Ðất 'Chín Rồng' bước vào kỷ nguyên mới
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Khi điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ bằng những công trình thế kỷ, đã và đang 'vượt sông, băng đồng', tạo nên sự kết nối, sức bật mới, để vùng đất này bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đã có tuyến cao tốc vận hành hiệu quả, đầy tự hào, gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; các cây cầu: Cần Thơ, Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cao Lãnh... Và nay, đại công trường trên vùng đất Cửu Long đang rộn ràng trong khí thế thi đua hăng say, sớm hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc trục ngang, trục dọc.
“Bằng mọi giá phải hoàn thành công trình vào cuối năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm về thời gian đưa vào vận hành tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, bởi đó là thời cơ, khát vọng, là mệnh lệnh nên không thể chậm, không thể chờ.
Giao thông bộ mở đường sẽ kéo theo phát triển logistics, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra không gian phát triển mới, đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ vùng ÐBSCL.
Khu vực ÐBSCL hiện đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; Dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm 2 dự án thành phần; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án cầu Ðại Ngãi.
Ðiều đáng mừng là đã có 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Riêng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 và sau 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km và 2 dự án cầu, đường bộ.
Với tinh thần “3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc, vì thế cần tăng tốc thi công, sớm hoàn thiện công trình, đưa vào vận hành hiệu quả, trong đó có những dự án, công trình trọng điểm tại ÐBSCL, như là món quà dâng lên Ðại hội lần thứ XIV của Ðảng, tạo nền tảng vững chắc, động lực cổ vũ to lớn, là sức mạnh động viên cả nước cùng hăng say thi đua trên mọi lĩnh vực, là cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Lâm Minh Diện