của Bắc Kinh. Hi vọng về một bầu trời xanh và không khí dường như quay trở lại khi các trung tâm đo lường công bố dữ liệu mới.

Trong giai đoạn 2013-2017, số liệu ghi nhận nồng độ PM2.5 vào năm 2013 đã giảm từ 89,5 microgram/m³ xuống còn 58 microgram/m³ vào năm 2017, giảm 35,6%. Đồng thời, nồng độ SO₂, NO₂, PM10 và các chất ô nhiễm khác cũng giảm mạnh, đặc biệt là SO₂ đã giảm hơn 70%.

Bắc Kinh dần thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bầu không khí trở nên trong lành hơn, người dân an tâm quay lại cuộc sống thường ngày mà không còn lo ngại về các rủi ro sức khỏe.

Trong một bài phỏng vấn của Tân Hoa Xã, anh Zhang Fan, 36 tuổi, đã trở về Bắc Kinh để làm việc sau 9 năm sinh sống tại New Zealand. Anh cho biết so với mốc thời điểm anh rời khỏi Trung Quốc - năm 2013, chất lượng không khí hiện tại của thành phố khiến anh vô cùng bất ngờ.

“Khi rời Bắc Kinh vào năm 2013, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày bầu trời xám xịt, không khí đặc quánh mùi khói bụi. Cảnh tượng đó từng là điều quen thuộc mỗi ngày,” anh chia sẻ.

"Chuyện ô nhiễm không khí từng là đề tài quen thuộc của người dân nơi đây. Nhưng bây giờ, dường như chẳng ai còn nhắc tới nữa, vì ngày nào chất lượng không khí cũng tốt," Zhang nói. "Bầu trời Bắc Kinh gần đây xanh trong đến bất ngờ."

Sự cải thiện trong chất lượng không khí tại thành phố. Ảnh: Rex

Sự cải thiện trong chất lượng không khí tại thành phố. Ảnh: Rex

Bầu trời Bắc Kinh vào năm 2018. Ảnh: CGTN

Bầu trời Bắc Kinh vào năm 2018. Ảnh: CGTN

Cụm từ “Bầu trời xanh Bắc Kinh” được tờ Global Times sử dụng lần đầu vào năm 2021, miêu tả về thực tế mới tại thành phố khi chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể sau nhiều năm triển khai các biện pháp cải thiện môi trường.

Ông Huang Runqiu, Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, bày tỏ sự lạc quan trước những chuyển biến tích cực tại thủ đô, đặc biệt là sự trở lại của những ngày trời trong xanh – điều từng là hình ảnh hiếm hoi ở Bắc Kinh.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông nói: “Bầu trời thành phố ngày càng xanh hơn, không khí cũng trong lành rõ rệt. 'Bầu trời xanh Bắc Kinh' đang dần trở thành trạng thái 'bình thường mới' của thủ đô,” theo báo Global Times.

Cho tới 2024, Bắc Kinh đã ghi nhận 290 ngày có chất lượng không khí tốt. Nồng độ PM2.5 trung bình tại Bắc Kinh đạt 30,5 microgram/m³, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia trong bốn năm liên tiếp. Số ngày không khí trong lành tại thủ đô chiếm 79,2% tổng số ngày trong năm 2024, tăng 114 ngày so với năm 2013. Những kết quả trên chính là thành tựu cho hơn 10 năm nỗ lực bền bỉ của chính quyền Trung Quốc.

Mục tiêu “khôi phục” đã hoàn thành, nhưng quá trình “duy trì” là một câu chuyện khác. Cho đến năm 2025, quốc gia này vẫn tiếp tục triển khai các kế hoạch Hành động Cải thiện Chất lượng Không khí liên tục, với các mục tiêu cắt giảm mạnh mẽ hơn ở nhiều thành phố, bao gồm Bắc Kinh.

Ngoài việc tiếp tục các biện pháp phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi giao thông xanh, chìa khóa để duy trì cũng nằm ở việc tăng cường giám sát và thực thi pháp luật, cải thiện các các chính sách môi trường và đặt trách nhiệm lên chính quyền địa phương. Với nền tảng đã xây dựng, Bắc Kinh hoàn toàn có cơ hội lớn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và duy trì chất lượng môi trường tốt trong những năm tới.

Bài 1: Ô nhiễm không khí - "Sát thủ thầm lặng" toàn cầu

Bài 2: Cứu lấy bầu không khí - thủ đô Thái Lan "tuyên chiến" với khí thải giao thông

Đón đọc Bài 4: Seoul-hình mẫu toàn cầu về giao thông bền vững

Khánh Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-cuoc-chien-gianh-lai-bau-troi-hon-10-nam-tai-bac-kinh.664671.html
Zalo