Nằm ở quần thể di tích Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở bang Bihar, Ấn Độ, chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ Tự) được biết đến là một trong bốn Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo sử liệu và kinh Phật chính tại nơi đây, đức Phật đã giác ngộ sau 49 ngày tọa thiền dưới cội bồ đề.
Ngôi chùa này có lịch sử từ khoảng năm 250 TCN, khi hoàng đế Asoka của triều đại Maurya dựng một công trình kỷ niệm việc Phật đạt giác ngộ ở Bodh Gaya.
Sau khi bị phá hủy bởi chiến tranh, một ngôi chùa khác đã được dựng lại trên ngay chính địa điểm cũ vào thế kỷ thứ 2 TCN và được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ để có diện mạo như ngày nay.
Về tổng thể, chùa Mahabodhi là một công trình kiến trúc bằng đá với một ngọn tháp lớn ở trung tâm và 4 ngọn tháp nhỏ ở 4 cạnh. Bề mặt các ngọn tháp và tường của ngôi chùa được phủ các hốc đặt các tượng Phật.
Ngôi đền Mahabodhi được xây theo hình tứ giác cao 52m. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng uy nghiêm cao khoảng 2m, được cho là khoảng 1.550 năm tuổi càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của hàng triệu tín đồ Phật tử đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…
Trong điêu khắc và kiến trúc, ngôi chùa thể hiện rõ nét phong cách Miến Điện, do đã được trùng tu bởi các tín đồ Phật giáo Miến Điện.
Bên cạnh ngôi chùa, về phía Tây là cây bồ đề linh thiêng, hậu duệ của cây bồ đề gắn liền với sự giác ngộ của Đức Phật.
Đền Đại Bồ Đề được xây dựng bằng gạch và là một trong những công trình bằng gạch lâu đời nhất còn tồn tại ở miền Đông Ấn Độ. Nó được coi là một ví dụ điển hình của một công trình gạch Ấn Độ và có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của các truyền thống kiến trúc sau này.
Tương truyền, sau khi Phật nhập Niết bàn, những cành chiết từ cây bồ đề đã được gửi đến những địa điểm khác trên cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, chùa Mahabodhi và quần thể di tích Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành nơi hành hương quan trọng hàng đầu của các nhà tu hành Phật giáo và Phật tử trên toàn thế giới.
Vào năm 2002, chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ Tự) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
P.V (Tổng hợp)