Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mạng xã hội có hàng chục triệu 'phóng viên' mà không mất tiền
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn cạnh tranh với mạng xã hội, bên cạnh đầu tư công nghệ, báo chí cần quay về các giá trị cốt lõi của mình
Ngày 12-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết với sự bùng nổ của mạng xã hội cùng tính năng chia sẻ cao, hiện xuất hiện tình trạng "người người làm báo, nhà nhà báo làm", lập kênh riêng đăng tải nội dung, quảng cáo bán hàng. Có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật, vi phạm bản quyền…
"Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời nâng cao vai trò báo chí chính thống để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền"- đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khi mạng xã hội ra đời, có thể nói lấy mất "nghề" của báo chí. Báo chí lâu nay tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội xuất hiện lại đưa tin nhanh hơn. "Mạng xã hội có hàng chục triệu "phóng viên" mà không mất tiền, ở khắp mọi nơi"- Bộ trưởng nêu rõ.
Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
"Thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá, kể câu chuyện; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng thông tin. Trước đây báo chí trên không gian thực là lực lượng chủ đạo, nhưng bây giờ lên không gian mạng, có thể số lượng không còn là chủ đạo, nhưng những thông tin đi từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng"- ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần sử dụng các công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là công cụ, môi trường để báo chí xuất hiện, coi đó là nền tảng để phổ cập báo chí tốt hơn, nhằm giữ vững trận địa.
Cũng liên quan đến lĩnh vực báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của các tạp chí chuyên ngành, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
"Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và các giải pháp chấn chỉnh. Đồng thời, giải pháp nào để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo trên báo chí truyền thống và mạng xã hội"- đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề về đạo đức báo chí. "Năm 2018, khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ TT-TT, tôi có đọc một nghiên cứu, khảo sát về uy tín nghề nghiệp. Khi đó, phóng viên được xếp hạng 9/10 nghề nghiệp được khảo sát. Trong những năm qua, vấn đề tư cách, đạo đức phóng viên, người làm báo rất được quan tâm. Năm 2022, cũng là tổ chức đó khảo sát, công bố lại kết quả thì phóng viên đã xếp vị trí thứ 3/10, sau giáo viên và bác sĩ"- ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về đạo đức báo chí, Bộ trưởng nói có nguyên nhân từ vấn đề kinh tế báo chí. Hiện 80% quảng cáo trực tuyến của báo chí đã rơi vào tay mạng xã hội, khiến nguồn thu giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, chính quyền các cấp coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình và bố trí ngân sách để đặt hàng báo chí hàng năm. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần thay đổi về công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội.
Song, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thu nhập của phóng viên, nhà báo không thấp so với cán bộ, công chức. Một số cơ quan báo chí có mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, có thể thấp hơn khu vực doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới cần tập trung quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí.