Trái phiếu ngân hàng tiếp tục áp đảo trong tháng đầu năm

100% đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 1/2025 đều thuộc về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điều này cho thấy sự phục hồi nhóm bất động sản và các lĩnh vực khác vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 24/1/2025 chỉ có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng được ghi nhận với tổng giá trị đạt 5.554 tỷ đồng.

Toàn bộ khối lượng phát hành này thuộc về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán (chứng khoán chỉ có 300 tỷ đồng, còn lại là thuộc lĩnh vực ngân hàng), cho thấy sự phục hồi nhóm bất động sản và các lĩnh vực khác vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Thị trường trái phiếu vốn được kỳ vọng giảm tải cho ngân hàng thì nay lại là kênh ngân hàng vay rồi cho doanh nghiệp vay lại. Đáng chú ý, trong tháng đầu năm,VietinBank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng. BVBank cũng phát hành một lô trái phiếu với giá trị hơn 1.254 tỷ đồng với kỳ hạn 6 năm.

Trái phiếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa phục hồi.

Trái phiếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa phục hồi.

Theo nhận định của một chuyên gia, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay 8%, ngành ngân hàng đặt tăng trưởng tín dụng 16%, vì vậy bên cạnh nguồn huy động vốn từ cư dân, ngân hàng tăng mạnh phát hành qua kênh trái phiếu còn để ổn định nguồn vốn. "Dù lãi suất huy động trái phiếu cao hơn lãi suất tiền gửi, nhưng bù lại với kỳ hạn dài 5-7-10 năm, không lo rút ra rút vào ảnh hưởng thanh khoản, ngân hàng sẽ chủ động tính toán nguồn vốn hơn”, chuyên gia này phân tích.

Chẳng hạn, BVBank trả lãi suất cho lô trái phiếu vừa phát hành kỳ đầu là 8,2%/năm, các kỳ sau được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank + 2,5%/ năm.

Tương tự, VietinBank trả lãi suất của lô trái phiếu CTG2432T2/01 được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng củaVietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank + 1,05%/ năm.

Trong khi trái phiếu ngân hàng áp đảo thị trường, số liệu của đơn vị phát hành báo cáo cũng đã phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn và áp lực tài chính lớn của các doanh nghiệp phi tài chính, đặc biệt là năng lượng và bất động sản.

Một chuyên gia đánh giá, nhìn vào cơ cầu phát hành TPDN gần đây cho thấy ngân hàng thống trị, trong khi trái phiếu huy động trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế. Đây là thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế cao 8% trong 2025 và những năm tới đây của Việt Nam.

Các doanh nghiệp kinh doanh như lĩnh vực bất động sản cần nguồn vốn trung và dài hạn thì thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ. Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thường muốn bổ sung vốn lưu động, ngắn hạn vay ngân hàng sẽ thuận lợi hơn. Chưa kể, các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu cũng không nhiều, chi phí phát hành rất cao cùng mức lãi suất phải hấp dẫn.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn, doanh nghiệp chủ yếu chật vật tìm cách mua lại trái phiếu trước hạn.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam có có kế hoạch mua lại trước hạn 12 lô trái phiếu do công ty phát hành từ năm 2019 với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng, dư nợ còn lại đang là 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2025, Điện Mặt trời Trung Nam lên kế thực hiện 4 đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 29/1/2025, 29/4/2025, 29/7/2025 và 29/10/2025 với tổng giá trị mua lại là 40 tỷ đồng. Còn lại 1.760 tỷ đồng trái phiếu sẽ được thực hiện mua lại như sau: mua 660 tỷ đồng vào ngày 29/1/2026, 550 tỷ đồng vào ngày 29/1/2027 và 550 tỷ đồng vào ngày 29/1/2028.

Hay như Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tính đến thời điểm đầu tháng 2/2025 đã mua lại tổng cộng 20 lô trái phiếu với giá trị 6.660 tỷ đồng, trong tổng số 21 lô trái phiếu theo kế hoạch công bố trước đó.

Một loạt doanh nghiệp bất động sản như Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty Cổ phần Bất động sản HT Land (HT Land), Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát… cũng tích cực mua lại trước hạn trái phiếu.

Theo dữ liệu từ Chứng khoán VPBank (VPBanks), tổng trị giá đáo hạn trong năm 2025 đạt hơn 221.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản chiếm tỷ trọng 48%, đạt gần 107.000 tỷ đồng. Áp lực đáo hạn trong năm 2025 dồn vào nửa cuối năm và đỡ áp lực hơn vào nửa đầu năm.

Còn theo báo cáo "Tổng quan thị trường TPDN" của Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam - VIS Rating, có 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc (2/9 trái phiếu đáo hạn, đều thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở). Cả năm 2025 có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản nhà ở đáo hạn, trong đó có 31.000 tỷ đồng chậm trả gốc lãi trước đó.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/trai-phieu-ngan-hang-tiep-tuc-ap-dao-trong-thang-dau-nam-1104897.html
Zalo