Bài 1: Cảnh giác với chiêu bài cũ, hiểm họa mới
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' (gọi tắt là Nghị quyết số 18), CAND là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách phủ nhận, chống phá hòng làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy CAND là chủ trương lớn, thực hiện tiên phong “đi trước mở đường”, thể hiện quyết tâm chính trị cao của lực lượng CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, chống phá với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm hiểm, tìm cách gây chia rẽ nội bộ, hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân với CAND. Tuy đây là chiêu bài cũ nhưng ẩn chứa hiểm họa mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi cần nhận diện, đấu tranh.
Đánh tráo bản chất sự việc, tìm cớ chống phá
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt trong đường lối của Đảng. Đối với CAND, yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 còn mang tính cấp thiết bởi đây là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định và chỉ rõ, tổ chức bộ máy cồng kềnh không chỉ là gánh nặng ngân sách mà dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; là nguyên nhân của sự trì trệ, hiệu quả công tác thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp phát triển đất nước.
Nhận thức rõ vấn đề, Đảng ta đã ban hành nghị quyết đúng đắn, kịp thời và Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an cùng cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị Công an đã quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, khoa học, hiệu quả. Thế nhưng, như một “thuộc tính” vốn có, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại tìm đủ mọi cách chống phá tinh vi, thâm hiểm. Khi lực lượng CAND tiến hành sáp nhập các đơn vị, tinh gọn đầu mối, tránh trùng lắp chức năng, nhiệm vụ thì chúng lại xuyên tạc đó là “giải tán lực lượng”, “xóa sổ” các đơn vị nghiệp vụ quan trọng. Khi ta bố trí lại cán bộ để phù hợp với yêu cầu công tác mới, chúng lại lu loa rằng đây là “cắt giảm nhân sự”, “làm yếu sức mạnh Công an”, giảm năng lực bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của LLVT nhân dân nói chung, CAND nói riêng…
Không dừng lại ở đó, chúng còn tung ra những luận điệu bịa đặt rằng việc sắp xếp chỉ là hình thức, chạy theo phong trào, thiếu thực chất, gây bất công chính sách… nhằm phủ nhận quyết tâm chính trị và nỗ lực to lớn của lực lượng CAND. Đồng thời, chúng tìm cách kích động tâm lý đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc diện sắp xếp, tái bố trí, thổi phồng những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện làm việc. Bất cứ chủ trương, giải pháp nào trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng chúng cũng tìm cách xuyên tạc, bóp méo, dùng những thủ đoạn tinh vi để tiêm nhiễm vào tư tưởng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dân nhẹ dạ cả tin. Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị càng gia tăng hoạt động và cường độ chống phá.
Tư duy sáng tạo, đột phá trong tinh gọn bộ máy
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy CAND là chủ trương chiến lược, cấp thiết của Đảng, xuất phát từ yêu cầu của cách mạng Việt Nam trên cơ sở lý luận, được đúc kết từ thực tiễn sâu sắc và triển khai khoa học, sáng tạo với nhiều bước đột phá. Hiệu quả từ thực tiễn đất nước chính là minh chứng sinh động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị.
Trong tư tưởng của V.I.Lênin, “thà ít mà tốt” là nguyên tắc, phương châm cơ bản trong cải cách, đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước. Tháng 11/1922, trong thư gửi Đoàn Chủ tịch Đại hội V Công đoàn những người làm công tác Xô-viết toàn Nga, V.I. Lê-nin đã xác định: “Nhiệm vụ cấp thiết chủ yếu nhất trong lúc này, và cũng vẫn còn là nhiệm vụ quan trọng nhất trong những năm sắp tới, là không ngừng tinh giản bộ máy xô-viết và giảm bớt chi phí của nó bằng cách giảm nhẹ biên chế, cải tiến tổ chức”.
Kế thừa, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về tinh gọn bộ máy: “Tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”; “thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”, “sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực”. Với lực lượng CAND, Người luôn yêu cầu xây dựng bộ máy tinh, gọn, thiết thực, coi trọng tính hiệu quả, tiết kiệm. Trong Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc (1-1950), Người nhấn mạnh: “Cách tổ chức Công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má”.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy về tinh gọn bộ máy. Nghị quyết Đại hội VI (12/1986) của Đảng xác định: “Cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước”, “giảm bớt những tổ chức trung gian”; “bộ máy các ủy ban nhân dân địa phương cũng phải tổ chức lại gọn và tinh”. Đến Đại hội VII, Báo cáo chính trị trình Đại hội thẳng thắn nhìn nhận: “Khuyết điểm lớn là đến nay chưa thực hiện được cuộc cải cách cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước như Đại hội VI đã đề ra”, “Tổ chức và biên chế của bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh, nặng nề”.
Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngày 25/10/2017, Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là cơ sở, là “cẩm nang” để lực lượng CAND thực hiện tinh gọn bộ máy một cách đồng bộ, vững chắc, hiệu quả.
Tiên phong, dẫn dắt trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Ngay sau khi Nghị quyết số 18 ra đời, Đảng ủy Công an Trung ương kịp thời xây dựng đề án trình Bộ Chính trị phê duyệt ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, làm cơ sở để Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 6/8/2018, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an. Đây là bước đi trước và quan trọng, đưa Bộ Công an tiên phong trong tinh giản đầu mối. Kết quả giai đoạn này cho thấy sự nỗ lực, tinh thần quyết liệt của Bộ Công an: Giải thể 7 đơn vị cấp tổng cục và tương đương, giảm 55 đơn vị cấp cục, 7 trường CAND, 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, cùng hơn 500 đơn vị cấp phòng và trên 1.000 đơn vị cấp đội. Bộ máy bước đầu được thu gọn rõ nét, giảm tầng nấc trung gian, tăng cường lực lượng cho cơ sở.
Tiếp đà đổi mới, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện tổ chức, bảo đảm đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND và CAND tinh, gọn, mạnh. Thực hiện nhiệm vụ này, Đảng ủy Công an Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” trong đó xác lập phương hướng đẩy mạnh kiện toàn bộ máy. Bộ Công an đã triển khai đồng loạt các kế hoạch trọng điểm, nổi bật là Đề án số 19/ĐA-BCA ngày 10/7/2023, của Bộ Công an “Về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh”, tập trung rà soát và tiếp tục sắp xếp lực lượng. Kết quả giai đoạn hai, toàn lực lượng đã giảm thêm 279 đơn vị cấp phòng và 1.237 đơn vị cấp đội, khẳng định tinh thần đổi mới không ngừng, hướng về cơ sở, lấy hiệu quả làm thước đo.
Giai đoạn ba-dấu mốc quan trọng trong lộ trình sắp xếp bắt đầu từ năm 2025 với Đề án số 25 do Đảng ủy Công an Trung ương trình và được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thông qua. Ngày 18/2/2025, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, chính thức hiện thực hóa mô hình tổ chức Công an 3 cấp (bộ, tỉnh, xã), bỏ cấp Công an huyện. Phương châm hoạt động được điều chỉnh phù hợp, từ “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” sang “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”, thể hiện định hướng chiến lược sát thực tiễn. Đặc biệt, Bộ Công an đã tiếp nhận và triển khai thêm 5 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước từ các bộ, ngành, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động và chủ động hơn trong quản lý an ninh, trật tự.
Tính đến tháng 5/2025 đã giảm thêm 1 đơn vị cấp cục, 7 đơn vị cấp phòng, giải thể 694 Công an cấp huyện và 5.916 đội trực thuộc. Như vậy, sau 3 đợt tái cấu trúc mạnh mẽ, bộ máy tổ chức CAND đã có bước tiến vượt bậc về tinh gọn: Giảm 7 tổng cục, hơn 55 đơn vị cấp cục, gần 800 đơn vị cấp phòng, hơn 7.100 đơn vị cấp đội và kết thúc hoạt động toàn bộ Công an cấp huyện. Mô hình bộ máy hiện nay đã tập trung tối đa vào lực lượng tuyến đầu, trực tiếp chiến đấu và bám sát địa bàn.
Những kết quả này không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị và sự chủ động đổi mới của lực lượng CAND mà còn chứng minh tính hiệu quả thực tiễn: Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn yêu cầu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân và doanh nghiệp. Công an cấp tỉnh đủ sức xử lý toàn diện các vấn đề an ninh tại địa phương, Công an cấp xã trở thành “pháo đài vững chắc” giải quyết tốt các vấn đề ngay từ cơ sở.
Sự chuyển mình mạnh mẽ này đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, khẳng định bước phát triển vững chắc của lực lượng CAND trong xây dựng nền an ninh nhân dân hiện đại, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thành quả đó là tiền đề quan trọng để lực lượng CAND giữ vững vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” tuyệt đối trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80 và tổng kết 40 năm công tác Công an phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Lực lượng CAND đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… trở thành "lá cờ tiên phong, dẫn dắt" trên nhiều lĩnh vực, nhất là tiên phong trong sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển đổi số quốc gia, hoàn thiện pháp luật…
(Còn nữa)