Bác sĩ hồi sinh nhờ lá phổi hiến của người bệnh chết não
'Lần thứ 2 được sống, bắt buộc mình phải sống chậm lại, thấy giá trị của sự sống hơn. Chậm lại để cảm nhận từng chút một hơi thở cuộc sống', Mạnh cười hiền khô. Nhìn Mạnh, không ai biết 6 tháng trước chàng bác sĩ trẻ này phải thường trực đeo bình oxy mini để sống và giờ đã lật trang mới cuộc đời khi có được hơi thở khỏe mạnh nhờ lá phổi hiến tặng của bệnh nhân sau khi qua đời do tai nạn giao thông.
1. Đặng Thái Mạnh (28 tuổi, ở Phú Thọ Hòa, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lơ mơ tỉnh vào ngày thứ 9 sau ghép phổi. Em không biết mình đang nằm ở đâu, vẫn còn trên cõi đời này, hay đang phiêu du một nơi nào đó. Mạnh phù toàn thân, chân tay khó chịu vì hàng chục dây dợ cắm chằng chịt trên người. Mạnh cố sức lấy tay giật đống dây đang trợ lực cho sự sống của mình cho tới khi lịm đi vì được tiếp tục sử dụng an thần.
“Lúc ấy em trong trạng thái như phê thuốc, không biết mình sống hay chết, hay mình đang nằm ở một đất nước nào. Trong suốt thời gian mê man, em đã mơ nhiều giấc mơ rất sợ”, Mạnh khựng lại chút rồi tiếp lời: “Em mơ thấy mình đã chết”.
Bốn năm trước, Mạnh biết cơ thể mình mang căn bệnh phổi quái ác. Suốt thời gian điều trị tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, sức khỏe không cải thiện. Từ 65kg, Mạnh sụt ký liên tục, cho tới khi chỉ còn 49kg. Mọi ước mơ dang dở. Mạnh chuyển từ bệnh viện công sang một phòng khám tư nhân. Những ngày làm công giảm dần từ 22 xuống 15 ngày rồi xuống 10 ngày/tháng. Cuối tháng 6, Mạnh chỉ có thể làm từ 9-11 giờ sáng là kiệt sức.
Cơ thể gầy rộc không lê được những bước chân lên bậc thang, Mạnh phải sống nhờ hoàn toàn vào máy thở oxy mini. Chức năng phổi chỉ còn 20%, Mạnh tìm đến cơ hội cuối cùng tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Em được đưa vào danh sách chờ ghép phổi quốc gia.

Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân Mạnh.
Tháng 8/2024, Mạnh từng một lần hụt mất cơ hội được ghép phổi. Lần này, khi nhận cuộc gọi vào sáng 27/11/2024, Mạnh không chần chừ đặt vé máy bay chuyến sớm nhất cùng mẹ ra Hà Nội. Dù khi đó, Mạnh đang phải điều trị do tình trạng suy tim, rất mệt. Mổ ghép phổi rất nhiều nguy cơ. Mạnh biết vậy vì bản thân là một bác sĩ, em hiểu về sự tương thích của tạng ghép. Nhưng Mạnh bảo, em có linh cảm tốt về chuyến ra Hà Nội này và biết “cứ ra Hà Nội là được”.
Mẹ cuống quýt quên đồ đạc, nhưng Mạnh lại bình tĩnh đến lạ. “Bác sĩ Huy gọi hẹn đón 4 giờ ở sân bay Nội Bài. Em chỉ bình tĩnh hỏi: “Vậy là tối lên bàn luôn hả anh”. Em không nghĩ, cuộc đời mình lại được quyết định nhanh tới thế. 16 giờ 30 phút chiều 27/11/2024, xe cấp cứu đón Mạnh ở sân bay phi tốc lực về Bệnh viện Phổi Trung ương, nhanh chóng được làm các xét nghiệm hòa hợp. Trong lấy tạng, phổi cần phải được lấy trước và thời gian “sống” của phổi sau lấy chỉ 10 tiếng, thấp hơn so với các tạng khác. 8 giờ tối, Mạnh lên bàn mổ trong sự hối hả của cả ê-kíp. Em chỉ nghe thấp thoáng lời bác sĩ nói, nếu tới trễ 30 phút, thì việc lần này lại không thành. Và Mạnh bước vào một cơn mê, kéo dài tới 9 ngày.
Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Mạnh là một bác sĩ trẻ rất nhiều hoài bão. Vì thế, cuộc chiến hồi sinh cho Mạnh mang theo rất nhiều tâm tư của các thầy thuốc bệnh viện.

Mạnh là bác sĩ răng hàm mặt.
Sau ca ghép phổi, Mạnh gặp không ít biến chứng, trong đó nặng nhất là tình trạng 2 lần bị phù phổi cấp, phải chạy ECMO. 15 ngày thở máy cộng thêm hàng loạt những biến chứng đã xảy ra, các y, bác sĩ vẫn từng chút một, điều chỉnh và ra những quyết định tốt nhất để cứu sống bệnh nhân.
Ngày thứ 10, khi tình trạng phù phổi, phù toàn thân đã giảm, Mạnh được giảm an thần, em dần tỉnh. Mẹ được vào phòng Hồi sức tích cực, nén khóc mà bóp tay chân xoa dịu cơ thể Mạnh đang gồng lên tương thích với lá phổi mới. Mạnh bảo, lúc đó em không dám khóc vì nếu không các chỉ số về hô hấp lại báo động. Cảm giác cơ thể bị giăng ra để các đường dây hỗ trợ sự sống đang kết nối vào cơ thể được hoạt động trơn tru, Mạnh phải kìm nén mọi cảm xúc và sự khó chịu.
“Ca ghép phổi này đã minh chứng cho năng lực điều phối, phối hợp tổ chức, tối ưu phương tiện kỹ thuật, con người giữa các đơn vị y tế trong việc thực hiện một kỹ thuật cao nhất trong y học”, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tâm sự.
2. Cuộc đời có quá nhiều ân tình dành cho em. Mạnh nói vậy suốt cuộc trò chuyện. Sinh ra và lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại, của mẹ, Mạnh bảo, em không thích nói nhiều về bố. Lớn chút, Mạnh được cậu ruột đón vào Sài Gòn, theo học ngành bác sĩ răng hàm mặt tại Trường Quốc tế.
“Đó là khóa đầu tiên trường đào tạo ngành răng hàm mặt”, Mạnh nhoẻn miệng cười. Em đã theo học rất say mê với tất cả sự cố gắng lớn nhất để có kết quả học tập tốt, có một việc làm ổn định tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh, đón em gái và mẹ vào TP Hồ Chí Minh chăm sóc. Năm 2021, Mạnh đã làm được điều đó, và hạnh phúc trong niềm vui đoàn tụ, trở thành chỗ dựa cho 2 phái nữ trong gia đình mà em yêu thương hết mực.
“Vì thế nên em chưa có bạn gái?", tôi hỏi. Mạnh đáp từ khiêm tốn: “Em muốn lo cho mẹ và em gái ổn định mới tính chuyện riêng. Nhưng giờ sức khỏe thế này thì chắc không dám nghĩ tới”. Mạnh trầm ngâm đôi lát, rồi lại hoan hỉ nói: “Giờ em có thể đi tới nơi em muốn, không phải mang theo bình oxy mini và đã có thể tự phục vụ bản thân mà không cần sự trợ giúp của gia đình. Em đang thích nghi với lá phổi mới của một bệnh nhân mà chắc sẽ không bao giờ biết mặt”.

Mạnh bình phục nhanh sau ca phẫu thuật ghép phổi.
Đặng Thái Mạnh lần đầu tiên đón Tết ở Hà Nội. Em chạy đi chạy lại giữa Linh Đàm và Bệnh viện Phổi Trung ương để kiểm tra sức khỏe của lá phổi mới có hòa hợp trong cơ thể gầy gò. Gần 3 tháng nằm ở Bệnh viện Phổi Trung ương, Mạnh coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Em thuộc mặt, biết tên từng người. Những niềm vui, sự lo lắng của Mạnh được mọi người quan tâm hết mức.
Mạnh nhớ thời điểm mới tỉnh dậy, nhìn quanh căn phòng chỉ toàn máy móc và sự sống được duy trì từ tiếng “píp píp” đều từ hệ thống giúp mình trợ sống, Mạnh rất hoang mang, ngày nào cũng đòi tháo các dây dợ ra khỏi cơ thể. Là một bác sĩ, trước nay đã quen với việc làm tâm lý cho người bệnh, giờ đây nằm một chỗ, sự sống như cây vừa nảy mầm, yếu ớt, mong manh nên sự động viên của các thầy thuốc như bác sĩ Lượng, bác sĩ Huy, Ngọc đã khiến Mạnh như được tiếp thêm sức mạnh.
“Em nhớ nhất bác sĩ Huy, lúc nào cũng làm tâm lý tốt cho em. Lúc mang máy cho chơi game, lúc thì bật các thể loại nhạc em thích để bớt đi sự lo lắng”, Mạnh tâm sự.
Em còn được ông bà họ (anh ruột của ông ngoại) cưu mang, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho em trong những ngày nằm viện ngoại trú xuyên Tết Nguyên đán.
Mạnh hồi phục quá nhanh sau ca ghép phổi dù gặp nhiều biến chứng trong quá trình hồi sức. Tình trạng suy tim đã không còn chỉ trong thời gian ngắn. Mọi người nói, phải cần tới 6 tháng, tim của Mạnh mới hồi phục hoàn toàn, nhưng chỉ sau một tháng ghép phổi, mọi chỉ số trở về bình thường.
Trước khi ra mổ, Mạnh đã tìm hiểu các trường hợp được ghép phổi trước, duy chỉ có chi phí là em luôn bị giấu. “Bác sĩ Huy cứ nói gia đình lo được bao nhiêu thì lo nên em cũng thêm một phần tự tin”. Nhưng tỉnh lại, khi nghe tới con số tiền phải chi trả cho cuộc hồi sinh lần này, Mạnh có chút tư lự.

Mạnh sẽ sớm được ra viện trong tháng 3 tới đây.
Sự khỏe mạnh ngày hôm nay có được, là điều phi thường đến từ mọi sự hỗ trợ của bệnh viện và gia đình. Mạnh biết vậy, nhoẻn miệng cười hiền khô bảo, khi mà đồng tiền bỏ ra được mua sức khỏe thì nó còn rẻ nhiều, nhưng khi đồng tiền bỏ ra không được nữa thì lúc đó đắt bao nhiêu cũng không mua được.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Mạnh nói nhiều đến sự biết ơn. Biết ơn người hiến tạng để các tạng còn tiếp tục cứu sống nhiều người khác, biết ơn các thầy thuốc đã chưa một ngày bỏ cuộc trong hành trình cứu sống mình, biết ơn mẹ và những người thân đã luôn dành cho em sự yêu thương hết mực.
Mạnh chờ thêm vài lần kiểm tra sức khỏe, nội soi sinh thiết phổi xem có tương thích với cơ thể không rồi em sẽ quay trở lại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 năm nay. Em mơ ước trở lại đường chạy, mơ ước trở lại làm nghề và nhiều mơ ước khác, nhiều hơn cuộc đời thứ nhất từng làm, đi tới những nơi mình chưa tới, thí dụ như miền bắc.

Mạnh mong ước sớm trở lại nghề để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người bệnh.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay với Mạnh là một ngày đặc biệt. Khác với mọi khi em nhận lời chúc mừng từ đồng nghiệp, bạn bè và bệnh nhân, lần này, Mạnh là một bệnh nhân đặc biệt dành những lời chúc mừng và biết ơn với những thầy thuốc đã mang lại sự sống cho mình. Là bệnh nhân, Mạnh bảo “cực lắm”, nhưng Mạnh biết, làm bệnh nhân rồi, mới thấy thêm yêu cuộc sống, mới thấy hạnh phúc lớn nhất đời mình chính là được thở khỏe mạnh và mới thấy những “lương y” thật sự như “từ mẫu".