Bắc Kạn - Vùng đất 'đi nhớ, ở thương'

BBK- 125 năm mang tên Bắc Kạn, mảnh đất này lưu giữ bao ký ức, tình cảm và niềm tự hào của những ai từng sinh ra, lớn lên, gắn bó hay chỉ một lần ghé qua. Nơi hợp lưu sông núi, giữa sắc xanh đại ngàn và bản làng mộc mạc, Bắc Kạn như miền ký ức sống động, càng xa càng nhớ, càng ở càng thương.

 Không khí trong lành của hồ Ba Bể luôn là điểm nhấn thu hút du khách.

Không khí trong lành của hồ Ba Bể luôn là điểm nhấn thu hút du khách.

Những tài sản vô giá

Trên mảnh đất Bắc Kạn nghĩa tình, từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu ca: “Bắc Kạn có suối đãi vàng, có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Câu hát mộc mạc ấy chứa đựng cả thiên nhiên và con người, tạo nên một bức tranh vừa hùng vĩ vừa đậm đà bản sắc.

Thiên nhiên Bắc Kạn được ưu ái ban tặng khí hậu trong lành, với độ che phủ rừng trên 73% - cao nhất cả nước - như một “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc. Hồ Ba Bể trong xanh giữa đại ngàn, rừng nguyên sinh Na Rì, thác nước Bạch Thông và những bản làng Tày, Dao nép mình bên ruộng bậc thang…, tất cả vẽ nên bức tranh nguyên sơ, bình yên và cuốn hút.

Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, Bắc Kạn còn gìn giữ kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Những làn điệu Then, câu sli, lượn, cùng lễ hội Lồng tồng, Gầu Tào, tục cấp sắc…, không chỉ phản ánh lối sống hài hòa với tự nhiên mà còn là cầu nối giữa các thế hệ. Đây là những di sản sống động, góp phần làm giàu bản sắc địa phương.

Ẩm thực Bắc Kạn cũng là nét đặc sắc khó quên. Các món ăn như măng vầu, cá nướng hồ Ba Bể, bánh ngải, khâu nhục, rượu men lá…, đều mang đậm hương vị núi rừng, chứa đựng câu chuyện về mùa màng, tập tục và tình người. Những hương vị ấy vừa dân dã, vừa nồng ấm, như chính con người nơi đây.

Con người Bắc Kạn chất phác, thủy chung và chan chứa nghĩa tình. Trong nụ cười của người Tày, Nùng, Dao, Mông là sự hiền hòa, mến khách. Bà Hoàng Thị Ban (Na Rì) chia sẻ: “Ngày xưa nghèo khó, bà con vẫn sẻ chia từng nắm gạo, củ khoai. Nay khá hơn, lại cùng nhau giữ gìn văn hóa dân tộc”.

Giữ màu xanh cho tương lai

Bắc Kạn hôm nay đang đứng trước những thách thức không nhỏ: Biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên không bền vững, làn sóng di cư khỏi bản làng, cùng sự xâm lấn của lối sống hiện đại khiến một số nét văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Trước thực tế ấy, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, hướng đến một mô hình phát triển bền vững, hài hòa từ gốc rễ.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi giúp tỉnh duy trì chất lượng môi trường và không khí ở mức tốt nhất. Theo các số liệu quan trắc môi trường gần đây, chất lượng không khí tại Bắc Kạn cơ bản đạt ngưỡng an toàn, ít chịu ảnh hưởng bởi khói bụi công nghiệp và giao thông như các đô thị lớn. Các chỉ số về bụi mịn hay NO2 đều ở mức thấp, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, thân thiện với thiên nhiên.

Tỉnh Bắc Kạn đã và đang kiên định theo đuổi định hướng phát triển xanh – sạch – bền vững. Theo đó, Bắc Kạn tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng; phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, bất động sản nghỉ dưỡng, khai thác tiềm năng thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh đã và đang từng bước xây dựng hình ảnh Bắc Kạn là “nơi đáng sống” – nơi con người được sống trong không gian trong lành, an toàn, có bản sắc văn hóa phong phú và gần gũi với thiên nhiên.

Trọng tâm trong chiến lược này là bảo vệ rừng. Từ năm 2021 đến nay, Bắc Kạn đã dành hơn 120 tỷ đồng cho công tác giao khoán, bảo vệ rừng, triển khai đồng bộ chương trình trồng rừng thay thế, phục hồi rừng đầu nguồn. Người dân, những chủ thể sống giữa rừng, được đặt ở vị trí trung tâm, với sinh kế gắn chặt bảo vệ môi trường sống.

Cùng với đó, văn hóa truyền thống được bảo tồn theo cách sống động: Các câu lạc bộ hát Then tại Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm vẫn duy trì sinh hoạt hằng tuần. Lớp học truyền nghề thêu thổ cẩm, đan lát được mở rộng. Nghệ nhân được khuyến khích trình diễn tại lễ hội, tour du lịch trải nghiệm.

PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: “Trang phục truyền thống các dân tộc không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là bản sắc văn hóa, góp phần phát triển du lịch. Những đặc sản Bắc Kạn như tôm chua Ba Bể, bánh ngải, khâu nhục, miến dong Na Rì…, cùng nghề thủ công, phương tiện truyền thống như gùi, thuyền gỗ…, tạo nên hệ sinh thái du lịch bản địa độc đáo và hấp dẫn”.

Bắc Kạn hôm nay đang kiến tạo những hành trình trải nghiệm sâu sắc: Nghỉ trong nhà sàn truyền thống, cùng người Tày gói bánh, nấu cơm, thưởng thức khâu nhục, lạp xưởng hun khói; nghe điệu Then giữa đêm núi rừng; thử dệt thổ cẩm hay đan một chiếc gùi… Những điều tưởng như nhỏ bé lại khiến du khách mang theo nhiều lưu luyến khi rời đi.

Trong thời đại số, hình ảnh Bắc Kạn ngày càng hiện diện sinh động trên mạng xã hội qua những thước phim, bài viết của người trẻ, lan tỏa tình yêu quê hương. Để người dân yên tâm gắn bó với bản làng, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng vùng sâu, phát triển sản phẩm OCOP như trà Shan Tuyết, miến dong Na Rì, tinh bột nghệ, mật ong, lạp xưởng hun khói. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ dân tộc phát triển sinh kế, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp, du lịch. Nhiều lớp học nghề được tổ chức, mở ra hướng phát triển bền vững từ bản sắc địa phương.

Anh Nguyễn Tuấn Linh, hay còn biết đến với cái tên Mr Linh, quê ở Phú Thọ, hiện đang là chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khá thành công ở thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chia sẻ: Ba Bể, Bắc Kạn từ lâu đã là quê hương thứ hai của tôi. Bắc Kạn không chỉ có núi, có sông, có hồ, có rừng nguyên sinh mà ở nơi đây mỗi sáng mai thức dậy đều là một thiên đường hòa giữa văn hóa dân tộc, thiên nhiên và con người. Một nơi thật sự rất đáng sống!

Tất cả những nỗ lực ấy đang vẽ nên một Bắc Kạn vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc; vừa phát triển, vừa giữ được “chất riêng”, mộc mạc, xanh trong, bền vững. Để mỗi người con nơi đây không chỉ tự hào mà còn sống được bằng nghề từ chính quê hương mình. Để mỗi bước chân từng ghé qua, khi rời xa, đều mang theo một niềm yêu thương, một miền ký ức không thể nào quên…/.

Chung Thảo - Nông Vui

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bac-kan-vung-dat-di-nho-o-thuong-post70535.html
Zalo