Bắc Kạn đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm
Cuối năm 2024, nhiều dự án tại tỉnh Bắc Kạn phải thi công cầm chừng do thiếu nguồn vật liệu, chủ yếu là các loại đá xây dựng.
Hạn chế tình trạng này có thể tái diễn khi địa phương có nhiều dự án trọng điểm được khởi công trong năm 2025, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của công trình theo kế hoạch đề ra.
Thời điểm cuối năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có 20 mỏ đá hoạt động, tổng sản lượng đạt hơn 700.000m3 đá thương phẩm mỗi năm. Tuy các mỏ có tiềm năng, trữ lượng khá lớn nhưng hầu hết các doanh nghiệp chỉ đăng ký hoạt động quy mô nhỏ dẫn đến tình trạng trữ lượng còn nhưng hạn ngạch khai thác trong năm đã hết, gây tình trạng thiếu vật liệu cục bộ.

Dù đầu năm nhu cầu vật liệu chưa lớn nhưng các mỏ đá tại Bắc Kạn vẫn hoạt động tối đa công suất để dự trữ cho các tháng tiếp theo
Trong năm 2025, tỉnh Bắc Kạn triển khai một số dự án lớn như tuyến đường hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; Tiếp tục hoàn thiện tuyến thành phố Bắc Kạn đi hồ Nặm Cắt; Đặc biệt là tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đã được khởi công trong 3/2025; Ngoài ra, địa phương này còn nhiều dự án kè sông, hồ đập thủy lợi… cũng đang được chuẩn bị triển khai dẫn đến nhu cầu đá xây dựng lớn.
Để đáp ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các dự án, từ 2024 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đôn đốc, phối hợp doanh nghiệp nâng công suất khai thác của một số mỏ đá lên từ 3-5 lần; Triển khai các thủ tục cấp phép, thăm dò khai thác cho 3 mỏ đá mới...
Ông Nguyễn Phúc Đán, Trưởng phòng Địa chất-Khoáng sản, Sở NN&MT Bắc Kạn cho biết: Đơn vị cũng phối hợp các chủ đầu tư rà soát nhu cầu vật liệu xây dựng cho từng dự án trọng điểm nhằm đảm bảo nguồn cung tại chỗ.

Bắc Kạn có hơn 20 mỏ đá nhưng hầu hết đăng ký công suất khai thác nhỏ, gây ra tình trạng thiếu vật liệu cục bộ khi nhu cầu tăng đột biến
Theo ông Đán: "Chúng tôi có một số giải pháp chính, đó là: Về phía Sở, chúng tôi đề nghị các mỏ có nhu cầu nâng công suất khẩn trương lập hồ sơ để nâng công suất. Đối với mỏ đã được cấp phép nhưng hiện nay chưa hoàn thiện phải khẩn trương các thủ tục về đất đai, môi trường cũng phải khẩn trương để tiến hành để hoạt động và chúng tôi đẩy nhanh tiến độ đấu giá các mỏ, đặc biệt là khu vực huyện Chợ Mới để phục vụ cho tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Chợ Mới. Từ 2024 đến nay chúng tôi, đã đấu giá được 6 mỏ cát, sỏi và đá vôi. Hiện nay theo dự báo nhu cầu vật liệu cũng như tiến độ của các mỏ thực hiện, cơ bản công suất các mỏ là đáp ứng được nhu cầu vật liệu để cho các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh".
Bên cạnh đá vôi, hiện Bắc Kạn cũng có hơn 20 mỏ cát, sỏi có trữ lượng thấp. Hiện địa phương này vẫn chủ yếu phải nhập cát xây dựng từ các tỉnh khác. Từ cuối 2024 đến nay, Bắc Kạn cũng đã cấp phép thăm dò khai thác cho một số điểm mỏ trên lưu vực sông Cầu và đang thực hiện các thủ tục đấu giá 4 mỏ tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn nhằm phục vụ nhu cầu của cho xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Một số mỏ cát sỏi mới được cấp phép đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng, đưa vào khai thác
Ông Phùng Đình Phong, đại diện một đơn vị khai thác mỏ cát tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Trữ lượng khi đi vào khai thác cũng không được như mong đợi, rất ít cát, ví dụ một khối đất đá xô bồ đơn vị múc lên, rửa ra thì chỉ có khoảng 5-10% là cát thôi, còn lại là sỏi, đá và tạp chất khác. Chúng tôi cũng tính phương án 2, đó là nếu tới không đáp ứng được và điều kiện tài chính cho phép sẽ lắp đặt dàn nghiền sỏi để tạo thành phẩm cát xây dựng”.
Thực tế, nhu cầu vật liệu xây dựng của Bắc Kạn những năm qua không đều, khan hiếm mang tính cục bộ và các mỏ hầu hết chỉ cung cấp cho các công trình, dự án từ ngân sách nhà nước. Do đó, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn, địa phương cũng cần có quy hoạch điểm mỏ, điều tiết khai thác phù hợp, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.