Áp lực ngắn hạn đã được giải tỏa, nhưng rủi ro bất định vẫn có thể xuất hiện sau thời hạn 90 ngày
Sau khi Mỹ trì hoãn áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam và chỉ đánh thuế cơ sở 10% trong 90 ngày, áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán đã kết thúc. Tuy nhiên càng gần thời điểm kết thúc thời hạn này, rủi ro bất định càng gia tăng...

Ảnh minh họa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố giảm thuế quan mang tính đối ứng xuống còn 10% và trì hoãn thực thi trong 90 ngày — thông tin này được đưa ra khoảng nửa ngày sau khi mức thuế mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Trung Quốc lại phải đối mặt với mức thuế tăng lên đến 125%.
Thị trường đã phản ứng rất tích cực và đầy tự tin, đặc biệt sau chuỗi ngày biến động mạnh đi kèm với tâm lý sợ hãi cực độ. Chứng khoán Phú Hưng (PHS) trong nhận định mới đây đã nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump vẫn là một nhân tố cực kỳ khó đoán định, và căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - tiếp tục là những rủi ro lớn đối với cả nền kinh tế toàn cầu lẫn thị trường tài chính.
Những lo ngại có thể tạm thời lắng xuống, nhưng PHS vẫn duy trì quan điểm thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc bị áp thuế lên đến 125% và đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh.
Quyết định trì hoãn áp thuế đối với các đối tác thương mại khác của ông Trump mang tính chiến lược và là phép thử nhằm vào các quốc gia này: Gây áp lực để gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong vòng 90 ngày tới, thể hiện nỗ lực thực chất thay vì chỉ là cam kết trên giấy. Nhằm đạt được các thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ. Sau thời hạn 90 ngày, nhiều bất định mới có thể sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, áp lực ngắn hạn đã tạm thời được giải tỏa. Đường lối ngoại giao của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì nhất quán, và sự kiện này sẽ thúc đẩy Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn các cải tiến về công nghệ, đầu tư công, và đa dạng hóa thêm thị trường, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào - tất nhiên, điều này sẽ cần thời gian.
Vốn dĩ công thức tăng trưởng cho các quốc gia nhỏ như Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng nguồn lực nội địa "giá rẻ" để tích lũy vốn và công nghệ, tuy nhiên, tiến trình này có lẽ cần được điều chỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp FDI sẽ không rời bỏ Việt Nam ngay lập tức, nhưng khả năng thu hút thêm sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trong ngắn hạn, PHS tin rằng Chính phủ sẽ đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng cường đầu tư tư nhân và đầu tư công, ổn định mặt bằng lãi suất, và đưa ra thêm các gói hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI nhằm giữ chân nhà đầu tư và duy trì niềm tin của họ.
Trong kịch bản xấu nhất là Việt Nam không đạt được thỏa thuận, tác động từ thuế quan có thể khiến GDP giảm 1 - 2% trong năm 2025 và 2 - 3% trong năm 2026. Đồng thời, ước tính dòng vốn FDI có thể giảm khoảng 15 - 20% trong năm 2025 và 2026. Dù vậy, PHS vẫn hy vọng Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận nhằm làm dịu căng thẳng với phía Mỹ.
Áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn nằm trong mục tiêu bình quân 4% của Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và linh hoạt, giữ mặt bằng lãi suất ổn định (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 4,5 - 5,0%.
Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp vào thời điểm này. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá sẽ không còn quá lớn khi nhập khẩu của Việt Nam cũng dự kiến suy yếu (thậm chí mạnh hơn xuất khẩu), và đồng USD trên thị trường thế giới cũng đang giảm giá. USD/VND dự kiến sẽ dao động trong khoảng 25.900 - 26.200, trong kịch bản xấu nhất có thể chạm 26.700 tương ứng với mức mất giá 5%.
Theo PHS, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nói đang trải qua một trong các giai đoạn khó khăn nhất với sự bất định cao nhất. Khi cuộc chơi không nằm trong tay của chúng ta mà phụ thuộc các yếu tố bên ngoài, các nhà đầu tư có lý khi chọn phương án thận trọng và bán trên diện rộng.
PHS cho rằng chỉ số VN-Index dự kiến sẽ còn tiếp tục pha điều chỉnh, trong kịch bản cơ sở sẽ ở vào khoảng 1.050 điểm. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ thuế qua và lịch sử cho thấy các mốc P/E & P/B trên thường sẽ chứng kiến lực mua trở lại vì thực tế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tốt hơn so với mặt bằng chúng của toàn cầu.
Thêm vào đó, với mức chiết khấu hiện tại, nhiều cổ phiếu phòng thủ, có mức cổ tức tiền mặt cao đang cho thấy mức lợi suất cổ tức ở vùng rất hấp dẫn, qua đó vùng giá hiện tại khá thích hợp cho việc mua đầu tư dài hạn.