Cựu kỹ sư Apple giải thích lý do vì sao iPhone không thể sản xuất tại Mỹ
Theo các nhà phân tích, người dùng sẽ phải trả đến 3.500 USD để sở hữu iPhone nếu thiết bị được sản xuất tại Mỹ.
Lý do Trump đe dọa áp thuế là để buộc các công ty phải sản xuất tại Mỹ. Nhưng theo các chuyên gia, nhà phân tích và cựu nhân viên Apple, điều này không chỉ bất khả thi, mà còn đi ngược lại thực tế của ngành công nghiệp toàn cầu hiện đại.
Ngay từ năm 2015, CEO Apple, Tim Cook đã nói thẳng rằng nước Mỹ không còn đủ năng lực để sản xuất iPhone ở quy mô hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm.
Ông cho biết: “Trung Quốc tập trung rất nhiều vào sản xuất. Theo thời gian, Hoa Kỳ bắt đầu không còn nhiều kỹ năng nghề nghiệp nữa.”
Phát biểu này không chỉ nói lên sự chênh lệch về kỹ năng lao động giữa hai quốc gia, mà còn phản ánh thực tế nghiệt ngã rằng ngành sản xuất tinh vi như smartphone đòi hỏi một hệ sinh thái mà Mỹ hiện không còn.
Trong bối cảnh bị áp lực bởi chính sách và dư luận, Apple từng thử áp dụng chiến lược “lắp ráp cuối cùng tại địa phương” để qua mặt quy định xuất xứ hàng hóa. Chiến thuật này, theo giới phân tích, chỉ là hình thức, giống như cách hãng từng làm ở Brazil.

Chuyên gia lý giải vì sao việc iPhone sản xuất tại Mỹ chỉ là giấc mơ. Ảnh: TIỂU MINH
Dan Ives, nhà phân tích tại công ty tài chính Wedbush Securities đã đưa ra con số cụ thể về cái giá phải trả nếu Apple muốn sản xuất iPhone tại Mỹ.
“Thực tế là sẽ mất ba năm và 30 tỉ USD theo ước tính của chúng tôi để di chuyển thậm chí 10% chuỗi cung ứng của mình từ Châu Á sang Hoa Kỳ với sự gián đoạn lớn trong quá trình này,” ông viết trong một lưu ý gửi nhà đầu tư.
Không chỉ dừng lại ở đó, Ives cảnh báo thêm rằng nếu sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, giá thành sẽ tăng gấp 3 lần, lên đến 3.500 USD.
Cả thành phố phải nghỉ làm và đi lắp ráp iPhone?
Ngân hàng đầu tư Evercore đồng tình với quan điểm rằng giấc mơ của Trump là thiếu thực tế: “Mỹ không có cơ sở vật chất lẫn lực lượng lao động phù hợp. Nền kinh tế Hoa Kỳ không được thiết lập để có thể lắp ráp điện thoại di động. Họ không có cơ sở vật chất hoặc lực lượng lao động linh hoạt. Đào tạo 200.000-300.000 người đến và lắp ráp iPhone là điều không thực tế.”
“Cả thành phố Boston phải nghỉ làm và đi lắp iPhone?” Câu nói mang tính hình tượng nhưng cũng đầy cảnh báo được đưa ra bởi Matthew Moore, cựu kỹ sư sản xuất của Apple, trong bài phỏng vấn với Bloomberg.
Ông khẳng định: “Có hàng triệu người làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc, và rằng thành phố nào ở Mỹ sẽ bỏ mọi thứ xuống và chỉ sản xuất iPhone? Boston có hơn 500.000 người. Toàn bộ thành phố sẽ cần phải dừng mọi thứ và bắt đầu lắp ráp iPhone?”

Giá iPhone nếu sản xuất tại Mỹ hoàn toàn. Ảnh: TIỂU MINH
Chuỗi cung ứng không thể sao chép
Ngay cả trong trường hợp Apple lắp ráp iPhone ở Mỹ, họ vẫn phải nhập khẩu hầu hết linh kiện từ châu Á, nơi tập trung hàng ngàn nhà cung cấp chuyên biệt mà Mỹ không có. Điều này đồng nghĩa với việc Apple vẫn phải trả thuế nhập khẩu linh kiện, làm chi phí tăng cao mà hiệu quả sản xuất không hề cải thiện.
Từ những tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao như Tim Cook, đến các phân tích tài chính và trải nghiệm thực tế của kỹ sư trong ngành, có thể thấy rõ rằng việc sản xuất iPhone hoàn toàn tại Mỹ là không khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật và nhân lực.
Theo 9to5mac, lời đe dọa đánh thuế của Trump dù mang tính áp lực chính trị rốt cuộc chỉ là động thái tượng trưng, không thể làm thay đổi cục diện của một ngành công nghiệp phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Apple.