10 nhóm giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, để phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) như động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất, cần một chiến lược hỗ trợ tổng thể, dài hạn từ phía Nhà nước, gồm 10 nhóm giải pháp:

TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Trung Dũng

TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Trung Dũng

Một là cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay, bằng việc nghiên cứu thành lập và vận hành hiệu quả Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở cấp quốc gia (hoặc tỉnh/thành), nhằm bảo lãnh một tỷ lệ cao (50-70%) cho một thời hạn đủ dài (3-5 năm) cho các khoản vay của DNNVV thiếu tài sản thế chấp. Song song, triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất cho DNNVV trong các lĩnh vực ưu tiên (như sản xuất công nghiệp hỗ trợ hay nông nghiệp công nghệ cao) để giảm chi phí tài chính. Nhà nước có thể tái cấp vốn lãi suất thấp cho ngân hàng hoặc trợ cấp lãi suất một phần để khuyến khích cho vay. Ngoài ra, khuyến khích phát triển dịch vụ fintech và cho vay tín chấp dựa trên dữ liệu (như lịch sử giao dịch, hóa đơn, dòng tiền) để DNNVV có thêm kênh huy động vốn nhanh, không phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản thế chấp.

Hai là giảm gánh nặng thuế và chi phí kinh doanh. Nhà nước xem xét áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho DNNVV. Ví dụ, có thể giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp về 15–17% cho phần thu nhập tính thuế dưới một mức nhất định (như 20 tỷ đồng/năm), hoặc miễn thuế cho một mức lợi nhuận nhất định. Đồng thời, xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới ngưỡng nhất định (tương tự chính sách miễn thuế GTGT cho doanh thu nhỏ hơn một mức nhất định, ở Trung Quốc là 100.000 NDT, tương đương khoảng 350 triệu đồng). Nhà nước cũng có thể hỗ trợ giá thuê đất, mặt bằng sản xuất cho DNNVV thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp cho DNNVV với hạ tầng vừa phải và giá thuê ưu đãi. Ngoài ra, thúc đẩy cạnh tranh minh bạch trên thị trường đầu vào (xăng dầu, điện, nguyên vật liệu) để DNNVV mua được đầu vào với giá hợp lý, giảm nguy cơ bị ép giá hoặc chịu giá cao.

Dây chuyền sản xuất tự động hóa của Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Nam Việt. Ảnh: Trung Dũng

Dây chuyền sản xuất tự động hóa của Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Nam Việt. Ảnh: Trung Dũng

Ba là Hỗ trợ đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Xây dựng chương trình quốc gia tương tự “SMEs Go Digital” của Singapore để hỗ trợ DNNVV trong nước chuyển đổi số. Cụ thể, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số theo ngành (Digital Playbook) để các DNNVV biết bắt đầu từ đâu, cần những công nghệ gì ở từng giai đoạn.

Thành lập trung tâm hỗ trợ công nghệ (tương tự như GovTech hay SMEs Go Digital ở Singapore) và mạng lưới các trung tâm tư vấn công nghệ/đổi mới sáng tạo tại các địa phương, nơi DNNVV có thể tìm đến để được tư vấn về giải pháp công nghệ, kết nối với chuyên gia và nhà cung cấp uy tín.

Về tài chính, Nhà nước nên có gói hỗ trợ hay khấu trừ thuế một phần chi phí R&D và chuyển đổi số cho DNNVV khi đầu tư cho R&D, mua sắm phần mềm, thiết bị công nghệ.

Song song, áp dụng ưu đãi thuế cho chi phí R&D - ví dụ, cho phép khấu trừ với một tỷ lệ cao cho chi phí nghiên cứu, đổi mới của DNNVV khi tính thuế (như Trung Quốc đang cho phép khấu trừ thêm 75% chi phí R&D đối với doanh nghiệp công nghệ).

Các trường đại học, viện nghiên cứu cần được khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ địa phương để chuyển giao công nghệ với chi phí phù hợp. Mục tiêu là nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo chung của khối DNNVV, giúp họ giảm chi phí sản xuất và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Bốn là thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường cho DNNVV. Chính phủ cần đóng vai trò “bà đỡ” kết nối các DNNVV với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Trước hết, có thể triển khai chương trình tương tự PACT của Singapore, tức là đồng tài trợ cho các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và DNNVV. Khi một tập đoàn đa quốc gia (MNC) hay doanh nghiệp FDI muốn nội địa hóa nguồn cung, họ sẽ bắt tay với một số nhà cung ứng Việt Nam để chuyển giao yêu cầu kỹ thuật, quy trình... Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, cải tiến máy móc cho các nhà cung ứng này. Đổi lại, doanh nghiệp lớn cam kết bao tiêu sản phẩm đối với các nhà cung ứng đạt chuẩn. Cách làm này sẽ khuyến khích nhiều MNC tham gia, giúp DNNVV từng bước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp đến là tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại quốc tế dành riêng cho DNNVV. Thông qua các triển lãm chuyên ngành, các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài có hỗ trợ từ cơ quan thương vụ, DNNVV Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm, kết nối với nhà nhập khẩu, đối tác phân phối quốc tế. Chính phủ cũng nên làm việc với các sàn thương mại điện tử lớn (Amazon, Alibaba...) để hỗ trợ DNNVV lên sàn toàn cầu, ví dụ đào tạo kỹ năng bán hàng online xuyên biên giới, trợ giúp về logistics và thủ tục xuất khẩu cho các lô hàng nhỏ.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, áp dụng chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng) cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, trong các dự án đầu tư công hoặc dự án FDI quy mô lớn, khuyến khích (hoặc đưa vào tiêu chí) sử dụng tỷ lệ nhất định nhà thầu phụ, nhà cung ứng trong nước nếu đủ năng lực.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về nhà cung ứng Việt Nam theo ngành (vendor database) để các doanh nghiệp đầu chuỗi dễ dàng tìm kiếm, kết nối với DNNVV phù hợp khi có nhu cầu nội địa hóa.

Nhà nước hỗ trợ chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, nội địa hóa. Ảnh: CTV

Nhà nước hỗ trợ chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, nội địa hóa. Ảnh: CTV

Năm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu đưa Việt Nam tiệm cận các thông lệ tốt của Singapore về môi trường kinh doanh. Trước mắt, cần rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh xuống còn 1-3 ngày như Singapore bằng cách tích hợp các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khắc dấu, đăng bố cáo... vào một cửa điện tử duy nhất. Mở rộng áp dụng đăng ký kinh doanh qua mạng trên toàn quốc và cho phép thanh toán lệ phí điện tử để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần.

Đối với thủ tục hậu đăng ký (xin giấy phép con, giấy chứng nhận...), cần rà soát cắt giảm những yêu cầu không cần thiết, chuẩn hóa các biểu mẫu và công khai quy trình xử lý để tránh việc mỗi nơi làm một khác. Chẳng hạn, thống nhất mẫu và quy trình cấp phép phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm... và áp dụng cơ chế “một giấy phép, sử dụng cho nhiều mục đích” thay vì yêu cầu nhiều giấy phép chồng chéo.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số trong các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp: khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hải quan một cửa... cần được thực thi triệt để, giảm tiếp xúc trực tiếp để hạn chế nhũng nhiễu. Phấn đấu giảm số lần và giờ nộp thuế của doanh nghiệp xuống gần bằng mức trung bình ASEAN-4.

Ngoài ra, Nhà nước nên tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật tới cộng đồng DNNVV (qua hiệp hội doanh nghiệp, hội thảo, cổng thông tin điện tử) để họ nắm rõ và tuân thủ đúng, giảm rủi ro vi phạm. Chi phí tuân thủ giảm sẽ giúp DNNVV tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sáu là nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV. Bên cạnh chính sách vĩ mô là những công cụ hỗ trợ DNNVV tự thân phát triển bền vững. Các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan chức năng nên tổ chức các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, kỹ năng marketing... dành riêng cho chủ và quản lý của DNNVV. Nâng cao kiến thức và kỹ năng sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ hoạt động chuyên nghiệp hơn (ví dụ: kế toán minh bạch, lập kế hoạch kinh doanh khả thi), qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và đối tác.

Xây dựng chương trình hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động cho DNNVV - chẳng hạn, nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề cho lao động mới vào DNNVV, hoặc kết nối sinh viên trường nghề, đại học với DNNVV thông qua chương trình thực tập hưởng lương. Nguồn nhân lực có tay nghề và được đào tạo bài bản sẽ giúp DNNVV nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước giảm được chi phí đơn vị và tăng sức cạnh tranh.

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay Gốm sứ Minh Long đã vươn lên dẫn đầu thị trường gốm sứ trong nước. Không chỉ vậy, Minh Long còn là niềm tự hào của ngành gốm sứ Việt Nam khi tiên phong trên thị trường xuất khẩu và khẳng định vị thế cao ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Đức, Nhật, Pháp, Hà Lan, Mỹ... Ảnh: Q.L.

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay Gốm sứ Minh Long đã vươn lên dẫn đầu thị trường gốm sứ trong nước. Không chỉ vậy, Minh Long còn là niềm tự hào của ngành gốm sứ Việt Nam khi tiên phong trên thị trường xuất khẩu và khẳng định vị thế cao ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Đức, Nhật, Pháp, Hà Lan, Mỹ... Ảnh: Q.L.

Bảy là xây dựng hệ sinh thái khu vực tư nhân theo mô hình “3 tầng”. Tầng 1 gồm các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, hiện chiếm khoảng 96% số lượng doanh nghiệp. Lực lượng này cần được nuôi dưỡng, gỡ bỏ các rào cản phát triển, hỗ trợ về tài chính – kế toán, công nghệ, năng suất để tăng trưởng và bước lên tầng cao hơn.

Tầng 2 gồm doanh nghiệp quy mô vừa phát triển theo chuỗi cung ứng. Các SMEs mạnh dần lên, kết nối với nhau để hình thành các nhóm ngành chiến lược (công nghệ, sản xuất, xuất khẩu). Nhà nước hỗ trợ chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, nội địa hóa.

Tầng 3 là các tập đoàn tư nhân lớn, cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bất động sản – tài chính chuyển hướng sang sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Chính phủ cần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chiến lược, gồm các lĩnh vực có tính nền tảng và/hoặc đón trước xu thế tương lai. Lưu ý rằng các startup tuy quy mô lao động nhỏ, nhưng lại có thể có giá trị thị trường lớn vì vậy không nên áp đặt tiêu chí cứng nhắc đối với loại hình này.

Tám là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ phát triển lên quy mô lớn. Những công ty nhỏ và siêu nhỏ, vốn thiếu động lực và/hoặc khả năng lớn mạnh, cần được khuyến khích bằng cơ chế tín dụng ưu đãi theo quy mô tăng trưởng. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc là áp dụng thuế suất thấp hơn cho doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh trong 3-5 năm liên tiếp. Đồng thời xem xét hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ nếu họ mở rộng sản xuất thay vì duy trì quy mô nhỏ để hưởng ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng lên quy mô vừa còn được hỗ trợ giảm thuế, ưu đãi đất đai, tiếp cận quỹ hỗ trợ R&D theo mô hình Đài Loan. Học hỏi kinh nghiệm từ Singapore, tổ chức chương trình đào tạo với sự phối hợp của các trường đại học, tập đoàn lớn để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho DNNVV.

Chín là cơ chế khuyến khích đối với các tập đoàn tư nhân lớn, chủ yếu giàu lên nhờ bất động sản và tài chính, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo hiện đại, công nghệ cao, và dịch vụ hiện đại. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, những tập đoàn lớn được yêu cầu đầu tư vào công nghiệp nếu muốn tiếp tục nhận ưu đãi tài chính từ nhà nước. Những công ty công nghệ được tạo điều kiện IPO và gọi vốn dễ dàng. Ngoài ra, Chính phủ có thể yêu cầu các tập đoàn lớn phải liên kết với một tỷ lệ tối thiểu (chẳng hạn 30%) nhà cung ứng nội địa để được hưởng ưu đãi đầu tư.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, hướng dẫn kỹ sư trẻ trong một quy trình nghiên cứu, sản xuất vi sinh. Ảnh: Trung Dũng

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, hướng dẫn kỹ sư trẻ trong một quy trình nghiên cứu, sản xuất vi sinh. Ảnh: Trung Dũng

Mười là thúc đẩy sự phát triển của DNNVV và chuỗi cung ứng nội địa, xuất phát từ thực tế Việt Nam thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, không tạo thành một chuỗi cung ứng mạnh đủ sức cạnh tranh quốc tế. Những doanh nghiệp quy mô vừa được hỗ trợ tín dụng đặc biệt khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuế.

Chính phủ tạo điều kiện để các DNNVV cùng ngành kết nối với nhau, hình thành những “cụm công nghiệp tư nhân” theo ngành hàng (ví dụ: cụm sản xuất linh kiện điện tử, cụm công nghiệp dệt may cao cấp,…). Những doanh nghiệp tham gia cụm sẽ được ưu đãi đất đai và hạ tầng.

Xây dựng hệ sinh thái “Liên minh doanh nghiệp nội địa” theo mô hình của Đức. Thành viên liên minh gồm các doanh nghiệp quy mô vừa, hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng phát triển thương hiệu Việt ra quốc tế. Bên cạnh đó là những hiệp hội ngành hàng mạnh, giúp doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn.

Xem thêm: TS. Vũ Thành Tự Anh: Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất

Thượng Tùng ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/10-nhom-giai-phap-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-48121.html
Zalo