Át chủ bài trong 'nước cờ cuối cùng' của châu Âu ở Ukraine
Hiện tại, không chỉ Ukraine lo ngại ông Trump sẽ đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn có lợi cho phía Nga. Các nước châu Âu cũng lo ngại điều này bởi một hiệp ước với các điều khoản bất lợi cho Ukraine cũng sẽ không tốt cho an ninh của họ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump nhiều lần cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine. Lý do là vì ông không muốn Mỹ phải trả tiền để bảo vệ một quốc gia châu Âu xa xôi.
Nếu châu Âu tìm ra nguồn tiền để viện trợ cho Ukraine, có thể từ 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga mà phương Tây đã đóng băng khi xung đột bắt đầu, thì Tổng thống sắp tới của Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin với các điều khoản có lợi cho Kiev.
Hiện tại, không chỉ Ukraine lo ngại ông Trump sẽ đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn có lợi cho phía Nga. EU, Vương quốc Anh và các quốc gia châu Âu khác cũng lo ngại điều này bởi một hiệp ước với các điều khoản bất lợi cho Ukraine cũng sẽ không tốt cho an ninh của họ. Đó là động lực để châu Âu thuyết phục ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận tốt cho Kiev.
Nếu châu Âu chứng minh cho “bậc thầy đàm phán” thấy rằng họ có thể tìm được nguồn tiền hỗ trợ Ukraine trong trường hợp xung đột kéo dài, thì ông Trump sẽ có lý do để tìm ra một thỏa thuận như vậy.
Có một cách để ông Trump gây áp lực lên Nga. Ông có thể nói với Tổng thống Putin rằng phương Tây sẵn sàng rót thêm rất nhiều nguồn lực tài chính, quân sự để Ukraine có thể giữ vững tiền tuyến, rằng cuối cùng Nga sẽ hết cả người lẫn tiền và việc chấp nhận thỏa thuận ngay bây giờ cũng là vì lợi ích của Nga.
Đây gần như là cách tiếp cận mà ông Trump nói là ông sẽ thực hiện để chấm dứt xung đột trong 24 giờ. Đây cũng sẽ là cơ hội để chứng minh cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” mà ông đã cam kết trong phát biểu chiến thắng bầu cử đầu tháng 11.
Châu Âu sẽ tìm đâu ra 300 tỷ USD cho Ukraine?
Để kế hoạch này có hiệu quả, châu Âu sẽ cần phải cam kết một khoản tiền lớn ngay từ đầu, khoảng 300 tỷ USD. Con số này đủ để hỗ trợ Ukraine trong 3 năm.
Một khoản tiền như vậy không chỉ chứng minh với ông Trump rằng châu Âu cuối cùng cũng đã gánh vác trọng trách của họ ngay trên sân nhà. Nó cũng có thể khiến Tổng thống Nga Putin nhận thấy rằng Ukraine có thể chống chịu được một cuộc chiến tiêu hao.
Một cam kết kéo dài 3 năm cũng sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây mở rộng quy mô sản xuất, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho chính họ.
Về lý thuyết, các nước châu Âu có thể chỉ cần đảm bảo có thể cung cấp cho Ukraine khoản tiền viện trợ lớn, phần việc còn lại sẽ là của Mỹ. Con số 300 tỷ USD cũng chỉ tương đương 0,4% tổng sản lượng kinh tế của EU và Vương quốc Anh cộng lại. Nhưng vào thời điểm ngân sách eo hẹp và vẫn còn nhiều ưu tiên khác, các nước châu Âu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi tìm ra một khoản tiền như vậy.
Một trong các giải pháp là huy động tài sản của ngân hàng trung ương Nga mà các nước phương Tây đã đóng băng từ năm 2022. Phần lớn trong số này (khoảng 220 tỷ USD) nằm ở các nước EU.
Tuy nhiên quan chức, đặc biệt là ở Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu, lâu nay vẫn miễn cưỡng tịch thu các khoản dự trữ đó. Họ lo ngại rằng điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và khiến các quốc gia khác tránh xa đồng euro.
Một giải pháp khác hợp lý hơn việc tịch thu sẽ là khoản vay bồi thường. Theo kế hoạch này, nhóm G7 sẽ cho Ukraine vay 300 tỷ USD. Đổi lại, Kiev sẽ cam kết yêu cầu Moscow bồi thường cho hậu quả của xung đột. Nếu Điện Kremlin từ chối trả tiền, các nước G7 sẽ thừa hưởng yêu cầu bồi thường đối với Nga và trừ vào số tài sản bị đóng băng, khoản tiền này sau đó sẽ là của G7.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, cũng cần phải điều chỉnh để tính đến thực tế là G7 đã đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tiễn lãi thu được trên các tài sản bị đóng băng của Nga.
EU sẽ cung cấp phần lớn khoản vay vì các thành viên của EU đang nắm giữ hầu hết số tài sản bị đóng băng của Nga. Mỹ sẽ chỉ góp một phần vào khoản vay đó, khoảng 5 tỷ USD hoặc tương đương số tài sản của Nga mà Washington đang nắm giữ để thể hiện sự đoàn kết và giảm thiểu mối đe dọa đối với đồng euro.
Nước cờ chốt hạ tất tay
Với việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng và Ukraine đang ở thế bất lợi trên chiến trường, giờ là lúc cần phải đưa ra quyết định. Nếu châu Âu không tìm được tiền cho Ukraine, họ sẽ ở trong tình thế tệ hơn cả về mặt chiến lược và tài chính.
Cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 2/2025 cũng là một yếu tố mà châu Âu phải cân nhắc. Nhà lãnh đạo trung hữu Friedrich Merz, người được cho là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo, có cách tiếp cận cứng rắn hơn so với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz trong việc ủng hộ Ukraine.
Nếu châu Âu cam kết chi tiền, phần còn lại sẽ phụ thuộc vào việc ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận tốt với ông Putin hay không.
Tiền tuyến ở Ukraine có lẽ sẽ không thay đổi nhiều. Vấn đề chính trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào cũng sẽ là Ukraine được đảm bảo an ninh ra sao sau lệnh ngừng bắn.
Một lệnh ngừng bắn với các đảm bảo an ninh đáng tin cậy sẽ phép khoảng 80% lãnh thổ Ukraine hiện không bị Nga kiểm soát vẫn được tự do và có chủ quyền. Cuối cùng, Ukraine có thể gia nhập EU và xây dựng lại nền kinh tế.
Ngược lại, một thỏa thuận có lợi cho Nga sẽ khiến Ukraine rơi vào thế yếu mọi bề và đó cũng là kịch bản mà các nước châu Âu không bao giờ mong muốn.