Áp mức đóng quỹ hội phụ huynh là đúng hay sai?
Mỗi trường học, giáo viên cứ thực hiện đúng tinh thần của thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình rất lớn từ phụ huynh.
Sau những cuộc họp phụ huynh đầu năm, người viết - một giáo viên tiểu học - nhận được câu hỏi của một số người quen ở nhiều địa phương khác nhau về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi một cách ngắn gọn là tiền quỹ hội phụ huynh).
Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là: “Tiền quỹ hội phụ huynh bắt buộc hay là tự nguyện đóng?”; “Phụ huynh muốn đóng bao nhiêu là tùy hay phải theo một mức giá cố định mà giáo viên đưa ra?”; “Gọi là tự nguyện mà áp giá sàn thấp nhất là đúng hay sai?”; “Tiền quỹ hội phụ huynh được dùng để làm gì?”…
Có người kể, trường thì áp giá sàn là 200 ngàn đồng/học sinh. Có trường lại quy định mức thấp nhất phụ huynh ủng hộ là 300 ngàn đồng/học sinh hoặc 400 ngàn/học sinh, thậm chí có những nơi số tiền còn lên đến hàng triệu…nên người muốn ủng hộ mức thấp hơn sẽ rất khó.
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thế nào?
Điểm a, Khoản 1, Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Về nguyên tắc, ủng hộ tự nguyện là ai có nhiều sẽ ủng hộ nhiều, ai có ít sẽ ủng hộ ít và ai không có sẽ không ủng hộ.
Khoản 3, Điều 10 cũng nêu rõ: Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ…Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Vì thế, những lớp học nào, những trường học nào đưa ra mức giá ủng hộ bình quân đều đi ngược với hướng dẫn trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh dùng để làm gì?
Điểm b, Khoản 4, Điều 10 quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp như:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.[1]
Quy định trên cũng được hiểu rằng, không dùng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho những hoạt động kể trên mà có thể chi cho các hoạt động phục vụ học sinh như mua quà Trung thu, phô tô đề ôn tập, mua giấy vệ sinh, thăm hỏi học sinh ốm đau, liên hoan cả lớp…
Quy định về quỹ hội phụ huynh là tự nguyện, phụ huynh muốn đóng hay không là tùy?
Nhiều người thắc mắc: Quy định về tiền hội phí là tự nguyện, vậy phụ huynh muốn đóng hay không là tùy?
Về nguyên tắc, khi quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là trên tinh thần tự nguyện thì ai muốn ủng hộ cũng được mà không ủng hộ thì cũng chẳng sao. Nếu nơi nào bị ép buộc đã vi phạm nguyên tắc quy định trong Thông tư 55.
Tuy nhiên, khoản kinh phí này lại lo trực tiếp cho mỗi học sinh, nếu mình không ủng hộ khoản tiền này, thì chính con cái mình đang phải nhận sự san sẻ từ quyền lợi của những học sinh khác, điều này rất nhiều phụ huynh không muốn.
Từ trải nghiệm thực tế, người viết thấy rằng một phần là do cách triển khai về khoản tiền tiền ủng hộ này của một số giáo viên chưa rõ ràng nên một số phụ huynh chưa nắm rõ. Ở một số cơ sở giáo dục lại ấn định mức thu bình quân quá cao khiến những gia đình đông con đi học, gia đình hộ nghèo, cận nghèo hoặc khó khăn bị áp lực.
Bên cạnh đó, những gia đình có điều kiện kinh tế khi bị ấn định mức đóng góp bình quân cũng cảm thấy bị ép buộc phải đóng cũng thấy không thoải mái.
Một số trường học lại dùng khoản tiền này chi tiêu sai mục đích như tu bổ cơ sở vật chất, mua quà cho giáo viên nhà trường vào các dịp lễ, tết. Dẫn đến, nhiều phụ huynh mất niềm tin và gây ra phản ứng gay gắt.
Bản thân người viết, mặc dù không áp giá sàn phải ủng hộ bình quân nhưng năm học nào kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp chủ nhiệm cũng khá cao.
Nếu mỗi trường học, giáo viên cứ thực hiện đúng tinh thần của thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình rất lớn từ các bậc phụ huynh.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx