Không sử dụng điện thoại trong trường học ở Yên Bái: Học sinh tăng khả năng tập trung, phát triển kỹ năng

Quy định hạn chế sử dụng điện thoại di động trong lớp học đang thu hút sự chú ý của nhiều bậc phụ huynh, học sinh và nhà trường. Quy định này đã được áp dụng tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ghi nhận bước đầu là các em tập trung trong giờ học hơn, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm của nhà trường cũng như giao lưu với bạn cùng trang lứa, phát triển kỹ năng sống.

Vào đầu mỗi buổi học, học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái lại tắt nguồn và bỏ điện thoại vào đúng nơi quy định.

Vào đầu mỗi buổi học, học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái lại tắt nguồn và bỏ điện thoại vào đúng nơi quy định.

Đã thành nền nếp, cứ đầu mỗi buổi học là học sinh cả lớp 12A1 cũng như 17 lớp của Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên lại tắt nguồn và bỏ điện thoại vào chiếc tủ gỗ được thiết kế riêng cho học sinh. Em Lê Nguyễn Anh Tân, lớp trưởng lớp 12A1 đã chấp hành quy định hạn chế sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường.

Lê Nguyễn Anh Tân cho biết: "Cả lớp em có 40/40 bạn sử dụng điện thoại và mỗi sáng đến lớp, 100% điện thoại của các bạn sẽ được cất vào tủ. Sau đó, em sẽ khóa tủ lại và đến hết buổi học, các bạn sẽ lấy lại điện thoại của mình. Em thấy, nếu trước đây khi được sử dụng điện thoại, các bạn chỉ ngồi trong lớp lướt mạng xã hội hay chơi game, không có nhu cầu trò chuyện thì bây giờ, chúng em đều ra sân trường tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, rất vui vẻ, giúp thư giãn sau giờ học căng thẳng”.

Việc quản lý điện thoại di động của học sinh khi tới trường học và trong lớp học đã được các thầy cô giáo Trường THPT Hồng Quang phổ biến, nhắc nhở thường xuyên và thực hiện nghiêm túc từ đầu năm học. Cùng với đó, tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường cũng tuyên truyền, nhắc nhở học sinh lồng ghép với kể chuyện và hát về Bác; sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật hoặc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó, các nguyên tắc sử dụng điện thoại di động đã cơ bản được học sinh nhà trường tuân thủ nghiêm túc.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi tới trường học và trong lớp học đã được triển khai trong toàn trường với sự thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh và học sinh ký cam kết không sử dụng điện thoại trong các giờ học, các hoạt động giáo dục ngay từ đầu năm học. Quy định được đưa vào nội quy nhà trường mang đến rất nhiều lợi ích. Học sinh bớt xao nhãng trong giờ học, tăng thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè trong giờ ra chơi, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian. Đồng thời, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm với việc sử dụng hiệu quả điện thoại thông minh đúng lúc, đúng chỗ, đảm bảo hợp lý, khoa học, để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, nhân cách”.

Giờ ra chơi không sử dụng điện thoại, các em học sinh Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, gắn kết bạn bè cùng trang lứa.

Giờ ra chơi không sử dụng điện thoại, các em học sinh Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, gắn kết bạn bè cùng trang lứa.

Không thể phủ nhận tác dụng của điện thoại và công nghệ trong cuộc sống cũng như trong học tập, nhưng rõ ràng, điện thoại di động đang lấy đi của học sinh quá nhiều thời gian; gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Do đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đang áp dụng nhiều cách thức khác nhau để kiểm soát việc sử dụng điện thoại của học sinh, từ việc yêu cầu học sinh tắt nguồn điện thoại cho đến việc nộp điện thoại trước giờ học. Đa phần học sinh, phụ huynh, giáo viên ủng hộ việc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, đặc biệt cấm sử dụng trong giờ học đối với môn học không liên quan đến điện thoại.

Theo Thông tư số 32 ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm, học sinh chỉ sử dụng điện thoại khi được đồng ý giám sát của giáo viên và phục vụ mục đích học tập.

Cô giáo Bùi Thị Hồng Ngọc - Trường THCS Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đã được nhà trường thực hiện nhiều năm nay và mang lại hiệu quả tích cực, rõ nét là thành tích học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Song đối với một số tiết học phải tìm hiểu kiến thức mở, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên bộ môn, phục vụ cho mục đích học tập”.

Từ phía phụ huynh, nhiều người ủng hộ việc không sử dụng điện thoại di động trong lớp học, cho rằng điều này giúp con tập trung vào việc học và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Chị Nguyễn Hồng Vân - phụ huynh một học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi ủng hộ việc học sinh không sử dụng điện thoại khi đến trường bởi điện thoại chứa nhiều ứng dụng, công nghệ hấp dẫn, khiến các con dễ dàng bị cuốn hút cả ngày, làm mất đi khả năng tương tác cũng như mất đi sự chú tâm cho học tập. Ở nhà, tôi chỉ cho con dùng điện thoại, phục vụ học tập và giải trí trong khoảng thời gian nhất định dưới sự giám sát của bố mẹ. 100% phụ huynh lớp con tôi học đều thống nhất quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện thoại di động để các cháu tập trung học tập. Khi cần liên lạc, chúng tôi sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp”.

Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh cấp THPT trên địa bàn tỉnh chiếm gần 100%, cấp THCS chiếm từ 65% - 70%, trong đó không ít học sinh mang và sử dụng điện thoại trong trường học. Do đó, việc quản lý tốt điện thoại di động của học sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công quy định này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, cũng như việc khuyến khích học sinh tự quản lý, trang bị kỹ năng tự chủ trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ cá nhân với mục tiêu chính là giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học, tạo ra một môi trường học tập tích cực, hiệu quả và phát triển toàn diện cho học sinh.

Thực hiện Thông tư số 32 ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn số 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường có nêu: "Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/331722/khong-su-dung-dien-thoai-tr111ng-truong-hoc-hoc-sinh-tang-kha-nang-tap-trung-phat-trien-ky-nang.aspx
Zalo