Bắc Giang - 'Đất lành' của lao động muôn phương: Bài 4 - Để người lao động an cư, lạc nghiệp

Với nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp (DN); đồng thời cũng là địa bàn thu hút nhân lực đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh đứng trước yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực bền vững trong bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt.

Bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ

Những năm qua, việc chăm lo xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý nhà nước về lao động được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm, tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng DN vi phạm pháp luật về lao động. Đặc biệt, tình trạng DN nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) và tính lành mạnh, hấp dẫn của thị trường nhân lực trong tỉnh.

 Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà công nhân hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu).

Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà công nhân hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu).

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11/2024, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị trên địa bàn là 384,1 tỷ đồng; trong đó, nợ phải tính lãi là 122,7 tỷ đồng, tương ứng 1,25% số phải thu, cao hơn 0,11% theo chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam. Vi phạm trong thực hiện nghĩa vụ này của DN khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi về các chế độ như: Ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng, hưu trí… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 345 DN giải thể, phá sản, dừng hoạt động có số tiền nợ BHXH gần 78,1 tỷ đồng. Đây đều là những DN nhỏ, chủ vắng mặt nên hiện chưa có phương án xử lý hoặc không còn tài sản để thu hồi nợ.

Tại phiên chất vấn, giải trình về tình hình nợ BHXH trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh tháng 10/2024, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, số lượng cán bộ, viên chức của ngành không tăng trong khi các đơn vị tham gia BHXH, BHYT ngày càng nhiều nên gặp khó khăn trong việc rà soát, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ thu nộp tiền bảo hiểm hằng tháng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT còn bất cập, chưa đủ sức răn đe.

 Công ty TNHH Luxshare-ICT (Việt Nam), KCN Quang Châu bố trí quỹ đất để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho NLĐ.

Công ty TNHH Luxshare-ICT (Việt Nam), KCN Quang Châu bố trí quỹ đất để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho NLĐ.

Về vấn đề này, ông Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Sở phối hợp với BHXH tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan nắm tình hình, đôn đốc việc đóng BHXH, BHTN, BHYT của các DN trên địa bàn tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động, pháp luật về BHXH giúp NLĐ nắm rõ và chủ động bảo vệ quyền lợi, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu DN thực hiện nghiêm việc đóng BHXH, sớm phát hiện DN nợ các loại bảo hiểm, ngăn ngừa việc nợ, trốn đóng kéo dài”.

Cùng với giải pháp hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, xử lý một số vi phạm trong thực hiện pháp luật lao động của DN. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tiền lương, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bữa ăn ca… Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, ổn định quan hệ lao động, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, giải pháp hữu hiệu là tăng cường đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tổ chức Công đoàn các cấp sẽ tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng thương lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn để thỏa ước lao động tập thể tại mỗi DN bảo đảm tính chặt chẽ, có chất lượng tốt; là công cụ quan trọng để công đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật lao động trong DN cũng như giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động.

Cải thiện phúc lợi cho NLĐ

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9,5 nghìn DN đang hoạt động, sử dụng hơn 306 nghìn lao động. Để giữ chân và thu hút lao động, xây dựng nguồn nhân lực ổn định, bền vững, chất lượng, phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh thì các chế độ phúc lợi cho NLĐ cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa.

 Công nhân Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (Bắc Giang) tham gia trò chơi tập thể tại ngày hội văn hóa, thể thao do công ty tổ chức.

Công nhân Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (Bắc Giang) tham gia trò chơi tập thể tại ngày hội văn hóa, thể thao do công ty tổ chức.

Thời điểm này, để bảo đảm mục tiêu mở rộng sản xuất, kịp tiến độ các đơn hàng cuối năm, Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (Bắc Giang), Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung cần tuyển hơn 12 nghìn lao động. DN đã “nới” yêu cầu về tuổi từ 18-39 (trước đây chỉ tuyển đến 35 tuổi); mỗi tháng, NLĐ được hưởng lương cơ bản 5 triệu đồng, trợ cấp 1,3 triệu đồng, tăng ca bảo đảm tổng thu nhập đạt bình quân 10 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Phòng Nhân sự thì DN đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Một phần do nguồn cung khan hiếm, phần nữa qua khảo sát cho thấy nhiều công nhân lựa chọn làm việc tại các tỉnh như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng bởi mức lương tối thiểu vùng cao hơn tỉnh Bắc Giang. Xe đưa đón công nhân, nhà ở cũng là vấn đề mà nhiều NLĐ còn băn khoăn.

Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh có 30 nghìn chỗ ở cho NLĐ; 147 nghìn phòng trọ ở các địa phương; các nhà đầu tư đang thực hiện 9 dự án nhà ở xã hội với hơn 12,4 nghìn căn hộ. Mặc dù vậy, trong thực tế NLĐ nhất là công nhân ngoại tỉnh vẫn gặp khó khăn nhất định về nhà ở. Anh Thân Văn Thiện, công nhân Công ty TNHH AGU Vina (thị xã Việt Yên) chia sẻ: “Tôi được biết một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh sắp hoàn thành, đơn cử như khu nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh (thị xã Việt Yên) đã mở bán nhưng có rất ít lao động đăng ký mua được bởi giá quá cao so với khả năng của công nhân; vướng mắc một số quy định về vay vốn, thẩm định đối tượng, thủ tục hành chính chứng minh đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ”. Với mong muốn “an cư” để yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với Bắc Giang, anh Thiện và nhiều lao động xa quê mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng sớm tháo gỡ để NLĐ thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.

Để thị trường lao động phát triển lành mạnh; đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN, các sở, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lao động và các lĩnh vực liên quan. Trước hết cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu và xu hướng vận động, phát triển của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước có tính đến yếu tố hội nhập để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các quyết sách phù hợp trong giáo dục nghề nghiệp, xúc tiến thu hút lao động.

Về nhà ở cho công nhân, ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, theo Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8/2023, hiện nay có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai và thu hút đầu tư theo quy hoạch; bảo đảm bố trí đầy đủ công trình nhà trẻ, y tế, dịch vụ công cộng, cây xanh, thể thao. Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024), khắc phục được một số vướng mắc. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và bộ, ngành trung ương về chính sách nhà ở xã hội, sở và các cơ quan, địa phương tích cực nghiên cứu, đề xuất, tham mưu thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục xét duyệt hồ sơ, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm giá bán, cho thuê nhà phù hợp.

Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, lực lượng lao động đã đạt mốc hơn 300 nghìn người và sẽ còn tăng trong những năm tới. Để thị trường lao động phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN, các sở, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lao động và các lĩnh vực liên quan. Trước hết là làm tốt công tác dự báo nhu cầu và xu hướng vận động, phát triển của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước có tính đến yếu tố hội nhập để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các quyết sách phù hợp trong giáo dục nghề nghiệp; xúc tiến thu hút lao động. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực và huy động các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại, thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí) xung quanh các KCN, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, bảo đảm môi trường sống an ninh, an toàn cho NLĐ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm pháp luật về lao động, cải thiện chế độ đãi ngộ, bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho NLĐ; đồng thời xử lý nghiêm những DN vi phạm, đặc biệt là tình trạng nợ BHXH của công nhân. Tổ chức công đoàn các cấp phát huy hơn nữa vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ; làm tốt công tác giám sát việc thi hành pháp luật về lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để NLĐ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; xây dựng môi trường làm việc an toàn; tạo lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ để cùng phát triển.

Nhóm Phóng viên VHXH

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-dat-lanh-cua-lao-dong-muon-phuong-bai-4-de-nguoi-lao-dong-an-cu-lac-nghiep-082905-postid409207.bbg
Zalo