Bắc Kạn tháo gỡ vướng mắc cho các hộ dân khó khăn về nhà ở
Hiện nay trên địa bàn Bắc Kạn có hàng nghìn gia đình còn khó khăn về nhà ở, nhiều hộ thuộc diện phải di dời do ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, nhiều hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, thiếu mặt bằng xây dựng hoặc vướng mắc thủ tục nên không thể có nhà mới.
Tại các thôn, xã vùng cao của Bắc Kạn, hiện nhiều hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng cho phần đất ở, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc để giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách. Phần lớn các gia đình diện nghèo, khó khăn nhà ở chỉ tận dụng bìa rừng, đất vườn đồi để dựng nhà ở tạm.
Do đó, để thực hiện thủ tục giải ngân các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ làm nhà gặp nhiều vướng mắc. Ông Lê Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Có hộ làm xong nhà nhưng chưa được giải ngân.
“Địa phương chúng tôi thì rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện vì một là người dân khó khăn, không có tiền đối ứng, thêm nữa là nhiều hộ chưa có sổ đỏ. Như khi triển khai, nhu cầu của xã chúng tôi hơn 80 hộ nhưng để làm được chỉ có 3-4 hộ thôi…”, ông Tuân cho hay.
Nhằm giải quyết vấn đề này, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu của người dân, khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Để tạo điều kiện tối đa cho người dân, chỉ cần phần đất của các gia đình sử dụng ổn định, thuộc diện có thể chuyển đổi mục đích sử dụng và không có tranh chấp sẽ được xem xét hỗ trợ.
Ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu xóa gần 300 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ khó khăn về nhà ở theo kế hoạch đề ra trong năm 2024.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND cấp xã trước hết rà soát, ưu tiên hỗ trợ ngay cho những hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời rà soát với những hộ mà điều kiện về đất đai có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, không vi phạm đất rừng, quy hoạch thì chúng tôi hướng dẫn bà con làm thủ tục cấp giấy để từ đó triển khai hỗ trợ cho bà con”, ông Minh thông tin thêm.
Ngoài các hộ khó khăn về nhà ở diện hộ nghèo, cận nghèo, sau cơn bão số 3 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn có 555 hộ gia đình thuộc diện nguy cơ sạt lở cao, phần lớn trong số này phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, ngoài thiếu nguồn kinh phí bố trí dự án tái định cư, một số địa phương vùng núi cũng gặp khó khăn trong việc tìm vị trí đất ở phù hợp để tái định cư do quỹ đất hạn hẹp, nhiều nơi vướng đất rừng, đất sản xuất hoặc không nằm trong quy hoạch đất ở.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nhận định việc hỗ trợ người dân thủ tục cần thiết cũng là ưu tiên hàng đầu, nhằm đảm bảo cuộc sống trước mắt cho người dân.
“Do điều kiện địa hình tự nhiên, nguồn lực hạn chế nên để bố trí tái định cư tập trung cho người dân là rất khó. Do đó, chúng tôi khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện tự bố trí tái định cư theo hình thức xen ghép, địa phương sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ một phần cho bà con di dời nhà cửa đến nơi an toàn. Khi bà con có nhu cầu hỗ trợ về các thủ tục như chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc liên quan quy hoạch khác thì chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa nhằm hỗ trợ cho bà con ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai cao”, ông Kim Oanh nói.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn còn khoảng 11.000 hộ gia đình thiếu hụt về diện tích và chất lượng nhà ở, trong đó phần lớn là hộ diện nghèo, cận nghèo. Địa phương phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho khoảng 2.000 hộ gia đình thông qua các nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các nguồn ngân sách khác.