Nhật Bản thúc đẩy công nghiệp vũ trụ trong khu vực tư nhân

Khuyến khích và tận dụng nguồn lực tư nhân vào ngành công nghiệp vũ trụ đang cạnh tranh nóng bỏng là xu hướng được nhiều nước lớn thúc đẩy. Nhật Bản cũng đang tận dụng mọi lợi thế để khởi động đầu tư vào khu vực này và đã có những bước tiến quan trọng.

Đến nay, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp vũ trụ đầy tham vọng của Nhật Bản đã có những thành tựu ban đầu, sau hàng loạt động thái chiến lược trong thời gian qua như chế tạo tên lửa đẩy với chi phí thấp, phóng vệ tinh cỡ nhỏ, chế tạo vệ tinh bằng gỗ… Đây là tiền đề để Nhật Bản tiếp tục chinh phục không gian theo phương châm “trách nhiệm và bền vững”.

Tên lửa đẩy Kairos. Ảnh: Space One

Tên lửa đẩy Kairos. Ảnh: Space One

Lợi thế to lớn

Có thể khẳng định, Nhật Bản sở hữu nhiều lợi thế về công nghiệp vũ vũ trụ. Lợi thế đầu tiên là về trình độ khoa học – công nghệ, với sự phát triển hàng đầu thế giới về kỹ thuật số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), điều khiển học, cơ khí chính xác… Đây đều là những ngành được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp vũ trụ, và lợi thế này là điều ai ai cũng nhìn thấy, nên xin phép không bàn sâu vào điểm này, mà xin được nhấn mạnh vào 2 lợi thế khác của Nhật Bản. Đó là lợi thế về chính sách và lợi thế về tầm nhìn cùng nỗ lực của doanh nghiệp.

Ở lợi thế về chính sách, Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng công nghiệp vũ trụ. Theo Bộ trưởng phụ trách khoa học – công nghệ Nhật Bản Kiuchi Minoru, công nghiệp vũ trụ sẽ được phát triển thành ngành mũi nhọn trong kinh tế Nhật Bản, chỉ đứng sau công nghiệp ô tô. Bước đi đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thâm nhập công nghiệp vũ trụ là việc thành lập “Quỹ chiến lược vũ trụ” vào ngày 26/4/2024, và giao quỹ này cho Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) quản lý, vận hành. Cho đến nay, sau 2 giai đoạn, Nhật Bản đã rót vào quỹ khoảng gần 9 tỷ USD. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp, Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện 6 dự án liên quan đến công nghệ tên lửa đẩy, Bộ Tổng vụ đã lên kế hoạch cho 5 dự án phát triển hệ thống viễn thông quang học không gian.

Về lợi thế thứ hai, có thể nói, doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản có tầm nhìn xa và nỗ lực hiệu quả để tiến vào không gian vũ trụ. Công ty Space One là một ví dụ điển hình. Đây là một liên doanh do một số công ty cơ khí chính xác và công ty xây dựng của Nhật Bản liên kết đầu tư thành lập từ năm 2018, với mục đích thâm nhập thị trường tên lửa đẩy và phóng vệ tinh cỡ nhỏ. Việc các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực không mấy liên quan đến không gian lại phối hợp với nhau để tiến vào vũ trụ là một minh chứng rõ ràng về tầm nhìn và nỗ lực của doanh nghiệp Nhật Bản đối với ngành kinh tế mới mẻ này. Ngoài Space One, còn có Astroscale với phân khúc “dọn dẹp rác thải vũ trụ”, cùng hàng loạt các doanh nghiệp chế tạo kính quang học, camera quan sát… đang trực tiếp tham gia vào từng công đoạn cụ thể của công nghiệp vũ trụ.

Biết mình biết người

Bằng sự đầu tư lớn và đồng bộ, cùng nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân đang đi tiên phong, Nhật Bản sẽ chiếm giữ một vị trí cao trong bản đồ công nghiệp hàng không vũ trụ quốc tế trong một tương lai rất gần. Đặc biệt, với quan điểm “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, không lựa chọn những gì bề thế và tầm mức to tát, mà lựa chọn những phân khúc rất thiết thực. Ví dụ như thiết kế tên lửa đẩy chi phí thấp, chế tạo và phóng vệ tinh cỡ nhỏ, dọn rác thải vũ trụ, chế tạo các thiết bị quan trắc dành riêng cho vệ tinh nhân tạo…

Ảnh một bộ phận của tên lửa đẩy H2A, đã trở thành rác thải không gian, do vệ tinh của Astroscale chụp

Ảnh một bộ phận của tên lửa đẩy H2A, đã trở thành rác thải không gian, do vệ tinh của Astroscale chụp

Còn những phân khúc khác, vĩ mô hơn, tính cạnh tranh khốc liệt hơn, đòi hỏi chi phí khổng lồ và độ chính xác gần như tuyệt đối, ví dụ như như chiếm lĩnh quỹ đạo địa tĩnh, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh do thám, đưa con người lên không gian… thì để dành cho nhà nước – nơi có những khoản chi phí rất lớn, phục vụ cho cả các mục tiêu an ninh – quốc phòng.

Hiện nay, Space One đang đi tiên phong trong thị trường tên lửa đẩy dân doanh, và đang tập trung phát triển một loại tên lửa đẩy có tên gọi “Kairos”. Đây là một loại tên lửa đẩy có động cơ 2 tầng và sử dụng nhiên liệu rắn, được coi là dễ thiết kế, chế tạo nhất hiện nay. Space One hy vọng sẽ là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có đủ năng lực tự phát triển, sản xuất và phóng tên lửa đẩy của Nhật Bản. Công ty này còn đặt một mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2030, mỗi năm sẽ phóng trung bình 30 vệ tinh nhân tạo lên không gian với chi phí thấp, trong khuôn khổ dự án có tên gọi “Dịch vụ chuyển phát nhanh không gian”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản cũng đang sử dụng khoảng 1,3 tỷ USD cho Chính phủ hỗ trợ để nghiên cứu phát triển các thiết bị - kỹ thuật thám hiểm không người lái, dựa trên ứng dụng công nghệ mà JAXA đã thành công khi đưa thiết bị khảo sát “SLIM” lên mặt trăng vào ngày 20/1/2024. Các doanh nghiệp cũng tận dụng khoảng 700 triệu USD của nhà nước tiến hành dự án nghiên cứu “phương pháp vận tải hàng hóa tốc độ cao giữa 2 điểm trên mặt đất thông qua không gian vũ trụ”. Tất cả những dự án này đều có tính ứng dụng rất cao, và đang được triển khai ở giai đoạn cuối, đóng góp to lớn cho sự phát triển của công nghiệp vũ trụ Nhật Bản.

Trách nhiệm và bền vững

Trước cuộc đua của khu vực tư nhân trong lĩnh vực vũ trụ, hiện nay có ý kiến bày tỏ lo ngại, các công ty lớn, các tỷ phú đang muốn quảng bá hình ảnh và tìm kiếm lợi nhuận cá nhân hơn là kiến tạo lợi ích chung cho cả nhân loại. Đó là còn chưa kể tới xu hướng biến không gian thành một “bãi rác khổng lồ”. Tuy nhiên, đây không phải là con đường Nhật Bản lựa chọn. Quan điểm xuyên suốt của Nhật Bản trong phát triển công nghiệp vũ trụ là “trách nhiệm và bền vững”.

Như đã nêu trên, một trong những phân khúc mà doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn là “dọn dẹp rác thải vũ trụ”. Trong đó, Công ty Astroscale đang đi tiên phong. Doanh nghiệp này đang phát triển các dịch vụ loại bỏ mảnh vỡ của các vệ tinh nhân tạo để giảm thiểu sự tích tụ ngày càng tăng trong không gian, và đã thành công trong việc tầm soát rác thải vũ trụ. Ngày 31/7/2024, Astroscale công bố 1 bức ảnh chụp tầng thứ hai của một tên lửa đẩy từ khoảng cách 50 mét – một cự ly tiếp cận vô cùng khó khăn trong không gian.

Tên lửa này được phóng lên không gian từ năm 2009 và tiếp tục di chuyển ở độ cao 600 km so với trái đất, trở thành nguy cơ nhãn tiền cho các vệ tinh nhân tạo đang hoạt động. Đây là một thành công lớn của sự mạo hiểm. Bởi, những vật thể được gọi là “rác thải vũ trụ” có thể bao gồm hàng trăm ngàn mảnh vụn, thậm chí có cả những linh kiện chỉ từ 1 mm. Nếu những mảnh vụn này va chạm với vệ tinh nhân tạo sẽ gây những sự cố nghiêm trọng. Với thành công này, việc thu gom rác thải không gian đối với Astroscale chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có một minh chứng nữa cho trách nhiệm đối với nhân loại của Nhật Bản trong quá trình phát triển công nghiệp vũ trụ. Đó là việc Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo và phóng thành công vệ tinh bằng gỗ, với tên gọi “LignoSat”, lên quỹ đạo vào hôm 5/11/2024. Vệ tinh bằng gỗ sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải không gian. Bởi vì, các loại vệ tinh nhân tạo được làm từ hợp kim như hiện nay, sau khi kết thúc sứ mệnh sẽ tồn tại lâu dài trong không gian, hoặc rơi vào bầu khí quyển, tạo ra các vi hạt siêu mịn, gây những nguy cơ tiềm tàng về môi trường và độ an toàn cho các hoạt động trong không gian. Còn LignoSat sẽ cháy hoàn toàn sau thời gian hoạt động theo dự định, nên ô nhiễm hầu như bằng không.

Vệ tinh nhân tạo bằng gỗ đầu tiên trên thế giới LignoSat do nhóm các nhà khoa học của Đại học Koyto chế tạo vừa được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: Đại học Kyoto

Vệ tinh nhân tạo bằng gỗ đầu tiên trên thế giới LignoSat do nhóm các nhà khoa học của Đại học Koyto chế tạo vừa được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: Đại học Kyoto

Hai ví dụ nêu trên cho thấy Nhật Bản ý thức rất rõ những hệ lụy từ việc thâm nhập không gian một cách tràn lan, và từ nhiều năm trước, đã có những biện pháp để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, song song với việc biến hoạt động này thành dịch vụ hái ra tiền.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-thuc-day-cong-nghiep-vu-tru-trong-khu-vuc-tu-nhan-post1190270.vov
Zalo