Loạt video hiện trường cho thấy hậu quả nghiêm trọng từ trận lũ lịch sử ở Tây Ban Nha
Mưa lớn gây ra lũ lụt kinh hoàng ở Tây Ban Nha đã dẫn tới thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ năm 1967, không chỉ tàn phá nhiều khu vực, mà đã khiến ít nhất 211 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.
Những trận mưa xối xả hôm 29/10 với lượng mưa trong một ngày bằng cả lượng mưa cả một năm đã tàn phá miền Nam và miền Đông Tây Ban Nha. Mưa lớn gây ra lũ lụt phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng thành phố Valencia, cuốn trôi cầu, đường và đường ray xe lửa, đồng thời nhấn chìm đất nông nghiệp ở một khu vực trồng các loại cây có múi chính tại Tây Ban Nha.
Xem video lũ lụt tàn phá một con phố ở Valencia, Tây Ban Nha. Nguồn: Reuters
Những hình ảnh phát sóng trên truyền hình còn cho thấy lũ quét đã tràn qua thị trấn Letur thuộc tỉnh Albacete ở phía Đông Nam Tây Ban Nha, cuốn trôi xe cộ và gây ngập nặng. Nước lũ còn làm vỡ đê sông Magro, khiến nước tràn vào làm ngập nhiều ngôi nhà, với mực nước cao tới 3m.
Xem video ô tô mắc kẹt chồng lên nhau trong khu vực bị ngập lụt ở Valencia và những trang trại bị ngập lụt tại Malaga, Tây Ban Nha. Nguồn: Reuters
Trận lũ quét hôm 29/10 được coi là chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha, khiến ít nhất 211 người thiệt mạng.
Số nạn nhân khả năng sẽ tiếp tục tăng do còn nhiều người mất tích và chưa thể xác định con số cụ thể khi hệ thống liên lạc vẫn bị hư hỏng nặng.
Thảm kịch này đã trở thành thảm họa liên quan đến lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ năm 1967, khi ít nhất 500 người thiệt mạng ở Bồ Đào Nha.
Xem video quay từ thiết bị bay không người lái cho thấy hàng chục chiếc ô tô chồng lên nhau trên đường ray xe lửa ở Paiporta, Tây Ban Nha sau trận lũ lụt lịch sử. Nguồn: Reuters
Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã triệu tập cuộc họp Nội các khẩn cấp, khẳng định ưu tiên tuyệt đối là hỗ trợ người dân và chính phủ sẽ “không bỏ rơi” bất kỳ người dân nào, đồng thời kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác khi tình huống khẩn cấp vẫn tiếp diễn.
Ông Sanchez cho biết chính phủ sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các cuộc tìm kiếm và dọn dẹp, bao gồm việc gửi thêm 5.000 binh sĩ bên cạnh 2.500 binh sĩ đã được triển khai.
Đây là lần triển khai các lực lượng vũ trang lớn nhất trong thời bình tại Tây Ban Nha.
Xem video các phương tiện mắc kẹt đang được lực lượng cứu hộ kéo khỏi đường hầm ở Alfafar để kiểm tra xem có nạn nhân bên trong hay không. Nguồn: Reuters
Các nhà khoa học cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng phổ biến hơn ở châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng là do biến đổi khí hậu. Sự nóng lên của Địa Trung Hải đã làm gia tăng hiện tượng bốc hơi nước, đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho các cơn mưa lớn trở nên nghiêm trọng hơn và có sức tàn phá lớn hơn.