'Bắc cầu' đưa du khách đến với Đại Từ

Từ một cán bộ nhà nước, với niềm đam mê du lịch, thích khám phá, trải nghiệm và làm cầu nối đưa du khách đến với quê hương mình và muôn nơi, anh Phạm Duy Tiệp đã về mở Công ty CP Truyền thông, Sự kiện, Du lịch Đại Sơn ở tổ dân phố Cầu Thành 1, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Đến nay, đây là công ty đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Đại Từ hoạt động kinh doanh về lĩnh vực này.

Đoàn Famtrip - trekking tham gia chương trình khám phá sườn Đông Tam Đảo do Công ty CP Truyền thông, Sự kiện, Du lịch Đại Sơn phối hợp tổ chức.

Đoàn Famtrip - trekking tham gia chương trình khám phá sườn Đông Tam Đảo do Công ty CP Truyền thông, Sự kiện, Du lịch Đại Sơn phối hợp tổ chức.

Điều đó cho thấy sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của anh Phạm Duy Tiệp. Bởi khi chưa có tiền lệ, tất nhiên anh phải đối điện với những khó khăn, thách thức và phải tự mình mày mò, học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm. Vẫn biết con đường khởi nghiệp đối với bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào đều chưa bao giờ là dễ dàng huống hồ ở một lĩnh vực mà trên địa bàn huyện Đại Từ lại chưa có ai làm.

Chưa kể, ngay sau khi mới thành lập (năm 2018), Công ty CP Truyền thông, Sự kiện, Du lịch Đại Sơn (Công ty Đại Sơn) phải đối diện với 3 năm dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến việc kinh doanh gần như ngưng trệ. Nhưng với bản lĩnh và niềm tin vào sự lựa chọn của mình, anh Phạm Duy Tiệp vẫn quyết tâm từng bước xây dựng và phát triển Công ty.

Anh Tiệp cho biết: Công ty có 5 thành viên chính thức, nhưng khi vào mùa du lịch hoặc có sự kiện lớn diễn ra, chúng tôi có thể giải quyết việc làm cho từ vài chục đến hàng trăm lao động. Công việc kinh doanh chính của Công ty là du lịch, tổ chức sự kiện, hỗ trợ các xã, thị trấn trên địa bàn về công tác truyền thông, bán vé máy bay… Những năm gần đây, Công ty đã có những bước phát triển, trung bình mỗi năm, tôi đưa đón khoảng 5.000 lượt du khách đến với tỉnh Thái Nguyên tham quan, nghỉ dưỡng.

Nhưng điều khiến anh Tiệp cảm thấy phấn chấn và tự hào là thông qua công việc của mình, anh đã giới thiệu, đưa đón, tổ chức các chương trình đưa khách về với vùng đất Đại Từ quê hương mình tham quan, trải nghiệm.

Anh Tiệp chia sẻ: Tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất và nhận thấy quê hương Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng có nhiều cảnh đẹp thơ mộng, thanh bình, nhiều điểm du lịch vẫn giữ được nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên. Ẩm thực thì mang nét đặc trưng của nhiều dân tộc, ngon miệng, hấp dẫn, giá cả phải chăng. Bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng mang đậm nét đẹp truyền thống của từng dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Mông…

Du khách trải nghiệm tại đồi chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Du khách trải nghiệm tại đồi chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Con người Thái Nguyên gần gũi, thân thiện, hòa đồng, mến khách nên mỗi khi thấy khách nói lời cảm ơn, nở nụ cười hài lòng, hứa sẽ có dịp rủ thêm bạn bè, người thân quay trở lại, lòng tôi vui lắm và như được tiếp thêm động lực để cố gắng tổ chức nhiều tour, chuyến tham quan du lịch, giới thiệu và đưa đón thêm nhiều khách hơn nữa đến với Đại Từ và nhiều điểm du lịch khác của Thái Nguyên, như: ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (Võ Nhai), đền Đuổm (Phú Lương), hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương “Đệ nhất danh trà”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên)...

Còn khi nói về du lịch Đại Từ, anh Tiệp không giấu niềm tự hào trong ánh mắt, nụ cười, rồi giới thiệu: Huyện có 10 xã, thị trấn nằm dọc theo sườn Đông dãy núi Tam Đảo, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; đa dạng về hệ sinh thái động thực vật, nhiều khu vực khí hậu mát mẻ quanh năm; có sản phẩm chè ngon nổi tiếng... Khi du khách đặt chân đến Đại Từ có thể tham quan các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, như suối Kẹm, xã La Bằng; Cửa Tử, xã Hoàng Nông; thác Ba Dội, xã Phú Xuyên; thác Đát Ngao, Động Tiên, thị trấn Quân Chu; hồ Vai Miếu, xã Ký Phú... Chưa kể, trên địa bàn huyện còn có 9 điểm di tích đã được xếp hạng Quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, Đại Từ còn có lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh, như Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc và các hệ thống đình, đền, chùa...

Tuy nhiên, trong quá trình làm du lịch vẫn có một số điều khiến anh Tiệp trăn trở. Đó là cơ sở vật chất như nơi ăn, nghỉ, các dịch vụ vui chơi giải trí… của Thái Nguyên nói chung và Đại Từ nói riêng còn đơn điệu, thiếu đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách du; các homstay phát triển tự phát, người dân còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch; nhất là chưa có những khu nghỉ dưỡng cao cấp để đón tiếp lượng khách VIP…

Vẫn biết, con đường làm du lịch phía phía trước còn nhiều khó khăn, song anh Phạm Duy Tiệp khẳng định sẽ luôn đồng hành, góp phần cùng huyện Đại Từ phát triển du lịch xanh, thu hút ngày càng đông du khác đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/bac-cau-duadu-khach-den-voi-dai-tu-2302b1b/
Zalo