Armenia đình chỉ hiệp ước an ninh tập thể với Nga
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo đình chỉ tham gia Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) khối liên minh an ninh 6 nước Liên Xô cũ do đồng minh Nga dẫn đầu, do những căng thẳng với nước láng giềng Azerbaijan.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24 đăng ngày 22/2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Yerevan ngày càng không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
“Chúng tôi tin rằng, trong trường hợp của Armenia, hiệp ước đã không được thực thi, đặc biệt là giai đoạn 2021-2022, và điều này không thể bỏ qua. Chúng tôi đã tạm đình chỉ tham gia vào hiệp ước này và sẽ xem xét chuyện gì xảy ra tiếp theo”, Thủ tướng Pashinyan tuyên bố.
Khi được hỏi về khả năng đóng căn cứ quân sự của Nga ở Armenia, ông Pashinyan cho biết: “Tại thời điểm này thì không phải vậy”.
CSTO được thành lập vào năm 1992, gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Hiến chương của CSTO quy định các nước thành viên kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa. Các hành động gây hấn, tấn công nhằm vào một trong số các nước thành viên CSTO đồng nghĩa là tấn công cả khối.
Nga và CSTO chưa bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Armenia.
Theo RT, quan hệ Nga – Armenia đã trở nên xấu đi trong thời gian qua, khi Yerevan cho rằng Moscow không thể ngăn Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng hồi tháng 9/2023 để giành kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh.
Cuộc tấn công của Baku đã khiến hơn 100.000 người dân gốc Armenia sinh sống trong khu vực này phải sơ tán. Cùng năm, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó lưu ý rằng quân đội Moscow chỉ có thể tuân thủ lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Armenia cũng bắt đầu từ chối tham dự một số sự kiện và cuộc tập trận quân sự của CSTO vào năm 2023. Tuy nhiên, ông Pashinyan khi đó cho biết Yerevan không có kế hoạch chính thức cắt đứt quan hệ với khối. Mặt khác, ông kêu gọi khối và lãnh đạo Nga ủng hộ Armenia trong căng thẳng với Azerbaijan và lên án “sự hung hăng” của nước này trong khu vực.
Ngày 1/2, Armenia đã chính thức gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), bất chấp động thái này từng bị Moscow chỉ trích là “không thân thiện”. ICC hồi tháng 3/2023 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì các cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã bác bỏ những cáo buộc này và tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của ICC. Armenia hiện có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân tới lãnh thổ nước này.