Bắc Hà: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ Nghị quyết 10

Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả đã tạo bước ngoặt trong tư duy sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Bắc Hà. Từ sản xuất nhỏ lẻ, huyện Bắc Hà đã dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.

Hơn 270 tỷ đồng là số tiền mà nông dân huyện Bắc Hà thu về từ việc bán 19.300 tấn cành, lá, vỏ, thân, hạt quế trong năm 2024. Ngành hàng chủ lực này đến nay đã chiếm 18,9% tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện vùng cao Bắc Hà. Để có được kết quả này, những năm gần đây, huyện Bắc Hà không chỉ dừng lại ở phát triển, mở rộng diện tích mà còn tập trung xây dựng những vùng sản xuất hữu cơ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến và xúc tiến, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm quế Bắc Hà.

 Nông dân huyện Bắc Hà thu hoạch quế. Ảnh: Kim Thoa

Nông dân huyện Bắc Hà thu hoạch quế. Ảnh: Kim Thoa

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Bắc Hà có hơn 10.600 ha quế, trong đó có 2.085 ha quế đạt chứng nhận hữu cơ tại xã Nậm Đét và xã Bản Cái. Huyện đang tập trung duy trì diện tích quế hiện có và đi sâu vào lĩnh vực sơ chế, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ để nâng cao giá trị ngành hàng chủ lực này.

 Duy trì và phát triển vùng trồng chè cổ thụ giúp nông dân huyện Bắc Hà có thu nhập khá.

Duy trì và phát triển vùng trồng chè cổ thụ giúp nông dân huyện Bắc Hà có thu nhập khá.

Thay vì phát triển vùng sản xuất chè thông thường, huyện Bắc Hà đã tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng để duy trì và phát triển vùng trồng chè Shan tuyết cổ thụ, hữu cơ, thuận tự nhiên để nâng giá trị theo hướng bền vững. Đến nay, địa phương này đã hình thành vùng chè cổ thụ ở xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố với diện tích hơn 1.300 ha, trong đó có hơn 1.141 ha chè Shan tuyết được chứng nhận hữu cơ. Giá chè Shan tuyết cổ thụ được thu mua trung bình khoảng 40 - 60 nghìn đồng/kg nên việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đã mang lại nguồn thu nhập hơn 110 tỷ đồng cho nông dân huyện Bắc Hà. Chưa kể, việc duy trì, mở rộng diện tích canh tác và chế biến chè hữu cơ còn giúp địa phương phát triển thêm các sản phẩm du lịch gắn với cây chè.

Ông Hảng Seo Sùng ở thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố chia sẻ: Từ khi quan tâm bảo tồn và chăm sóc vườn chè cổ thụ, thu nhập của gia đình tôi khá hơn trước. Hiện tại, mỗi cân chè búp tươi bán được 50 nghìn đồng. Bên cạnh đó, vườn chè của gia đình tôi còn được công nhận là quần thể cây di sản nên có nhiều du khách đến trải nghiệm. Bà con trong thôn cũng có ý thức hơn, không thả rông gia súc vào vườn chè nữa.

Ngoài quế và chè, huyện Bắc Hà còn tập trung vùng trồng, sản xuất cây ăn quả ôn đới theo hướng hàng hóa. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 1.495 ha cây ăn quả ôn đới, sản lượng đạt 4.878 tấn, giá trị sản xuất ước đạt khoảng 121,9 tỷ đồng. Cùng với việc ứng dụng kỹ thuật trong khâu chăm sóc, đốn tỉa tạo tán nhằm nâng cao chất lượng và tăng năng suất quả thì các hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn huyện Bắc Hà cũng đẩy mạnh chế biến, tạo ra những sản phẩm mới (mận sấy dẻo, rượu vang mận, vang lê…) để nâng cao giá trị cây ăn quả ôn đới. Các vườn cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện còn thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan du lịch vào mùa hoa và vụ thu hoạch quả, góp phần kích cầu các dịch vụ trên địa bàn huyện.

 Ông Lù A Dào ở thôn Sín Chải, xã Na Hối chăm sóc mận Tả Van chín sớm.

Ông Lù A Dào ở thôn Sín Chải, xã Na Hối chăm sóc mận Tả Van chín sớm.

Với khu vườn gần 400 gốc mận Tả Van chín sớm 8 năm tuổi, mỗi vụ, gia đình ông Lù A Dào ở thôn Sín Chải, xã Na Hối thu được khoảng 100 triệu đồng. Đây là kết quả của việc mạnh dạn chuyển đổi từ giống mận Tam hoa truyền thống sang giống mận Tả Van chín sớm của gia đình ông Dào. Ông Dào chia sẻ: Nếu trồng mận Tam hoa, mỗi năm tôi chỉ thu hoạch được khoảng 40 - 50 triệu đồng nhưng trồng mận Tả Van chín sớm thì thu được cao hơn vì đây là giống mận mới, được thị trường ưa chuộng.

Ngoài quế, chè, cây ăn quả ôn đới thì cây dược liệu, rau chất lượng cao và chăn nuôi lợn cũng là những cây trồng mà huyện Bắc Hà đang tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: Với việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng vừa mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ vừa thu hút đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của huyện Bắc Hà đã mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho nông dân. Đây cũng là hướng đi mà địa phương tiếp tục thực hiện trong những năm tới để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cũng theo ông Giang, tổng giá trị sản xuất, chế biến hàng hóa các ngành hàng chủ lực huyện Bắc Hà năm 2024 ước đạt 1.249,5 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất đạt hơn 1.140,4 tỷ đồng (bằng 79,6% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp); giá trị gia tăng sau chế biến đóng gói đạt 109,18 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ đối với nông dân huyện vùng cao Bắc Hà. Kết quả này là minh chứng rõ nét khẳng định Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đã được huyện Bắc Hà thực hiện hiệu quả trong hơn 4 năm qua.

Đức Phương - Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bac-ha-thay-doi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-tu-nghi-quyet-10-post395665.html
Zalo