TP.HCM: Tháo điểm nghẽn, mở lối vào kỷ nguyên phát triển
Năm 2025 là thời điểm lý tưởng để TP.HCM 'lên dây cót' tinh thần, tìm giải pháp tháo điểm nghẽn, tạo đà tiến vào kỷ nguyên mới.
Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) rơi đúng vào năm bản lề trước khi diễn ra Đại hội XIV của Đảng, dấu mốc khởi đầu giai đoạn được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Suốt năm thập niên qua, TP.HCM nhiều lần tiên phong cùng cả nước tiến vào những giai đoạn bước ngoặt, từ Đổi mới 1986 đến giai đoạn hội nhập mạnh mẽ vào đầu những năm 2000, cho đến giai đoạn cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy bước chuẩn bị lấy đà, “lên dây cót” tinh thần để tiến vào một giai đoạn lịch sử có tính cách mạng là rất quan trọng.
Từ thành quả 50 năm…
Công cuộc đổi mới từ gần 40 năm trước của Đảng, Nhà nước đã mang lại những thành quả to lớn đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thị sát tiến độ dự án trọng điểm đường vành đai 3 qua TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG
TS Lê Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, đưa ra dẫn chứng khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987, chỉ trong vòng vài năm sau đó, TP.HCM đã cấp cả trăm giấy phép với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1 tỉ USD. Đến cuối năm 2018, GDP bình quân đầu người của TP ước tính đạt hơn 6.000 USD/người (cao gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình cả nước). Trong hành trình 50 năm kể từ mùa xuân 1975, TP.HCM luôn đứng đầu về phát triển kinh tế với tỉ trọng đóng góp trên 22% GDP, chiếm gần 1/3 thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước…
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có gần 300.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, chiếm khoảng 30% DN cả nước. Về thu hút FDI, lũy kế đến cuối năm 2024, TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. TP còn tận dụng các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu. TP.HCM cũng có chiến lược xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, vẫn là điểm đến hàng đầu của du khách.
“TP.HCM có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất nước. Nỗ lực này không chỉ nhằm phát triển kinh tế số mà còn lan tỏa, tác động tích cực đến các lĩnh vực kinh tế khác. Ngoài ra, TP đã xác định 12 địa phương trọng điểm của các quốc gia là đối tác chiến lược của Việt Nam để tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu; thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với sáu địa phương nước ngoài trong số các quốc gia có tầm quan trọng đối với Việt Nam, điển hình như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc… nâng tổng số địa phương kết nghĩa lên 58 địa phương” - ông An cho biết, đồng thời khẳng định sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm đổi mới, TP.HCM đã từng bước nâng cao vị thế, vai trò kiến tạo và dẫn dắt tại các sân chơi, sự kiện lớn trong nước và khu vực.
… Đến yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Dù ghi nhận những thành công to lớn của công cuộc đổi mới gần 40 năm trước nhưng ở thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết của một chương trình cải cách tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa khi quán tính của Đổi mới 1986 về cơ bản không còn nhiều. Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội vào cuối tháng 10-2024, cụm từ “đổi mới” được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến 11 lần, cho thấy xu hướng tiếp tục đổi mới là không thể đảo ngược.

Một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
TS - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận định dư địa phát triển đất nước từ công cuộc Đổi mới 1986 đến nay đã giảm đáng kể. Việt Nam đã đặt chân vào thời đại của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với sự phổ biến mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML). Tất cả đã làm thay đổi căn bản và trong nhiều trường hợp, làm thay đổi sâu sắc đời sống sản xuất.
Thói quen sinh hoạt, làm việc, các giải pháp sản xuất, đầu tư, kinh doanh, cách vận hành các dịch vụ, điều tiết các mối quan hệ xã hội… đều chịu tác động mạnh từ yếu tố khoa học công nghệ, chưa kể đến những biến động về địa chính trị, địa kinh tế làm ảnh hưởng an ninh truyền thống, phi truyền thống.
“Vì vậy, trong thời điểm trước khi kỷ nguyên mới bắt đầu, Việt Nam nói chung, đặc biệt là TP.HCM phải chuẩn bị chu đáo, không chỉ về tinh thần, mà còn tháo gỡ các điểm nghẽn để tâm thế xã hội và không gian kinh tế có đủ sức khỏe, sự háo hức, trách nhiệm để bước vào “ngày mới” - khi kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt đầu” - TS Nhị Lê nói.
Tháo gỡ các điểm nghẽn lớn
Xác định những điểm nghẽn hiện nay của TP.HCM, TS Lê Thị Anh Đào cho rằng TP cũng giống nhiều đô thị lớn khác, đang gặp khó khăn ở vấn đề về cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị; xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; hay vấn đề nhà ở.
Gỡ vướng cho nhiều dự án ở TP.HCM
Chính phủ đã ban hành Nghị định 76 có hiệu lực từ ngày 1-4-2025, quy định chi tiết Nghị quyết 170 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM và một số tỉnh, TP khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM.
Ngoài ra, mới đây, chính quyền TP.HCM cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về khó khăn, vướng mắc liên quan đến sáu dự án theo Quyết định 1568 ngày 12-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát nhằm gỡ vướng cho các dự án này.
Để giải quyết tất cả vấn đề này, trước hết việc phát huy vai trò của chính quyền cơ sở. Ngoài ra, TP cần các giải pháp gỡ vướng, hoàn thiện thể chế cho từng nhóm vấn đề. Chú trọng các thể chế quan trọng như hoạt động đấu thầu, quy hoạch, đầu tư, tài chính… Tiếp theo, cần tăng cường vai trò của xã hội, tạo không gian để các chủ thể kinh doanh, các nhà đầu tư tư nhân, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tham gia đối thoại, nêu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tháo gỡ các vấn đề vướng mắc cụ thể trong thực tiễn vận hành thể chế.
“Điều rất quan trọng nữa là TP.HCM cần phát huy vai trò của người dân trong phát hiện, phản ánh, kiến nghị, hiến kế xây dựng công việc, thực hiện các dự án, nhiệm vụ nhà nước; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”” - TS Đào nhấn mạnh.
Đối với điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng, theo TS Đào, TP.HCM đang đứng trước cơ hội vàng để tạo bước ngoặt trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị, khi đặt mục tiêu hoàn thành bảy tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài 355 km trong 10 năm tới.
Để vượt qua các rào cản cố hữu về vốn, thể chế và quản lý dự án, TP.HCM đang tận dụng hàng loạt cơ chế, chính sách mới từ Trung ương đến địa phương, trong đó Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đóng vai trò trung tâm, cùng với các chính sách bổ trợ từ Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, các nghị định về PPP và đặc biệt là các đề án, chương trình hành động riêng của TP.
Ông PHẠM BÌNH AN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
TP.HCM cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Cùng với đó là tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực hiện quản, phân bổ nguồn lực hợp lý; hạn chế tối đa độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách.
...........................
TS LÊ THỊ ANH ĐÀO, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II:
Bốn nhóm giải pháp gỡ vướng hạ tầng, giao thông
Có bốn nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn về phát triển hạ tầng, giao thông bao gồm: (i) Cơ chế tài chính linh hoạt từ Trung ương đến địa phương; (ii) Đột phá trong phân cấp, phân quyền và thủ tục đầu tư; (iii) Cơ chế và chính sách đồng bộ phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD); (iv) Thu hút đầu tư tư nhân và phát triển hạ tầng số đi kèm.
*****************************************
Mở rộng TP.HCM mở ra nhiều kỳ vọng mới
Năm 2025 là thời điểm TP.HCM trải qua 50 năm kể từ khi Việt Nam thống nhất, cũng là thời điểm TP cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử này, người dân TP.HCM và cả nước rất quan tâm đến câu chuyện sáp nhập, mở rộng TP theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Nghĩ về một TP.HCM mở rộng…
Hiện nay, phương án hợp nhất Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương vào TP.HCM được dư luận rất quan tâm. Trước đó, điều này đã được thảo luận sôi nổi, không chỉ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia mà còn lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nguyên nhân có lẽ là việc này sẽ quyết định đến tương lai của khu vực năng động nhất và có tiềm lực kinh tế lớn nhất Việt Nam.
Trước đây, do đặc điểm hệ thống sông rạch dày đặc và do điều kiện lịch sử, trong khu vực này tồn tại một số bất cập trong phân định ranh giới giữa các đơn vị hành chính cấp tỉnh như ranh giới không trùng với hệ thống sông rạch và các tuyến giao thông chính, còn xuất hiện tình trạng “gần nhà - xa ngõ”, “mượn đường nhà hàng xóm”... Về nguyên tắc, chủ trương sáp nhập là cơ hội rất tốt để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra quyết định khắc phục các bất cập trên. Các quyết định cần đưa ra dựa trên việc cân nhắc các yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng…
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khánh thành mở ra kỳ vọng cho hạ tầng giao thông TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chủ trương sáp nhập các tỉnh, TP dựa trên các cơ sở và được thúc đẩy bởi các điều kiện cụ thể: (i) Xu thế phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông) giúp tăng cường khả năng kết nối trực tiếp giữa các khu vực trong phạm vi quản lý hành chính; (ii) Xu thế phát triển hạ tầng số và đẩy mạnh giao tiếp số giúp tăng cường khả năng kết nối trực tuyến giữa Nhà nước và người dân, khắc phục các trở ngại do khoảng cách địa lý tạo nên; (iii) Xu thế cải cách hành chính và xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công giúp bộ máy quản lý nhà nước có thể bao quát phạm vi quản lý hành chính rộng hơn một cách chiến lược hơn.
Kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn
Khi phương án hợp nhất Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM chính thức thực hiện, một số điểm nghẽn hiện nay của cả các địa phương được sáp nhập có thể được giải quyết. Điển hình là các vấn đề về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông (ví dụ thúc đẩy việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 13 để kết nối TP.HCM hiện hữu và tỉnh Bình Dương, thúc đẩy việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Suối Tiên - TP mới Bình Dương…).
Các vấn đề về bảo vệ môi trường cũng có thể được giải quyết, ví dụ thúc đẩy việc bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn, giải quyết nhanh chóng vấn đề ô nhiễm liên tỉnh liên quan đến kênh Ba Bò trước đây… Bên cạnh đó, điểm nghẽn về cung cấp nhà ở cho người dân cũng có thể được khơi thông, ví dụ xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp thu nhập của người dân tại các khu vực ngoài TP.HCM hiện hữu và có kết nối nhanh về khu trung tâm TP.HCM hiện hữu hoặc các khu vực động lực phát triển khác. Đây là các điểm nghẽn mà trước đây cơ chế liên kết vùng chưa giải quyết được hoặc đã giải quyết nhưng chưa triệt để và còn chậm chạp.
TS PHẠM TRẦN HẢI
Cần lộ trình hợp lý
Để phát huy hiệu quả của chủ trương sáp nhập, các quy hoạch của các tỉnh được sáp nhập liên quan (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017) cần được rà soát về tính pháp lý và tính hợp lý, theo lộ trình phù hợp.
Trước mắt, cần xử lý ngay các vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch, tránh gây ảnh hưởng tắc nghẽn các dự án đầu tư công và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, TP hình thành sau sáp nhập.
Trong thời gian ngắn nhất, cần khẩn trương rà soát để điều chỉnh, bổ sung nội dung các quy hoạch của các tỉnh, TP được sáp nhập nhằm xử lý các điểm vênh giữa các quy hoạch trên (nếu có). Về lâu dài, cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch cho TP.HCM mở rộng trong giai đoạn tiếp theo, tức là sau năm 2030.
Khi giải quyết được những điểm nghẽn trên, TP.HCM mở rộng nói riêng và vùng xung quanh nói chung sẽ nâng cao sức cạnh tranh so với các vùng đại đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM mở rộng và của cả Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khó lường trước.
Trong tương lai, với cơ chế cởi mở và thông thoáng, với tiềm năng đất đai và con người, với thế mạnh của các khu vực đầu mối giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, TP.HCM mở rộng được kỳ vọng sẽ là trung tâm khoa học công nghệ, tài chính, thương mại dịch vụ chất lượng cao và logistics của khu vực. Khi đó, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội chắc chắn sẽ hưởng lợi từ chủ trương này.
TS PHẠM TRẦN HẢI đang công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
ĐỖ THIỆN ghi