Kỷ niệm lần đầu lấy giác mạc hiến của kỹ thuật viên Ngân hàng Mắt

Với kỹ thuật viên Lê Đức Anh, mỗi trường hợp người hiến giác mạc là một câu chuyện đầy xúc động và là động lực để anh gắn bó với công việc không phải ai cũng làm được.

Kỹ thuật viên Lê Đức Anh trong một ca lấy giác mạc hiến của người đã mất. Ảnh: NVCC

Kỹ thuật viên Lê Đức Anh trong một ca lấy giác mạc hiến của người đã mất. Ảnh: NVCC

Những dấu ấn lần đầu

Trong thời gian diễn ra bão số 3 năm 2024, sau đêm bão đi qua, trời mưa to gió lớn, nhưng kỹ thuật viên Lê Đức Anh, Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và các đồng nghiệp vẫn túc trực với công việc đặc biệt.

Sáng sớm ngày 8/9, chuông điện thoại reo lên, đầu dây bên kia là giáo dân gọi tới từ huyện Hải Hậu, Nam Định chia sẻ về trường hợp có người mất muốn hiến tặng giác mạc, người hiến đã mất cách đó chưa đầy 1 tiếng. Phải chớp lấy “thời gian vàng” từ 6-8 tiếng để lấy giác mạc của người đã mất. Không do dự, Đức Anh và các đồng nghiệp khẩn trương chuẩn bị lên đường. Đúng 6 giờ sáng, cả ekip lên đường ngay trong mưa gió.

Bão vừa đi qua, con đường chạy về Hải Hậu ngổn ngang cây cối đổ rạp, gió mưa táp vào xe ào ào, nhưng cả đoàn vẫn cố đảm bảo vừa an toàn, vừa đi thật nhanh để kịp giờ. Chặng đường đi khó khăn, có những chỗ phải đi cầu phao qua sông, nhưng cầu phao đã dừng hoạt động; cả đoàn phải tìm đường khác. Mất 4 tiếng, ekip mới đến được gia đình người hiến.

“Trong không khí đau buồn của gia đình người đã mất, cảnh hoang tàn sau bão, lại mất điện; trong nhà tối om, cả ekip phải bật đèn pin để làm việc. Sau thủ tục trao đổi với người nhà của người hiến, được lắng nghe họ tâm sự, tôi vừa xúc động, vừa yên tâm thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc của người hiến với sự hỗ trợ của phía gia đình”, kỹ thuật viên Đức Anh kể lại.

Lấy giác mạc hiến của người đã mất và bảo quản đúng quy trình kỹ thuật.

Lấy giác mạc hiến của người đã mất và bảo quản đúng quy trình kỹ thuật.

Đã được tập huấn, đào tạo và thực hành kỹ càng trước đó, nên dù đây là ca thu nhận giác mạc đầu tiên, kỹ thuật viên Đức Anh vẫn đầy tự tin, thao tác nhanh, gọn, chính xác và nhẹ nhàng, đảm bảo diện mạo của người hiến không bị ảnh hưởng. Hai giác mạc được thu nhận thành công trong thời gian ngắn và bảo quản để mang về Ngân hàng Mắt.

“Đúng 11 giờ cùng ngày, công việc hoàn thành, nhìn người mất vẫn giữ nguyên dáng vẻ khuôn mặt, như chưa hề có sự tác động, gia đình người người hiến gật đầu yên tâm. Tôi cũng “thở phào”… Ca đầu tiên tôi thực hiện lấy giác mạc thành công. Đây cũng là ca lấy giác mạc để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất”, Đức Anh chia sẻ.

“Đầu xuôi đuôi lọt”, các ca lấy giác mạc hiến sau đó đều được kỹ thuật viên Đức thực hiện thành công. Với anh, mỗi trường hợp người hiến giác mạc là một câu chuyện đầy xúc động. Có người hiến vẫn còn trẻ, có người đã già, có người là do chính người thân vận động, nhưng cũng có trường hợp trước khi mất, người hiến tha thiết được gửi lại ánh sáng cho đời và chủ động chia sẻ quyết định đó với những người thân yêu để tiếp tục di nguyện hiến tặng giác mạc và “thắp sáng hai cuộc đời khác”.

Như trường hợp lấy giác mạc của cụ V.H.L (ở Hòa Bình). Kỹ thuật viên Đức Anh và ekip phải khẩn trương lên đường ngay trong đêm. Khi tới nơi, thấy gia đình người hiến nhiệt tình, xen lẫn sự bối rối vì không biết ca lấy giác mạc sẽ diễn ra như thế nào...

Đức Anh và ekip dành thời gian tâm sự, động viên, chia sẻ với người nhà để họ yên tâm. Điều làm anh xúc động hơn cả là được nghe câu chuyện cụ V.H.L đã tự mình đi đăng ký hiến mô tạng, giác mạc từ khi còn sống. Cụ mong mỏi được gửi trao lại cho đời nếu đôi giác mạc của mình còn có thể giúp được ai đó được nhìn ngắm thế giới, được tiếp tục làm việc.

“Thực hiện tâm nguyện của cụ xong, chúng tôi còn xúc động hơn nữa khi thấy người nhà và hàng xóm của cụ hiểu rõ về nghĩa cử cao đẹp hiến mô tạng. Nhiều người đã tình nguyện đăng ký hiến mô tạng ngay tại nhà của cụ”, Đức Anh nhớ lại.

Những chuyến đi luôn vội vàng để kịp thời gian thu nhận và bảo quản luôn đọng lại thật nhiều ấn tượng. Với kỹ thuật viên Lê Đức Anh, đây cũng là những động lực mạnh mẽ để anh tiếp tục công việc mà không phải ai cũng làm được .

Kỹ thuật viên Lê Đức Anh (giữa) trong một buổi tập huấn.

Kỹ thuật viên Lê Đức Anh (giữa) trong một buổi tập huấn.

Cơ duyên đến với nghề

Với Đức Anh, việc là kỹ thuật viên Ngân hàng Mắt như một mối lương duyên. Trước khi về Ngân hàng Mắt, Lê Đức Anh là anh lính nghĩa vụ phòng cháy, chữa cháy. Công việc đặc thù cứu hộ các vụ cháy và chết đuối khiến chàng thanh niên trẻ đã phải tiếp xúc nhiều với nhiều các nạn nhân.

Trong 3 năm thực hiện nghĩa vụ của mình, công việc đặc thù, chứng kiến những phút giây sinh tử, cứu trợ người dân trong nhiều vụ việc khiến Đức Anh dường như đã quen với việc đối mặt với cái chết; anh cũng cảm thấy hết sức thương cảm cho những thân nhân của những người bị nạn; khi mà khao khát được gặp con mình một lần cuối dù trong hình hài thế nào…

Vì vậy, khi có cơ duyên về làm việc tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trong quá trình tiếp xúc với những bệnh nhân không may bị mù do các bệnh lý về giác mạc, hiểu được nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng, anh đã tình nguyện học hỏi và sẵn sàng trở thành kỹ thuật viên thu nhận giác mạc và là cầu nối giữa người hiến tặng và người được nhận giác mạc.

“Môi trường làm việc ở Bệnh viện chuyên khoa mắt, chứng kiến nhiều người bị mù lòa, khiếm khuyết về thị lực, tôi luôn mong muốn đóng góp gì đó để có cơ hội cho người bệnh. Công việc này với tôi thực sự ý nghĩa”, Đức Anh tâm sự.

Tuy nhiên, theo kỹ thuật viên Đức Anh, phong trào hiến tặng mô tạng muốn phát triển mạnh phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Hơn ai hết, các cán bộ y tế cũng mong muốn nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn, hiểu được giá trị của nghĩa cử hiến tặng mô, tạng để mang lại cơ hội sống cho người khác.

“Cứ mỗi lần đi thu nhận thành công một ca hiến tặng giác mạc, tôi biết được rằng sẽ có 2 người có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Càng nhiều người biết tới ý nghĩa cao cả của hành động hiến tặng, sẽ càng có nhiều người lại được nhìn thấy ánh sáng hơn. Chúng tôi luôn sẵn sàng, không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong có nhiều hành động cao đẹp hiến giác mạc hơn nữa”, chàng kỹ thuật viên trẻ cười hiền lành cho hay.

Với kỹ thuật viên Đức Anh, Ngân hàng Mắt không chỉ là nơi lưu trữ, điều phối và bảo quản giác mạc của người hiến; mà còn là ngân hàng ánh sáng, là hy vọng của những cuộc đời còn tăm tối...

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ky-niem-lan-dau-lay-giac-mac-hien-cua-ky-thuat-vien-ngan-hang-mat-20250225134535767.htm
Zalo