Bậc cao niên 'giữ hồn' dân tộc Gia Rai
Thấm đẫm truyền thống văn hóa của người Gia Rai, các bậc cao niên ở Gia Lai hàng ngày bền bỉ giữ nghề cha ông và trao truyền cho thế hệ trẻ. Họ chính là những người 'giữ hồn' của dân tộc mình trong dòng chảy thời gian.
Những năm qua, bà Al (70 tuổi, làng Têng 2, xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn tìm cách để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình. Với bà, nghề dệt không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn là "cầu nối" gắn kết nhiều thế hệ trong gia đình.
"Nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai. Để truyền dạy nghề dệt cho con cháu, mình đã luyện rèn bàn tay khéo léo, đôi mắt nhanh nhạy để dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Khi mình dệt đẹp, con cháu cũng sẽ thích thú học theo" - bà Al tâm sự.
Hàng ngày, dù công việc ruộng rẫy bận rộn nhưng cuối ngày, hoặc lúc rảnh rỗi, bên khung dệt của gia đình, bà Al vẫn kiên trì ngồi dệt và kiên trì chỉ dạy cho con cháu kỹ thuật dệt thổ cẩm. Gia đình bà Al là một trong những gia đình biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con ở Tân Sơn.
Bà Al kể, trước đây, hầu như gia đình nào trong làng cũng có phụ nữ biết dệt. Theo thời gian, nhiều nhà không còn dạy cho con cháu cách dệt nữa. "Tiếc" vốn quý của thế hệ các bà, các mẹ, Al bà luôn động viên và chỉ dạy các con không được xa rời nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Chính bà là người truyền lửa yêu nghề sang cho người con gái Anglưp của mình. Sau này, chính người con gái của bà lại truyền nghề cho các cháu gái của bà.
Còn đối với bà Al, dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mặc trong đời sống hàng ngày mà còn gửi gắm vào đó biết bao tình cảm với người thân, buôn làng. Bà Al vui mừng khi mỗi buổi chiều, dưới chân nhà sàn, bên cạnh luôn có cô con gái ngồi dệt và trò chuyện cùng.
Từ hồi còn trẻ, ông R’Cơm Hmyơk (70 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP Pleiku) đã được mệnh danh là người tạc tượng giỏi nhất làng. Ông tự hào khi mình là thế hệ được tiếp nối nghề truyền thống bao đời của người Gia Rai. Với niềm tự hào ấy, ông đã ra sức gìn giữ và phát huy để nghề tạc tượng luôn song hành cùng năm tháng.
Bằng đôi tay khéo léo, ông Hmyơk đã "thổi hồn" vào những tấm gỗ và tạo nên nhiều bức tượng với các thể loại khác nhau. Hầu hết tượng ở khu nhà mồ đều do ông chế tác với các mô típ như: tượng người phụ nữ, người giã gạo, đánh trống…
Theo ông Hmyơk, người tạc tượng phải dành tình cảm, tâm huyết trên từng đường chạm khắc. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là những người biết tạc tượng trong làng thì hầu hết tuổi đã cao. Vậy nên, ông phải nghĩ cách lan tỏa tình yêu nghề đến dân làng. Để làm được điều đó, đầu tiên, ông Hmyơk truyền dạy cho chính người con trai của mình, sau đó lan tỏa đến lớp người trẻ trong làng. Theo ông Hmyơk, thế hệ trẻ phải thấm, phải hiểu, phải yêu nghề thì mới say mê học và làm nghề. Bởi vậy, để "tiếp lửa" cho thế hệ trẻ, trong những đêm trăng sáng hay những lần đi rừng, ông Hmyơk thường thủ thỉ kể những câu chuyện về nơi khởi nguồn, về ý nghĩa của những bức tượng gỗ... để cháu con cảm nhận được sự thiêng liêng, từ đó có ý thức giữ nghề cha ông.
"Mình phải trao cả tình yêu, tâm huyết cũng như kinh nghiệm trong nghề cho các con cháu thì chúng mới có thể tiếp nhận một cách đủ đầy nhất. Mình không thể áp đặt bọn trẻ bắt buộc phải "nối nghề" mà phải dùng cách "mưa dầm thấm lâu". Khi chúng đã biết tự hào với nghề truyền thống thì tự khắc sẽ biết cách gìn giữ và phát huy" - ông Hmyơk bày tỏ.
Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuet 2, phường Thắng Lợi, TP Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Từ thuở đôi mươi, ông Ak đã luôn ý thức được ý nghĩa thiêng liêng và dự quan trọng của việc gìn giữ nét đẹp nghề truyền thống dân tộc mình. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, ông theo người già trong làng đi chặt tre, lồ ô để đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ông đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt như: gùi, nia, thúng, đơm bắt cá, rổ, rá... Hầu hết các hội thi đan lát ở địa phương đều có sự góp mặt của ông.
"Cái đáng buồn nhất có lẽ là đánh mất nghề truyền thống. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn truyền dạy cho lớp cháu con của mình. Dù nghề này còn nhiều vất vả và chưa thể đảm bảo cho cuộc sống nhưng tôi vẫn động viên con cháu phải biết nghề và giữ nghề. Điều tôi chỉ dạy cho các con chỉ là nền tảng, còn việc phát huy giá trị của nghề phải dựa vào chính tình yêu và tâm huyết của chúng với nghề truyền thống"- ông Ak bộc bạch.
Nhìn con cháu ngày càng trưởng thành và yêu văn hóa truyền thống, ông Ak càng có thêm động lực để tham gia truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Ông chia sẻ, bản thân vô cùng tự hào khi nhìn thấy con cháu đan lát ngày càng đẹp và tinh xảo, thế hệ trẻ trong làng biết bảo ban nhau học cách đan lát và cải tiến cho phù hợp với nhu cầu hiện nay. Thế nên, dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng nhiều phần mai một nhưng ông Ak hứa rằng, sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng lớp trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.