Apple vừa lách qua khe cửa hẹp

Dù chính sách có thể thay đổi, việc miễn thuế smartphone của chính quyền Mỹ giúp Apple tạm thời thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Tối 12/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố miễn trừ nhiều thiết bị điện tử khỏi thuế quan. Trước đó, chính sách thuế quan và thuế đối ứng dành cho nhiều quốc gia, đặc biệt là 125% với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, khiến giới công nghệ hỗn loạn.

Nếu thuế quan có hiệu lực, các công ty như Apple phải đối mặt áp lực tăng giá sản phẩm. Trong khi đó, chính sách mới giúp các thiết bị như iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirTag không còn bị áp thuế nặng nề khi nhập khẩu vào Mỹ.

Theo giới phân tích, động thái miễn thuế của chính quyền ông Trump giúp Apple tránh khỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ đại dịch, dù mọi thứ có thể chỉ là tạm thời.

Lãnh đạo Apple "thở phào"

Hiện tại, các công ty vẫn chịu thuế 20% áp dụng với hàng hóa Trung Quốc liên quan đến fentanyl. Dù ông Trump có thể công bố thuế quan riêng cho từng mặt hàng, động thái tạm thời miễn thuế vẫn đánh dấu chiến thắng cho Apple và ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, vốn phụ thuộc vào nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc.

“Đây là sự nhẹ nhõm lớn đối với Apple. Thuế quan có thể gây lạm phát về chi phí vật liệu”, nhà phân tích Amit Daryanani từ Evercore ISI cho biết.

Trước khi có lệnh miễn trừ, Apple đã đối phó thuế quan bằng cách tăng cường nhập khẩu iPhone từ Ấn Độ, quốc gia chịu thuế đối ứng thấp hơn Trung Quốc. Lãnh đạo công ty cho rằng đây là giải pháp tránh thuế quan và tăng giá trong ngắn hạn.

Ấn Độ dự kiến sản xuất hơn 30 triệu iPhone mỗi năm. Theo Bloomberg, con số này đủ đáp ứng phần lớn nhu cầu tại Mỹ. Hiện tại, Apple bán khoảng 220-230 triệu iPhone hàng năm, với khoảng 1/3 doanh số đến từ Mỹ.

Dù vậy, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ không hề đơn giản, đặc biệt khi Apple gần đến giai đoạn sản xuất iPhone 17 – thiết bị dự kiến lắp ráp chủ yếu ở Trung Quốc.

 Dòng iPhone 16 được trưng bày trong một cửa hàng của Apple. Ảnh: Reuters.

Dòng iPhone 16 được trưng bày trong một cửa hàng của Apple. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, nỗi sợ về tác động của thuế quan lên kế hoạch ra mắt iPhone 17 bủa vây bộ phận vận hành, tài chính và marketing của Apple.

Nếu thuế quan vẫn áp dụng, Apple chỉ có vài tháng chuyển thêm sản lượng lắp ráp iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc quốc gia khác. Công ty cũng đối mặt nhiều lựa chọn khó khăn, kể cả tăng giá sản phẩm để giữ biên lợi nhuận.

Điều này còn đặt ra bài toán khó cho bộ phận marketing, khi phải thuyết phục người dùng cảm thấy xứng đáng với mức giá đắt hơn.

Tất nhiên, chính sách của ông Trump vẫn có thể thay đổi trong tương lai gần, đặt ra thách thức cho Apple và nhiều hãng công nghệ. Dù vậy, ban lãnh đạo của Táo khuyết có thể “thở phào” ít nhất trong thời điểm này.

Tim Cook còn chiến lược gì?

Đây không phải lần đầu ông Trump miễn thuế sản phẩm công nghệ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống đã miễn thuế một số thiết bị Apple nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 200 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Cook đã thuyết phục chính quyền không áp thuế iPhone, AirPods và Apple Watch.

Tim Cook là một trong những lãnh đạo công nghệ tích cực "lấy lòng" ông Trump. Theo New York Times, CEO Apple đã quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của tổng thống hồi tháng 1. Ông cũng đến Nhà Trắng và tuyên bố khoản đầu tư 500 tỷ USD của Táo khuyết vào Mỹ trong 4 năm tới.

Đây cũng là chiến lược được Cook lựa chọn trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Để giải tỏa áp lực từ chính quyền, Cook đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với tổng thống.

Dù vậy, chưa rõ ông Trump có ưu tiên Apple trong giai đoạn này hay không, đặc biệt khi thuế quan có quy mô lớn và nghiêm ngặt hơn. Các nhà phân tích Phố Wall ước tính iPhone có thể đắt hơn 1.000-1.600 USD nếu thuế quan có hiệu lực.

 Tỷ lệ đóng góp doanh thu của các bộ phận kinh doanh tại Apple. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ lệ đóng góp doanh thu của các bộ phận kinh doanh tại Apple. Ảnh: Bloomberg.

Bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết ông Trump vẫn muốn nhiều sản phẩm và linh kiện công nghệ được sản xuất trong nước.

Dù vậy, trong 14 năm qua, CEO Tim Cook và cố CEO Steve Jobs đều cho rằng Mỹ thiếu đi quy trình, khả năng tuyển dụng và độ ổn định chuỗi cung ứng để lắp ráp hơn 200 triệu iPhone/năm.

"Khả năng tôi tham gia giải golf Masters vào cuối tuần này còn cao hơn việc Apple sản xuất iPhone tại Mỹ trong vài năm tới. Bài toán và sự phức tạp khiến điều đó trở nên không khả thi", nhà phân tích Dan Ives tại Wedbush Securities nhấn mạnh.

Năm 2011, cựu Tổng thống Barack Obama đã hỏi Steve Jobs về giải pháp sản xuất iPhone ở Mỹ thay vì Trung Quốc. Đến 2016, ông Trump cũng gây sức ép buộc Apple thay đổi lập trường. Dù vậy, Cook kiên quyết cho rằng Mỹ không đủ công nhân lành nghề để cạnh tranh.

"Tại Mỹ, bạn có thể tổ chức cuộc họp với các kỹ sư gia công, nhưng tôi không chắc lượng người tham gia có thể lấp đầy căn phòng. Ở Trung Quốc, hội nghị có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá", Cook chia sẻ trong một sự kiện vào cuối năm 2017.

Sự quan trọng của Trung Quốc

Giới phân tích vẫn lạc quan về khả năng Apple thuyết phục ông Trump đặt ra nhiều miễn trừ hơn. Từ khi tổng thống công bố thuế quan, Táo khuyết là một trong những công ty công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Lo ngại khác đến từ hành động đáp trả của Trung Quốc nếu Apple di chuyển chuỗi cung ứng quá nhanh. Đất nước tỷ dân mang về 17% doanh thu cho Táo khuyết, cùng hàng chục cửa hàng bán lẻ.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã có một số điều tra chống cạnh tranh với các công ty Mỹ. Những năm gần đây, Trung Quốc cũng cấm iPhone và một số sản phẩm xuất hiện trong các cơ quan chính phủ. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ cấm vận tập đoàn công nghệ Huawei.

iPhone vẫn là thiết bị đóng góp nhiều doanh thu nhất cho Apple (55,6%), với khoảng 87% được sản xuất tại Trung Quốc, theo ước tính của Morgan Stanley. Ngoài ra, khoảng 4/5 iPad và 60% máy tính Mac được lắp ráp ở quốc gia này.

 Ông Trump phát biểu trên chuyên cơ Air Force One ngày 11/4. Ảnh: New York Times.

Ông Trump phát biểu trên chuyên cơ Air Force One ngày 11/4. Ảnh: New York Times.

Các sản phẩm trên chiếm khoảng 75% doanh thu cho Apple. Trong khi đó, những thiết bị khác như Apple Watch, AirPods hầu hết đang sản xuất tại Việt Nam, còn hoạt động lắp ráp máy tính Mac được mở rộng sang Malaysia và Thái Lan.

Tại Mỹ, iPad chiếm khoảng 38% doanh số của Apple, trong khi Mac, Apple Watch và AirPods chiếm tổng cộng khoảng 50% theo ước tính của Morgan Stanley.

Giới phân tích nhận định việc rời bỏ hoàn toàn chuỗi cung ứng Trung Quốc là điều không thể với Apple. Dù ông Trump thường xuyên nhắc đến việc sản xuất iPhone tại Mỹ, rào cản lớn nhất đến từ thu hút nhân tài và chi phí nhân công.

Apple đã xây dựng chuỗi cung ứng tại Trung Quốc trong hàng chục năm. Từ khi thuế quan được công bố vào ngày 2/4, các nhà vận động hành lang của Apple và một số công ty công nghệ đã thúc đẩy Nhà Trắng ra lệnh miễn trừ.

Không chỉ Apple, một số công ty cũng nhấn mạnh việc chuyển hoạt động lắp ráp sang Mỹ sẽ không có nhiều lợi ích. Họ lập luận rằng Mỹ nên tập trung các công việc giá trị cao, khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực như sản xuất bán dẫn.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/apple-tam-thoat-khoi-khung-hoang-post1545498.html
Zalo