ASEAN vượt qua 'cơn bão kinh tế'?
Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên với mức độ tàn phá nghiêm trọng, các nước ASEAN cần có chiến lược để bảo vệ tiềm năng kinh tế trước những 'khủng hoảng khí hậu'. Tương lai của khu vực phụ thuộc vào khả năng tăng cường cơ sở hạ tầng, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy những hành động tập thể trong cuộc chiến cam go này.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Năm 2024, cùng nhau, các nước ASEAN đã đạt được vị trí nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2040, khu vực này sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nước Đông Nam Á. Ảnh: reinasia
Tăng trưởng của Đông Nam Á chủ yếu nhờ xuất khẩu. Lực lượng lao động trẻ, có trình độ và kỹ năng, hiệu quả về chi phí, khiến khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Trong xu hướng “Trung Quốc cộng một” của nhiều quốc gia, các tập đoàn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, ASEAN đã nhanh chóng trở thành điểm đến tiềm năng, giúp khu vực gia tăng đáng kể tỷ trọng xuất khẩu. Bản thân Trung Quốc cũng đang thực hiện các khoản đầu tư sản xuất đáng kể vào khu vực này.
Vị trí địa lý: lợi thế và nhược điểm
Vị trí địa lý của Đông Nam Á mang lại ưu thế đáng kể cho hoạt động xuất khẩu. Khu vực này có đường bờ biển dài kết nối các tuyến thương mại hàng hải giữa Đông Á, Trung Đông và châu Phi. Với vị trí địa chiến lược đó, Đông Nam Á là một trung tâm sản xuất và hậu cần đang phát triển nhanh chóng.
Thật không may, lợi thế địa lý của khu vực lại đi kèm với những bất lợi đáng kể về khí hậu. Đông Nam Á nằm ở lưu vực phía tây bắc Thái Bình Dương, lưu vực hoạt động mạnh nhất thế giới, tạo ra 30% tổng số các cơn bão nhiệt đới. Từ năm 1970 đến năm 2019, khoảng một nửa số cơn bão nhiệt đới ở lưu vực phía tây bắc Thái Bình Dương đã đổ bộ vào Đông Nam Á. Một số khu vực của Đông Nam Á nằm trong "Vành đai bão", với Philippines là nơi có số lượng cơn bão đổ bộ thường xuyên nhất trong khu vực và thế giới.
Tính dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu
Vị thế kinh tế toàn cầu của Đông Nam Á trong tương lai phải được xem xét dưới góc độ dễ bị tổn thương của khu vực trước các cơn bão nhiệt đới, vốn được dự đoán sẽ gia tăng về tần suất và cường độ trong suốt thế kỷ XXI. Thống kê từ năm 1987 - 2016 cho thấy, thiệt hại kinh tế do bão ở khu vực Đông Nam Á lên tới 32 tỷ USD. Sự gián đoạn kinh tế ở khu vực đã lan rộng ra ngoài khu vực do vị trí của Đông Nam Á trong chuỗi giá trị toàn cầu với mối liên kết chặt chẽ ở cả thượng nguồn và hạ nguồn.

Bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nước ASEAN. Ảnh: Iran Press
Tăng trưởng xuất khẩu ở các nước Đông Nam Á chủ yếu được thúc đẩy bởi sản xuất điện tử. Rủi ro của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể gây gián đoạn hoạt động cho các nhà máy sản xuất, hạ tầng giao thông, logistics.
Bão Haiyan năm 2013 ở Philippines đã gây ra thiệt hại lớn cho các sân bay, bến cảng và đường giao thông, làm tê liệt hoạt động kinh doanh và cản trở phản ứng khẩn cấp trong nhiều tuần. Năm 2024, bão Yagi đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và ngành hậu cần của Việt Nam, khiến cả Chính phủ và các nhà phân tích độc lập phải hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm.
Ngoài hàng điện tử, các mặt hàng xuất khẩu chính của Đông Nam Á thường là kim loại, khoáng sản, hàng dệt may và nông sản. Sản xuất nông nghiệp thượng nguồn rất dễ bị tổn thương do bão, ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung của các sản phẩm hạ nguồn.
Khoảng 98% doanh nghiệp ở Đông Nam Á là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đóng góp 66% tổng số việc làm, 415 hoạt động kinh tế khu vực và 13% xuất khẩu. Một bộ phận đáng kể trong số này là những hộ nông dân sản xuất nhỏ, nhiều người trong số họ sống trong cảnh nghèo đói và thường phải chịu tổn thất hoàn toàn khi các trận lũ hoặc bão qua đi. Mặc dù mỗi doanh nghiệp đều rất nhỏ, nhưng đóng góp kinh tế tập thể của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tạo nên hoặc phá vỡ hoạt động chuỗi giá trị toàn cầu hạ nguồn, cuối cùng ảnh hưởng đến các thị trường chính của Đông Nam Á.
Cần xây dựng cơ chế phối hợp
Với vị trí là một trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ASEAN phải đối mặt với những thách thức đặc biệt khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của các cơn bão nhiệt đới, tàn phá cơ sở hạ tầng và làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu khu vực này muốn duy trì vị thế kinh tế toàn cầu của mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần phải xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn và phối hợp nhuần nhuyễn với nhau hơn. Cho đến nay, Liên minh châu Âu đã cho thấy họ là kiểu mẫu trong hợp tác và hành động tập thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các nước lá cờ đoàn kết các quốc gia thành viên trên cơ sở một chiến lược giảm thiểu rủi ro khí hậu chung, có các ràng buộc pháp lý với các mục tiêu cụ thể, có thời hạn. Trong khi đó, liên kết trong ASEAN lỏng lẻo hơn và nguyên tắc ưu tiên cho hợp tác tự do. Điều này sẽ cần được điều chỉnh để các nước ASEAN có được sự phối hợp đồng bộ hơn.
Cần cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu
Bên cạnh đối thoại, khu vực này cần khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các ngành công nghiệp bền vững và sửa đổi các mô hình tài chính để hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ.
Khu vực cũng cần tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến đa phương để chống lại các rủi ro khí hậu chung. Động lực thúc đẩy khu vực này hợp tác hướng tới các kết quả khí hậu hữu hình có thể đến từ các đối tác bên ngoài của khu vực như Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các đối tác khác như Hoa Kỳ và Australia cũng đang hướng tới các sáng kiến song phương nhỏ. Điều này khuyến khích nhiều quốc gia Đông Nam Á hợp tác giải quyết các vấn đề chung, chẳng hạn như các vấn đề khí hậu ở sông Mekong ảnh hưởng đến Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN có thể áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống phối hợp để giảm thiểu rủi ro bảo vệ dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và thông tin trong các chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng phục hồi. Khả năng của Đông Nam Á trong việc thực hiện lời hứa về vị thế kinh tế toàn cầu của mình phụ thuộc rất lớn vào việc khu vực này làm sao để vượt qua được những cơn bão của cuộc khủng hoảng khí hậu trong tương lai.