Bác sĩ, chuyên gia quảng cáo thổi phồng công dụng (bài 1)

Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, liên tục nhiều đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tại nhiều địa phương trong cả nước với quy mô 'khủng' bị triệt phá gây rúng động dư luận. Điều đáng nói những đường dây này có sự tiếp tay thổi phồng quảng cáo của không ít những người là bác sĩ, chuyên gia, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tràn lan bác sĩ, chuyên gia cõi mạng

Hiện nay trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan quảng cáo, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee… Tại đây các TikToker, KOLs, nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo loạt sản phẩm với những lời hứa hẹn thần kỳ như giúp giảm cân nhanh chóng, làm đẹp da tức thì, hay tăng cường sức khỏe vượt trội.

Bác sĩ Lê Thị Hải xuất hiện trong đoạn quảng cáo sữa Talacmum.

Bác sĩ Lê Thị Hải xuất hiện trong đoạn quảng cáo sữa Talacmum.

Các quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời giới thiệu hoa mỹ như “chữa bách bệnh”, “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”. Không ít người tiêu dùng đã tin theo những quảng cáo này mà mua về sử dụng, nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng, chứ không có khả năng chữa bệnh.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy. Những lời quảng cáo như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.

Đáng lo ngại là không phải tất cả những lời quảng cáo ấy đều dựa trên cơ sở khoa học, hay được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm. Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.

Hệ quả của những quảng cáo thổi phồng này không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Nhiều người bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách hoặc bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn đến bệnh tình nặng hơn. Thậm chí gây hại cho sức khỏe bởi một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa chất cấm, gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Trong các đường dây sữa giả, thuốc giả và thực phẩm giả bị phanh phui, như vụ gần 600 loại sữa giả, vụ thuốc giả ở Thanh Hóa, hay vụ sản xuất bột ngọt, dầu ăn, hạt nêm giả quy mô lớn tại Phú Thọ có nhiều chuyên gia, người nổi tiếng cũng từng quảng cáo cho các sản phẩm. Không bằng cấp, nhưng ai cũng có thể là “chuyên gia dinh dưỡng”, “bác sỹ chữa bách bệnh” cùng những lời quảng cáo có cánh, khuyên người dùng nên dùng sản phẩm đem lại “hiệu quả tức thì”…

Đơn cử như bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), là người đã tham gia quảng cáo nhãn sữa Talacmum của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood (một trong hai công ty trong đường dây hơn 500 loại sữa giả).

Trong các video, bác sĩ Hải đều mặc áo blouse trắng, nói rất chi tiết về nguyên liệu, thành phần, công dụng của sữa Talacmum. Bà Hải cho biết sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo. “Talacmum đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giá trị dinh dưỡng cao, dùng được cho cả trẻ em và người lớn, tăng cường thể lực, sức đề kháng cơ thể, phục hồi sức khỏe một cách tối ưu”, bác sĩ Hải nói.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an, dù sản phẩm công bố các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Trong quảng cáo cho sữa Gludiabet Talacmum, bác sĩ Hải cho biết sản phẩm “có những dưỡng chất đặc biệt dành cho người từ 18 tuổi trở lên mắc đái tháo đường”. Bà Hải giới thiệu, trong sản phẩm có đường isomalt không gây tăng đường huyết sau ăn, phù hợp bệnh nhân bị tiểu đường, người có tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, có nguy cơ mắc bệnh này. Với sữa Kid Baby Talacmum, bác sĩ Hải cho biết phù hợp cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, đặc biệt với em bé sinh non, hệ miễn dịch kém, tiêu hóa yếu.

Khi doanh nghiệp lợi dụng mác chuyên gia

Gần đây vụ việc lùm xùm giữa Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam) và Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đang khiến dư luận quan tâm. Theo đó, trên bao bì của sản phẩm sữa Milo uống liền của Nestlé Việt Nam có dòng chữ: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam “mượn danh” Viện Dinh dưỡng Quốc gia quảng cáo sữa Milo.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam “mượn danh” Viện Dinh dưỡng Quốc gia quảng cáo sữa Milo.

Trong một video quảng cáo sản phẩm của Nestlé Milo có nội dung: “92% mẹ Việt Nam muốn giúp con bền bỉ hơn, thử nghiệm lâm sàng cùng Viện Dinh dưỡng, Milo mỗi ngày cùng tập thể dục giúp trẻ bền bỉ hơn, kiểm chứng trên 2 nhóm trẻ cùng thể chất… trẻ uống Milo bền bỉ hơn hẳn trong mọi hoạt động, Milo mỗi ngày, nay được chứng minh khoa học giúp trẻ bền bỉ hơn”.

Trước những lùm xùm trên mạng xã hội, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã phát thông cáo báo chí khẳng định Nestlé sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học do Viện Dinh dưỡng quốc gia đã thực hiện năm 2022-2023 để truyền thông là chính xác, khách quan và tuân thủ đúng các quy định liên quan.

Trong năm 2022-2023, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo đối với tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh, thể chất và trí lực của trẻ em tại Việt Nam. Một trong những kết quả của nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo kết hợp với các hoạt động thể chất theo giáo án vận động thể lực góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực ở học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu, bao gồm: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo và khả năng phối hợp vận động.

Tháng 1/2024, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức một hội thảo khoa học nhằm thảo luận và chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài trên với các đại biểu tham dự hội thảo. Trước khi thông tin về kết quả và lợi ích của sản phẩm Nestlé Milo trên bao bì và qua quảng cáo đến người tiêu dùng, Nestlé Milo đã xem xét tất cả các quy định pháp lý liên quan.

Tuy nhiên, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, đơn vị này đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.

Cụ thể, đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 đến 3/2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình.

Kết quả nghiên cứu không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu nhưng “góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo” của học sinh tiểu học sau 3 tháng.

Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng quốc gia mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay.

Ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Viện Dinh dưỡng, Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý việc quảng cáo có nội dung báo cáo thử nghiệm lâm sàng của các sản phẩm Nestlé Milo.

Đồng thời, Cục đã ban hành công văn số 1031/ATTP-NĐTT ngày 16/5 đề nghị Viện Dinh dưỡng quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

Triệt phá đường dây hơn 500 loại sữa giả.

Triệt phá đường dây hơn 500 loại sữa giả.

Ngày 21/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có báo cáo tiến độ xử lý thông tin về quảng cáo sữa Milo đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai làm việc với đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (phường An Bình, TP Biên Hòa) liên quan đến nội dung quảng cáo của các sản phẩm nhãn hàng sữa Milo.

Tại thời điểm làm việc, công ty trình bày hai sản phẩm “thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1” (bản tự công bố sản phẩm ngày 27/12/2021), và “thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo” (bản tự công bố sản phẩm ngày 10/8/2022) theo công văn của Cục An toàn thực phẩm không liên quan đến việc sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam xác nhận chỉ sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo”, các sản phẩm khác của công ty không sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng. Ngoài ra, công ty cung cấp văn bản xác nhận từ Viện Dinh dưỡng (ngày 25/1/2024) liên quan nghiên cứu đánh giá hiệu quả của sản phẩm kết hợp giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học, nhất trí với nội dung: Sản phẩm giúp cải thiện các tố chất thể lực sau 3 tháng sử dụng.

Hiện Nestlé Việt Nam đã chủ động ngừng toàn bộ quảng cáo liên quan Viện Dinh dưỡng trên truyền hình, nền tảng số, mạng xã hội, bảng quảng cáo. Đồng thời công ty yêu cầu các đối tác dừng đăng tải nội dung liên quan và lên kế hoạch thay đổi bao bì, dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, qua rà soát từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận một hồ sơ quảng cáo trên băng rôn cho sản phẩm “sữa lúa mạch Milo của Nestlé”, nội dung “Milo với sữa mát A2 mua ngay cho bé” của Công ty CP CPM Việt Nam.

Trong tháng 1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra và xử lý một bảng quảng cáo ốp tường lớn với nội dung “Milo bền bỉ hơn” có cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” do không thông báo về nội dung quảng cáo đến cơ quan chức năng.

Lực lượng chức năng đã đề nghị Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát lại việc thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó lưu ý việc ký kết hợp đồng đối với các công ty đối tác thực hiện việc quảng cáo. Ngoài ra, đề nghị công ty báo cáo giải trình bằng văn bản quá trình từ khi thực hiện tự công bố sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo”.

Ngọc Trâm - Ngọc Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bac-si-chuyen-gia-quang-cao-thoi-phong-cong-dung-bai-1--i769761/
Zalo