Ba điều quan trọng với châu Á trong ngày nhậm chức của ông Trump
Đầu tuần tới, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức, bắt đầu một nhiệm kỳ được dự báo có nhiều thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ và tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu...
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhấn mạnh sẽ ký nhiều sắc lệnh ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, bao gồm kế hoạch chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine, ân xá cho những người bị bắt trong vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021 và hủy bỏ các quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc bảo vệ sinh viên chuyển giới.
Đầu tháng 12, ông Trump tuyên bố sẽ ký sắc lệnh về thuế quan vào ngày đầu nhậm chức, theo đó điều chỉnh thuế quan với hàng hóa từ một số quốc gia như Mexico, Canada và Trung Quốc.
Sau đây là 3 vấn đề được nhà đầu tư châu Á quan tâm nhất trong ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump, theo tờ báo Nikkei Asia.
THUẾ QUAN
Ông Trump từng nói rằng vào ngày đầu tiên nhậm chức sẽ ký quyết định áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada và tăng thuế quan 10% với hàng Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết áp thuế quan tới 20% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và lên tới 60% riêng hàng Trung Quốc.
Hiện chưa rõ những mặt hàng nhập khẩu nào sẽ bị tăng thuế quan, nhưng việc tăng thuế quan có thể ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng mà Mỹ đang phụ thuộc vào nhập khẩu và làm tăng lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo các mặt hàng nhập khẩu như ấm đun nước, phụ tùng ô tô và máy rửa bát sẽ bị đánh thuế cao hơn bởi đây cũng là những mặt hàng mục tiêu của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung năm 2018.
"Xem xét tác động toàn diện của các biện pháp thuế quan của Mỹ và các biện pháp trả đũa từ đối tác thương mại, chúng ta sẽ trở lại những năm 1940. Về cơ bản, các chính sách này sẽ hủy hoại hoàn toàn quá trình tự do hóa thương mại”, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs nhận xét.
Kể từ sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ đã đẩy mạnh nhập hàng nhiều hơn để tích trữ hàng hóa nhằm tránh thuế quan cao hơn sau khi Tổng thống đắc cử nhậm chức.
Vào năm 2019, ông Trump đã viện dẫn Đạo luật Quyền khẩn cấp Kinh tế Quốc tế năm 1977 để đe dọa áp thuế với hàng nhập khẩu từ Mexico. Tại Mỹ, những người ủng hộ lập trường cứng rắn với Trung Quốc cũng đã thảo luận về việc thu hồi quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Trung Quốc. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ được xếp vào loại quan hệ thương mại với Mỹ tương tự như với các quốc gia như Nga, Triều Tiên, Cuba và Belarus. Điều này nếu được thực thi trong nhiệm kỳ của ông Trump có thể tác động nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu.
NHẬP CƯ
Vấn đề nhập cư được dự báo sẽ là một trọng tâm lớn trong ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump. Thư ký báo chí và các cố vấn về vấn đề nhập cư của ông Trump từng cho biết tổng thống đắc cử sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp ngay ngày đầu nhậm chức để trục xuất người nhập cư trái phép vào Mỹ.
Dù hầu hết người nhập cư trái phép vào Mỹ là từ Mexico, Nam và Trung Mỹ, thời gian gần đây chứng kiến sự gia tăng đáng kể của người nhập cư trái phép từ Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác. Theo số liệu thống kê từ tổ chức nghiên cứu độc lập Migration Policy Institute, vào thời điểm giữa năm 2022, khoảng 10,3% trong số 11,3 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ đến từ châu Á, chủ yếu là từ Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Tuy nhiên, kế hoạch trục xuất người nhập cư trái phép của ông Trump vấp phải sự chỉ trích từ nhiều tổ chức. Theo tổ chức phi lợi nhuận American Immigration Council, việc trục xuất người nhập cư có thể gây ra tình trạng thiếu lao động và tác động lớn tới một số lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và nhà hàng khách sạn.
NĂNG LƯỢNG
Ông Trump từng tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách về khí hậu của ông Biden, bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) với ưu đãi thuế và tín dụng trị giá hàng tỷ USD cho các công ty năng lượng sạch.
Nhận xét biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”, ông Trump cho biết sẽ “hủy bỏ tất quả các khoản tiền chưa chi” theo IRA. Tuy nhiên, theo luật định, ông Trump sẽ không thể bãi bỏ một đạo luật đã được ký ban hành nếu không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội và cũng không thể hủy bỏ các khoản tiền đã cam kết nhưng chưa chi trả.
Thời gian qua, nhiều công ty châu Á như LG Energy Solution và Hanwha Q Cells của Hàn Quốc; Trina Solar của Trung Quốc đã triển khai các dự án sản xuất tại Mỹ với các ưu đãi theo IRA. Tập đoàn ô tô Hyundai và công ty con Kia của Hàn Quốc cũng đã đầu tư vào lĩnh vực ô tô điện và pin xe điện tại bang Georgia và Kentucky.
“Việc bãi bỏ IRA dưới bất kỳ hình thức nào chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực tới thị trường việc làm, nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ”, nhà phân tích chính sách Jack Conness tại Energy Innovation nhận xét. "Các khoản đầu tư lớn từ Hyundai, Kia và Samsung của Hàn Quốc, cũng như Toyota của Nhật, đang tạo hàng chục nghìn việc làm cho người Mỹ và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng kinh tế quan trọng”.
Theo nguồn tin từ Reuters, ông Trump cũng có ý định rút lại các chính sách dành cho xe điện Trung Quốc và trạm sạc xe điện do các công ty Trung Quốc xây dựng ở Mỹ. Tổng thống đắc cử cũng tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động khai thác dầu trong nước và hủy bỏ lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi mà ông Biden ban hành vào đầu tháng này.