Xây dựng một châu Âu có thể tự bảo vệ

Các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần tăng chi tiêu quốc phòng lên tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bởi đây là mức có thể giúp châu Âu triển khai các kế hoạch an ninh tốt hơn.

Nhận định này của giới chức NATO cho thấy, việc xây dựng một châu Âu có thể tự bảo vệ mình và phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng trong tương lai đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Xe tăng Leopard 2PL của Ba Lan tham gia một cuộc duyệt binh.

Xe tăng Leopard 2PL của Ba Lan tham gia một cuộc duyệt binh.

Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO kêu gọi các quốc gia thành viên chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mức 2% GDP đã cam kết; đồng thời cảnh báo kế hoạch phòng thủ của liên minh sẽ không thể hoàn thành nếu các quốc gia thành viên không đầu tư nhiều hơn cho quân đội. Ông Rob Bauer khẳng định, để thực hiện các kế hoạch mới, tỷ lệ chi cho quốc phòng trong GDP phải đạt gần 3%, thay vì 2% như đã thỏa thuận năm 2014.

Theo Đô đốc Rob Bauer, sau khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng sẽ có những cuộc thảo luận "căng thẳng hơn" về việc châu Âu và Canada sẽ phải chi bao nhiêu cho quốc phòng. Đặc biệt, trong bối cảnh những bước tiến của quân đội Nga ở Ukraine đang mang lại ưu thế cho Tổng thống Vladimir Putin và mâu thuẫn giữa Nga với các nước châu Âu ngày càng gia tăng, việc tăng chi tiêu quốc phòng phải được giải quyết nhanh chóng.

Ông Donald Trump muốn nâng cao tiêu chuẩn cho NATO khi cam kết, nếu quay trở lại Nhà Trắng sẽ thúc đẩy các thành viên liên minh tăng ngân sách quốc phòng từ 2% đến 3% GDP. Năm 2014, các thành viên NATO đã nhất trí về mục tiêu 2% GDP để duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của liên minh. Sau 10 năm thực hiện, năm 2024, có 23/32 quốc gia thành viên đạt hoặc vượt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, trong đó, Ba Lan, Estonia, Mỹ, Latvia và Hy Lạp vượt ngưỡng 3% GDP. Nhiều quốc gia châu Âu đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ cho việc hiện đại hóa quân đội, như Cộng hòa Séc, đang có khoản nợ lên tới 600 tỷ CZK (khoảng 25 tỷ USD).

Sau hơn 2 năm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mức độ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn của NATO vẫn ở mức thấp. Cam kết về mục tiêu 2% GDP được đưa ra để ứng phó với việc Nga sáp nhập Crimea cách đây một thập kỷ, nhưng hiện tại châu Âu phải đối mặt với cuộc xung đột trực tiếp từ Nga. Điều này có nghĩa là các nước châu Âu phải làm nhiều hơn so với những năm Chiến tranh Lạnh để nhanh chóng xây dựng năng lực phòng thủ.

Trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga đã chuyển đổi phần lớn nền kinh tế của mình sang kinh tế thời chiến và tăng chi tiêu quân sự thêm khoảng 6% vào năm 2023 và 2024. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu Mátxcơva tiếp tục những nỗ lực quân sự, quân đội của nước này có thể thử thách các nước liên minh châu Âu và Điều 5 của Hiệp ước NATO. Nếu các chính phủ châu Âu muốn đối phó với một kịch bản như vậy, họ phải hành động nhanh chóng và ưu tiên ngân sách phù hợp.

Cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc nhở các nước phương Tây phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để bảo đảm an ninh và khả năng răn đe của chính mình. Mỹ luôn chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh, đã quen với việc chi hơn 10% ngân sách để duy trì năng lực quốc phòng. Nga cũng đã dành hơn 10% ngân sách cho chi tiêu quân sự trong 20 năm qua và đã tăng tỷ lệ này lên gần 16% vào năm 2023 cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, tại châu Âu, các chính phủ cho thấy sự khác nhau trong việc điều chỉnh ngân sách để ứng phó với mối đe dọa mới ở sườn phía Đông. Một số nước đã ưu tiên ngân sách cho quốc phòng như Ba Lan ở mức 4,12% GDP trong năm 2024 và dự kiến lên tới 4,5% GDP trong năm 2025. Nhưng cũng có những nước Tây Âu ít thay đổi trong ngân sách quốc phòng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha Ana Isabel Xavier cũng thừa nhận: “Thực tế là Bồ Đào Nha, vào thời điểm này, vẫn chưa đạt được 2% GDP. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều đó vào năm 2029”.

Châu Âu có tự chủ hơn hay không sẽ phụ thuộc vào việc các nước có ưu tiên ngân sách quốc phòng hay không? Nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), ông Franz-Stefan Gady nhận định, sau chiến thắng của ông Donald Trump, các thành viên NATO ở châu Âu sẽ tăng tốc chi tiêu quốc phòng để chứng minh họ đang thực sự làm gì đó để bảo vệ mình. Các cuộc thảo luận đang dần hướng tới ngưỡng chi tiêu quốc phòng mới, với tỷ lệ 3% GDP. Đây có thể sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới tại La Haye, Hà Lan.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xay-dung-mot-chau-au-co-the-tu-bao-ve-685689.html
Zalo