Thỏa thuận ngừng bắn: Bước ngoặt lớn cho xung đột tại Gaza
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, ngày 15/1 các bên trung gian tuyên bố Israel và Hamas đã đạt thỏa thuận ngừng bắn, hướng tới chấm dứt xung đột đã kéo dài 15 tháng qua tại Gaza khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Thỏa thuận này bao gồm 3 giai đoạn và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19/1 tới.
Thỏa thuận đạt được sau nhiều nỗ lực
Tối ngày 15/, theo giờ địa phương, Qatar, Ai Cập và Hoa Kỳ, ba nước trung gian cho đàm phán hòa bình Israel - Hamas đã ra tuyên bố chung thông báo rằng Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và trao đổi nhân sự bị bắt giữ. Tuyên bố cho biết, thỏa thuận này nhằm mục đích đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài và khôi phục hòa bình ở Dải Gaza.
"Qatar, Ai Cập và Mỹ vui mừng thông báo thành công của các nỗ lực hòa giải chung nhằm đạt được thỏa thuận giữa các bên trong cuộc xung đột ở lãnh thổ Gaza để trao đổi tù nhân, con tin và quay trở lại lệnh ngừng bắn kéo dài, đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa hai bên. Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ cung cấp một lượng lớn hàng cứu trợ nhân đạo và viện trợ cho người dân Palestine ở Dải Gaza".
Thủ tướng Qatar - Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo rằng, Israel và Hamas đã đạt được lệnh ngừng bắn, chấm dứt 15 tháng xung đột ở Gaza. Theo thông báo của Mỹ và Qatar, thỏa thuận ngừng bắn này sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1 và thực hiện theo ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu kéo dài 42 ngày, Hamas sẽ thả 33 con tin, "bao gồm tất cả phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, nam giới bị bệnh và bị thương". Trong nhóm được thả có cả hai con tin quốc tịch Mỹ. 33 con tin này được cho là còn sống, nằm trong số 94 con tin vẫn bị giữ tại Gaza kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023.
Để đổi lại, một quan chức Israel giấu tên cho biết, Israel sẽ thả "vài trăm" tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin. Trong giai đoạn đầu, lực lượng Israel sẽ rút khỏi khu vực đông dân cư ở Gaza để tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi con tin, người dân trở về nhà, tăng cường viện trợ nhân đạo đến mọi nơi ở Gaza, cũng như cải tạo các bệnh viện và trung tâm y tế.
Truyền thông Israel đưa tin ở giai đoạn đầu tiên, Israel sẽ duy trì một vùng đệm bên trong Gaza. Một nguồn tin thân cận với Hamas tiết lộ, lực lượng Israel dự kiến đóng quân ở vị trí biên giới "sâu tối đa 800 m bên trong Gaza, trải dài từ Rafah ở phía nam đến Beit Hanun ở phía bắc".
Các cuộc đàm phán về việc thực hiện giai đoạn thứ hai của thỏa thuận sẽ bắt đầu vào ngày thứ 16 của giai đoạn một. Giai đoạn hai dự kiến bao gồm việc thả tất cả con tin còn lại, tiến tới lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
Giai đoạn thứ ba sẽ giải quyết việc bàn giao tất cả thi thể con tin còn lại và bắt đầu tái thiết Gaza dưới sự giám sát của các bên trung gian là Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc.
Việc đạt được Thỏa thuận ngừng bắn lần này là kết quả cho sự nỗ lực của các bên trung gian. Trong nhiều tháng qua, các bên trung gian là Mỹ, Ai Cập, Qatar đã tổ chức nhiều vòng đàm phán tại Doha của Qatar và Cairo của Ai Cập về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào do hai bên chưa thống nhất được các điều khoản. Đến ngày 3/1, các cuộc đàm phán đã được nối lại tại Doha và có tiến triển rõ rệt khi Israel cử phái đoàn cấp cao nhất từ trước đến nay tới Qatar. Tuy nhiên, trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, giao tranh vẫn tiếp diễn. Đối với cả Israel và Hamas, thời gian qua là quá trình vừa đánh vừa đàm.
Phong trào Hamas tối 15/1 có bài thông báo trên mạng tuyên bố rằng, thỏa thuận này là “một thành tựu cho người dân Palestine, lực lượng kháng chiến và những người tự do trên thế giới” .
“Thỏa thuận này xuất phát từ trách nhiệm của chúng tôi đối với những người dân kiên nhẫn và kiên định tại Dải Gaza, với mục đích ngăn chặn hành động xâm lược của chủ nghĩa phục quốc Do Thái, chấm dứt tình trạng đổ máu, thảm sát và diệt chủng mà người dân đang phải chịu đựng”.
Tuyên bố của phong trào Hamas
Trong tuyên bố, Hamas cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các quốc gia đã đoàn kết với Gaza và đối với lập trường chính thức và phổ biến từ các quốc gia và tổ chức Ả Rập, Hồi giáo và quốc tế. Văn phòng báo chí Hamas đã kêu gọi người dân Dải Gaza không hành động trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực và hãy tìm hiểu thông tin về thời gian ngừng bắn từ các kênh chính thức.
Về phía Israel, Tổng thống Isaac Herzog cho biết, thỏa thuận này là "động thái đúng đắn".
Là Tổng thống Nhà nước Israel, tôi xin nói một cách rõ ràng nhất: đây là động thái đúng đắn, quan trọng và cần thiết. Không có nghĩa vụ đạo đức, nhân văn, Do Thái hay Israel nào lớn hơn là đưa những người con của chúng ta trở về - dù là để hồi phục tại nhà hay được an nghỉ".
Tổng thống Israel - Isaac Herzog
Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều vấn đề trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa được hoàn thiện. Nội các nước này họp bỏ phiếu vào ngày hôm nay để đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông sẽ chỉ phát biểu trước công chúng sau khi thỏa thuận được hoàn tất và ký kết.
Phản ứng của các bên về thỏa thuận ngừng bắn
Kể từ khi xung đột Israel-Palestine nổ ra vào tháng 10/2023, các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người Palestine và khiến gần 110.000 người bị thương, hàng triệu người Palestine phải đi sơ tán. Đàm phán hòa bình và vấn đề nhân đạo tại Gaza đã trở thành mối quan tâm và mong muốn thường trực của cộng đồng quốc tế. Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn đem lại hy vọng cho người dân Gaza và cũng đem lại sự thở phào nhẹ nhõm cho những người Israel có người thân đang bị giam giữ tại Gaza. Thỏa thuận này cũng nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi thông báo về lệnh ngừng bắn được đưa ra, người dân Palestine đã đổ ra đường phố ở Gaza để ăn mừng, trong bối cảnh họ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng về thực phẩm, thuốc men, nước sạch, nơi trú ẩn và nhiên liệu. Tại thành phố Khan Younis ở phía nam Gaza, đám đông tràn ra đường đã làm tắc nghẽn đường phố khi họ reo hò, vẫy cờ Palestine và nhảy múa.
“Chúng tôi sẽ trở về nhà ở Shujaiyya. Bất kỳ ai có nhà thì nên trở về, dù là ở phía Bắc, Rafah hay bất kỳ nơi nào khác. Ngay cả khi ngôi nhà bị phá hủy, chúng tôi vẫn sẽ dựng lều và ở lại. Điều quan trọng là không rời bỏ đất nước, không bị di dời”.
Bà Najia Abu - Người dân Gaza
Không khí vui mừng cũng lan tỏa đến cộng đồng người Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ai Cập, Tunisa, Yemen và Berlin, Đức.
Trong khi đó, nhiều người Israel có người thân bị giam giữ ở dải Gaza đã ra đường thắp nến chúc mừng việc đạt được thỏa thuận và cầu nguyện mọi sự tốt lành sẽ đến với người thân của họ. Sau hơn 15 tháng, vẫn chưa rõ ai trong danh sách con tin còn sống và ai đã thiệt mạng. Trong sự hân hoan vui mừng, nhiều người cũng không khỏi lo lắng về tương lai của những con tin đang bị giam giữ.
Về phía quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza. Ông Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện các cam kết, thực hiện đầy đủ thỏa thuận và đảm bảo tất cả các bên trong cuộc xung đột ngay lập tức chấm dứt bạo lực.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, Australia hoan nghênh lệnh ngừng bắn tại dải Gaza và đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo thỏa thuận.
“Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới cho người dân Israel và Palestine. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ mang đến cho người dân Palestine cơ hội để tái thiết, cải cách chính quyền của họ và theo đuổi quyền tự quyết”.
Thủ tướng Australia - Anthony Albanese
Còn người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Mathew Miller cho biết "Lệnh ngừng bắn được công bố hôm nay mở ra cánh cửa phá vỡ vòng xoáy bạo lực đã tồn tại đã lâu trong khu vực.
“Lệnh ngừng bắn này là một thành tựu quan trọng. Giờ đây, mọi người trong khu vực và tại Mỹ đều có trách nhiệm phải làm những gì có thể để biến nó thành một nền hòa bình lâu dài".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ - Mathew Miller
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Türk cho biết, tin tức về lệnh ngừng bắn ở Gaza đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm và ông kêu gọi cả hai bên thực hiện nghĩa vụ của mình một cách nhanh chóng và chân thành.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan và nhiều nước khác đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn.
Tương lai chưa chắc chắn
Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết sau nhiều tháng đàm phán gian nan, liên tục dưới sự trung gian của Ai Cập, Qatar và sự thúc đẩy của Mỹ. Tuy nhiên, trong thỏa thuận vẫn có một số điều khoản chưa thống nhất. Ngoài ra, thỏa thuận đến ngày 19/1 mới có hiệu lực. Trong thời gian này, Israel vẫn tiếp tục tiến hành không kích dải Gaza. Tất cả những điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu thỏa thuận này có thể đi đến thành công hay không?
Khi thỏa thuận gần đạt được, truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Netanyahu đã nói với một số gia đình con tin vào ngày 14/1 rằng, mục tiêu đàm phán hiện tại với Hamas là "thả tất cả các con tin", nhưng thỏa thuận chung là sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Ông cũng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này sẽ hướng tới một "lệnh ngừng bắn lâu dài" để đổi lấy việc thả toàn bộ con tin, nhưng không có nghĩa là chấm dứt chiến tranh.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Palestine, sau khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Israel đã một lần nữa tấn công một số địa điểm ở Dải Gaza vào đêm ngày 15/1, khiến 28 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù các bên đã gần như đồng ý về thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận ngừng bắn có thể được thực hiện hiệu quả hay không, liệu có một kế hoạch cụ thể và khả thi cho "quản lý hậu chiến ở Gaza" hay không và liệu thỏa thuận có thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của xung đột Israel - Hamas hay không? Sự tồn tại và dai dẳng của những mâu thuẫn cơ bản này chính là quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, việc các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn có thể là do sức ép trước sự kiện chuyển giao quyền lực tại Mỹ sắp tới. Một số phương tiện truyền thông Mỹ phân tích rằng, trước khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới của Mỹ vào ngày 20/1 tới, chính quyền Biden hy vọng đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Theo nguồn tin tiết lộ với truyền thông Israel, các quan chức chính quyền Biden đã nói với các quan chức chính phủ Israel rằng "thỏa thuận ngừng bắn phải đạt được trước ngày 20/1". Trong khi ông Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng, Hamas sẽ phải trả "cái giá rất đắt" nếu không thả những người Israel bị giam giữ trước khi ông nhậm chức.
"Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rõ ràng hầu hết người Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn, nhưng Tổng thống Biden đã từ chối hành động theo nguyện vọng của người dân Mỹ. Phải đến khi Tổng thống Trump đắc cử, mọi thứ mới thực sự thay đổi. Trước áp lực mà ông ấy gây ra cho tất cả các bên liên quan, Tổng thống Biden mới muốn chấm dứt điều này trước khi ông rời nhiệm sở. Tôi nghĩ tất cả những yếu tố đó kết hợp lại cuối cùng đã đưa chúng ta đến thời điểm mà một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết”.
Ông Edward Ahmed Mitchell - Phó Giám đốc Hội đồng về quan hệ Mỹ - Hồi Giáo
Thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được dưới sự thúc đẩy của Tổng thống Biden, nhưng việc thực hiện lại dưới sự giám sát của chính quyền Donald Trump. Các chuyên gia nhận định, với sự thay đổi bất thường của ông Trump và những toan tính của chính phủ Thủ tướng Netanyahu, tương lai của thỏa thuận ngừng bắn này vẫn là một điều chưa thể chắc chắn.
Thỏa thuận ngừng bắn là thành công đạt được trước mắt của các bên để hướng tới hòa bình cho dải Gaza. Tuy nhiên, về lâu dài, cộng đồng quốc tế nhìn chung tin rằng "giải pháp hai nhà nước" là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Gaza. Nghĩa là, thành lập một nhà nước Palestine độc lập với chủ quyền đầy đủ và Đông Jerusalem là thủ đô, để người dân Palestine và Israel có thể chung sống hòa bình và đem lại sự ổn định cho các quốc gia và khu vực ở Trung Đông.