Áp lực nợ xấu vẫn 'bủa vây' ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ
Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt ở nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô vốn vừa và nhỏ tiếp tục gia tăng, trong khi bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng này còn mỏng.
Theo tổng hợp từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và công bố kết quả kinh doanh năm 2024, tính đến cuối quý IV/2024, có 15/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2023. Có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng, đơn cử một số nhà băng như: ABBank (tăng 0,83 điểm phần trăm), Saigonbank (tăng 0,63 điểm phần trăm), OCB (tăng 0,52 điểm phần trăm), Bac A Bank (tăng 0,41 điểm phần trăm), VIB (tăng 0,37 điểm phần trăm)…
Tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm 2025 là do thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn về thanh khoản. Một số doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, trong khi hết thời hạn cơ cấu nợ nên buộc phải chuyển sang nợ xấu. Bên cạnh đó, áp lực thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn lớn.
![Các ngân hàng nhỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề chất lượng tài sản. Nguồn: VIS Rating.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_241_51441678/86f1f96ccd22247c7d33.jpg)
Các ngân hàng nhỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề chất lượng tài sản. Nguồn: VIS Rating.
Trong thời gian được gia hạn nợ, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng và xử lý nợ. Tuy nhiên, không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Đáng chú ý, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thường sở hữu bộ đệm dự phòng mỏng.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ nợ xấu một nửa nhà bằng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Như tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Saigonbank giảm 7,9 điểm phần trăm xuống còn 36,3% trong năm 2024; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB giảm 17 điểm phần trăm, còn 47,10%...
Những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, dưới 50% là: OCB, VietBank (46%), ABBank (45,5%), BVBank (45,2%), Eximbank (42,3%), PGBank (40,5%), Saigonbank, NCB (8,6%)….
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, đặc biệt là mức dưới 50%, cho thấy ngân hàng thiếu sự chuẩn bị tốt cho rủi ro.
Theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong năm 2025, một số ngân hàng nhỏ và vừa vẫn sẽ đối mặt với các vấn đề liên quan khoản vay mua nhà gắn với các dự án mang tính đầu cơ.
![Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong việc cải thiện lợi nhuận và sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện bộ đệm dự phòng. Nguồn: VIS Rating](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_241_51441678/bacdc350f71e1e40470f.jpg)
Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong việc cải thiện lợi nhuận và sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện bộ đệm dự phòng. Nguồn: VIS Rating
Trong thời gian tới, rủi ro quản trị vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng vì mối liên hệ chặt chẽ với các tập đoàn lớn – chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản – sẽ làm tăng rủi ro hoạt động và khả năng dễ bị tổn thương hơn cho các ngân hàng khi các tập đoàn này gặp vấn đề. Tác động của việc Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực lên chất lượng tài sản sẽ khiến một số ngân hàng cho vay các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.
Về bộ đệm rủi ro, VIS Rating nhận định, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong việc cải thiện lợi nhuận và sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện bộ đệm dự phòng.
Nguồn vốn và thanh khoản cũng sẽ là nỗi lo đối với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn và có bộ đệm tài sản thanh khoản ở mức yếu. Do đó, các ngân hàng nhóm này sẽ đối mặt với áp lực chi phí vốn tăng cao và căng thẳng thanh khoản.