Bắc Giang - 'Đất lành' của lao động muôn phương: Bài 2 - Giải 'cơn khát' nhân lực cho doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nguồn nhân lực luôn là vấn đề được các doanh nghiệp (DN) quan tâm hàng đầu. Bảo đảm lực lượng lao động không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt của DN mà còn tạo ra lợi thế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững. Hỗ trợ DN giải 'cơn khát' nhân lực được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp.
Kết nối cung - cầu, khai thác nguồn nhân lực tại chỗ
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đứng đầu cả nước, thu hút đầu tư FDI của tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và là động lực chính tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh. Tỷ trọng của lĩnh vực này đóng góp hơn 85% quy mô giá trị tăng trưởng toàn tỉnh. Để có được đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, nhu cầu về lao động của tỉnh Bắc Giang vào các khu công nghiệp (KCN) đã tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, dân số của tỉnh Bắc Giang có hơn 1,9 triệu người (đứng thứ 10 cả nước) và đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có từ 25-27 nghìn người bước vào độ tuổi lao động có thể tham gia thị trường nhân lực. Ngoài ra còn số lượng lớn người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có nhu cầu chuyển đổi nghề. Tuy vậy, dự báo nguồn cung nhân lực trong tỉnh chỉ có thể đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, việc DN gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực còn do nghịch lý cung - cầu. DN và lao động chưa gặp nhau trong các thỏa thuận về lợi ích như mức lương, các khoản phụ cấp, điều kiện làm việc…
Xu hướng của các DN là tiết giảm chi phí về nhân lực, người lao động (NLĐ) lại muốn tìm được công việc có mức đãi ngộ cao, môi trường, điều kiện làm việc tốt. Trong khi nguồn cung dồi dào nhất là những lao động chưa qua đào tạo, chưa được trang bị kỹ năng nghề thì mong muốn của phần lớn DN là khi tuyển dụng, công nhân đáp ứng được ngay công việc, không mất thời gian đào tạo. Ngoài ra, vẫn chưa có nhiều DN tuyển người từ 40-45 tuổi trong khi nguồn cung lao động ở độ tuổi này lại đang có xu hướng tăng lên”.
Để khắc phục khó khăn trong việc cân bằng cung-cầu lao động hiện nay, phát huy tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, bên cạnh dự báo sát thị trường, giải pháp quan trọng là việc kết nối, tạo cơ hội thuận lợi để DN và NLĐ nắm bắt thông tin, xây dựng quan hệ lao động ổn định. Với phương châm này, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 75 phiên giao dịch việc làm. Ngoài ra còn có 4 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và 2 ngày hội việc làm. Kết quả có 300 lượt DN tham gia, thu hút hơn 14 nghìn NLĐ đến các phiên giao dịch. Cùng đó, tăng cường tư vấn, hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động thất nghiệp khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này từ kinh nghiệm thực tiễn tại tỉnh, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn có thể chủ động đăng ký với trung tâm. Từ đó, trung tâm tiến hành phân loại vị trí công việc theo các điều kiện như độ tuổi, mức lương, chính sách phúc lợi… và thông tin trên các kênh chính thống. Trung tâm sẽ chủ động phối hợp với DN hẹn NLĐ đến sàn giao dịch việc làm hoặc tổ chức phiên giới thiệu việc làm lưu động tại các khu, cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho lao động được tiếp cận, phỏng vấn đăng ký tuyển dụng.
“Dựa trên kết quả khảo sát nguồn cung lao động tại các địa phương, trung tâm đề xuất, hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ, đột xuất, trực tiếp đến địa bàn mà NLĐ có nhu cầu ứng tuyển. Đồng thời, tổ chức các hội chợ việc làm, phiên giao dịch trực tuyến, kết nối với các khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ tiếp cận thông tin tìm việc”, ông Sơn nói.
Xúc tiến, thu hút lao động ngoại tỉnh
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang thu hút được khoảng 110 nghìn lao động, đáp ứng đủ nhu cầu của các DN, trong số đó có hàng chục nghìn người ngoại tỉnh. Đây là một thành công bởi lẽ việc thu hút, tuyển dụng lao động đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn với những địa phương đi trước trong phát triển công nghiệp như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... NLĐ lựa chọn Bắc Giang là điểm đến chứng tỏ môi trường làm việc trong các KCN của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tạo ra sức hút với nguồn nhân lực đến từ các tỉnh khác.
Với bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt trong khi dự báo nhu cầu nhân lực của các DN thời gian tới tiếp tục tăng, từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã kịp thời xây dựng kế hoạch, đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động, tập trung vào nguồn lao động ngoài tỉnh để phục vụ phát triển công nghiệp. Lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức các đợt xúc tiến, thu hút lao động tại 8 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và 3 trường đại học.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2024, tỉnh thu hút được khoảng 110 nghìn lao động, đáp ứng đủ nhu cầu của các DN, trong đó có hàng chục nghìn người ngoại tỉnh. Đây là một thành công ấn tượng. Bởi lẽ việc thu hút, tuyển dụng lao động đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn với những địa phương đi trước trong phát triển công nghiệp như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...
Tại các tỉnh, đoàn công tác của Bắc Giang đã cung cấp thông tin về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến các cấp, các ngành và NLĐ địa phương. Các DN có cơ hội giới thiệu, quảng bá về hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, phúc lợi của NLĐ khi làm việc trong các KCN của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, đoàn công tác đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến đến các điểm cầu tại các tỉnh. Sau các chuyến xúc tiến thu hút lao động, số lượng NLĐ đăng ký làm việc tại các KCN ở Bắc Giang đã tăng đáng kể. Kết quả từ tháng 3 đến nay đã thu hút gần 20 nghìn lao động ở các tỉnh về Bắc Giang làm việc.
Theo bà Đặng Thị Thu Chung, Phó Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, đây là một giải pháp sáng tạo, kịp thời của UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang. Chính sách thu hút lao động của Bắc Giang đã tạo dựng niềm tin vững chắc đối với chính quyền và NLĐ các tỉnh. Sau các đợt xúc tiến này, DN đã ký thỏa thuận hợp tác tuyển dụng và nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin kịp thời của trung tâm dịch vụ việc làm 8 tỉnh.
Chị Nông Thị Vân (SN 2002), quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Tôi học hết cấp 3 nhưng không có điều kiện theo học tiếp nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các DN Bắc Giang với ý định về KCN làm việc. Được các nhân viên của trung tâm dịch vụ việc làm 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn hỗ trợ, hiện tôi đã được Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải nhận vào làm việc với mức thu nhập ban đầu 7 triệu đồng/tháng”.
Thống kê của ngành LĐTBXH, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, về lâu dài, để ổn định nguồn cung nhân lực cho DN đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ nhiều phía. Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền ở cơ sở; Ban Quản lý Các KCN tỉnh quản lý tốt các DN hoạt động dịch vụ việc làm, cung cấp thông tin chính thống, tạo niềm tin với NLĐ có nhu cầu làm việc tại Bắc Giang.
Về phía DN, trong chính sách tuyển dụng cần thể hiện rõ mong muốn giữ chân lao động lâu dài bằng chế độ đãi ngộ tốt thông qua cam kết trong hợp đồng lao động khi tuyển dụng. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tăng phiên trực tuyến, tạo thuận lợi để NLĐ tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp.
(Còn nữa)
Nhóm Phóng viên VHXH