ASEAN tăng cường hợp tác tình báo quốc phòng

Hợp tác tình báo quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN là một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác quân sự, quốc phòng ASEAN và thuộc trụ cột chính trị - an ninh của Cộng đồng ASEAN nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác vì hòa bình, an ninh và tự cường ở khu vực.

Nhấn mạnh các cơ chế hợp tác tình báo quốc phòng

Các quan chức quân sự cấp cao của các quốc gia thành viên ASEAN cùng đại diện Timor Leste đã có các cuộc gặp, làm việc ngày 3-9 tại Thủ đô Vientiane của Lào, nước Chủ tịch ASEAN năm 2024. Đó là hội nghị người đứng đầu tình báo quân đội các nước ASEAN lần thứ 21 (AMIM-21) với sự tham dự của người đứng đầu tình báo quân đội 10 nước ASEAN cùng đại diện Timor Leste tham dự với tư cách quan sát viên; Hội nghị Cục trưởng Tác chiến ASEAN lần thứ 14 (AMOM-14).

Hội nghị những người đứng đầu tình báo quân đội các nước ASEAN lần thứ 21 tại Thủ đô Vientiane (Lào)

Hội nghị những người đứng đầu tình báo quân đội các nước ASEAN lần thứ 21 tại Thủ đô Vientiane (Lào)

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu các quốc gia thành viên có chung nhận định rằng, ASEAN là một trong những khu vực có chiến lược quan trọng cả về địa chính trị, quân sự và kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tình hình khu vực và thế giới hiện đang có những mối đe dọa, thách thức an ninh cũ và mới, tác động trực tiếp và gián tiếp tới hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực.

Trong những năm tới, theo nhìn nhận, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn... Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan; cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt.

Theo đó, tình hình thế giới và khu vực có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đòi hỏi ASEAN cần phải tiếp tục hợp tác để giải quyết những thách thức đó. Vì thế, với chủ đề “ASEAN hợp tác vì hòa bình, an ninh và tự cường”, đại biểu các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau trao đổi quan điểm về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo quân sự/quốc phòng ASEAN, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác vì hòa bình, an ninh và tự cường ở khu vực, phù hợp với quan điểm và tinh thần chung của Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các hội nghị liên quan được tổ chức trong năm.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng tập trung thảo luận và trao đổi quan điểm về tình hình nổi bật trong khu vực, quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN trong khuôn khổ quân sự/quốc phòng, đặc biệt là trên lĩnh vực tình báo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác chuyên ngành như Chương trình giao lưu tình báo trẻ ASEAN (AJIIP), ASEAN con mắt chúng ta (AOE), Cộng đồng tình báo quân sự/quốc phòng ASEAN (AMIC). Qua đó, tiếp tục tăng cường năng lực, lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau trong việc ứng phó với những thách thức an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Tại các hội nghị AMIM-21 và AMOM-14, các đại biểu đã đánh giá và trao đổi quan điểm về tình hình nổi bật trong khu vực và quan hệ hợp tác trong công tác quốc phòng và quân sự của ASEAN nhằm tăng cường năng lực, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau giữa quân đội của các nước thành viên ASEAN trong việc đối phó với những thách thức về an ninh hiện tại và trong tương lai, vừa góp phần duy trì hòa bình, an ninh và sự vững mạnh của khu vực. Cùng với đó, các hội nghị cũng đã xem xét và thống nhất đối với dự thảo Kế hoạch hoạt động của hợp tác quốc phòng ASEAN trong giai đoạn 2024-2026, gồm các hội nghị và hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, ASEAN+ và Hội nghị Tư lệnh quốc phòng ASEAN và thảo luận về các vấn đề khác liên quan, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác về quốc phòng ASEAN.

Một thành tố của trụ cột chính trị - an ninh của Cộng đồng ASEAN

Cơ chế hợp tác tình báo quốc phòng các nước thành viên ASEAN ra đời và lần đầu tiên được tổ chức tại Malaysia vào năm 2002 với tên gọi Hội nghị không chính thức những người đứng đầu Tình báo Quốc phòng các nước ASEAN (AMIIC). Đến nay, hội nghị đã trải qua 21 kỳ họp thường niên và phát triển thành Hội nghị AMIM từ năm 2019.

Hợp tác tình báo quốc phòng các nước ASEAN là một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác quân sự, quốc phòng ASEAN, thuộc trụ cột chính trị - an ninh của Cộng đồng ASEAN. Trong những năm qua, lĩnh vực hợp tác này đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với việc thiết lập được nhiều cơ chế và sáng kiến hợp tác cả song phương và đa phương, qua đó tạo môi trường và điều kiện thuân lợi cho các nước trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu nắm bắt các diễn biến của tình hình, phục vụ cho việc hoạch định chính sách, triển khai các kế hoạch ứng phó với những thách thức an ninh trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, Hội nghị AMIM và Hội nghị AMOM đã và đang làm tốt vai trò thư ký của Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM).

Xuất phát từ nhu cầu đoàn kết, hợp tác để bảo vệ lợi ích quốc gia và cùng nhau đối phó với các thách thức của khu vực, nên ngay từ khi thành lập ASEAN năm 1967 đến nay, hợp tác chính trị - an ninh luôn là nội dung quan trọng hàng đầu của ASEAN. Trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-9 diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 9-2003, Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) được xác định là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm “đưa hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, để các quốc gia trong khu vực sống hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp.

ASC, sau này được đổi tên thành Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), là bước phát triển cao hơn của các nỗ lực hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN. Các hoạt động cụ thể nhằm xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN được đề ra trong các chương trình lớn của ASEAN như Chương trình hành động Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC POA) năm 2004; Chương trình hành động Vientiane (VAP) năm 2004 và Kế hoạch tổng thể APSC 2009-2015. Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 năm 2009 xác định 3 thành tố chính của APSC gồm: Xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung; Tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện; và hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc.

Các lĩnh vực hợp tác trong trụ cột Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN ngày càng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu như: Hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng (ADMM+) với 8 Đối tác; hợp tác đảm bảo an ninh biển được thúc đẩy theo khuôn khổ Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)….

Nhằm củng cố và duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, ASEAN không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi với các Đối tác, thúc đẩy và làm phong phú các diễn đàn đối thoại và hợp tác ở khu vực do ASEAN chủ trì như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…, tạo điều kiện khuyến khích các đối tác tham gia đóng góp tích cực, xây dựng, trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu và nguyên tắc quan hệ mà ASEAN đã đề ra, đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ ASEAN tăng cường liên kết và xây dựng Cộng đồng với ba trụ cột chính gồm Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/asean-tang-cuong-hop-tac-tinh-bao-quoc-phong-post588184.antd
Zalo