Cổ phiếu ngân hàng đi ngược sóng gió thuế quan?

Giữa làn sóng của thuế quan Mỹ, ngân hàng được cho là 'điểm sáng' của thị trường chứng khoán Việt Nam với tiềm năng dài hạn, song, cần có sự sàng lọc.

 Ảnh minh họa: TC

Ảnh minh họa: TC

Thuế quan đối ứng của Mỹ đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính toàn cầu nói riêng trong những tuần vừa qua. Dù đón nhận tín hiệu tích cực về việc hoãn 90 ngày áp dụng thuế quan của ông Trump tới 75 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hồi phục tích cực trở lại.

Nhưng tâm lý e ngại rủi ro thị trường chính sách thuế này vẫn không biến mất khi những nghi ngờ sau 90 ngày, xác định nước đi của ông Trump vẫn còn là một ẩn số, nhất là các nhóm ngành chịu tác động mạnh, trực tiếp từ chính sách này: khu công nghiệp, thủy sản, xuất khẩu,...

Dù vậy, về dài hạn, TTCK vẫn được cho rằng còn nhiều dư địa, tín hiệu tăng trưởng tích cực trong năm nay với nhiều hỗ trợ, đây có thể là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư (NĐT) tích lũy cổ phiếu tiềm năng với nền giá hấp dẫn, bởi thực tế, vẫn còn nhiều nhóm ngành không/ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này.

Dựa vào cơ sở trên, ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset, nhận định, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán sẽ là động lực chính cho VN-Index. Bởi ngân hàng vẫn sẽ duy trì vai trò hỗ trợ nhờ nhu cầu tín dụng và chính sách tiền tệ được giữ ở trạng thái hỗ trợ.

Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm 2024. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy dòng vốn cho nền kinh tế.

Tại báo cáo của SSI Research, các chuyên gia đánh giá, tác động tiềm năng của thuế đối ứng Mỹ đến ngành ngân hàng tương đối phức tạp, dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng đây là ngành có mối liên hệ đến các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp: dệt may, thủy sản, đồ gỗ và FDI, ngoài ra là tiêu dùng và bất động sản.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ giảm tốc ở các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng dự kiến sẽ được bù đắp từ việc tăng dư nợ cho vay đối với các ngành như hạ tầng, xây dựng, bất động sản, và tiêu dùng.

Đồng thời, nhóm ngành này sẽ phải đối mặt với rủi ro từ nợ xấu và chi phí tín dụng tăng, cùng với thu nhập từ tài trợ thương mại và giao dịch ngoại hối giảm, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Dù vậy, ở góc độ tích cực, việc tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết các quốc gia là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn đối với Việt Nam. Nhờ đó, xuất khẩu đến thị trường Mỹ sẽ cải thiện trong ngắn hạn, khi các nhà nhập khẩu đẩy nhanh đơn hàng không chỉ cho mùa tựu trường mà còn cho mùa lễ cuối năm, ngoại trừ những đơn hàng mất hơn 90 ngày để hoàn thành.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để kích thích nền kinh tế như đẩy nhanh đầu tư công và hỗ trợ lãi suất, đồng USD suy yếu có thể làm giảm áp lực phần nào về chi phí vốn, giảm bớt áp lực tài chính cho ngân hàng.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những ngân hàng có mức độ liên quan cao đến xuất khẩu và FDI, cụ thể là nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có thể hưởng lợi phần nào trong ngắn hạn, và có thêm thời gian để phát triển chiến lược trung hạn.

Còn về dài hạn, triển vọng vẫn còn nhiều bất định và tác động dự kiến sẽ chỉ bắt đầu vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Tóm tắt định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng (Nguồn: SSI Research)

Tóm tắt định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng (Nguồn: SSI Research)

Dựa vào những phân tích trên, SSI Research ước tính lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 sẽ không bị ảnh hưởng quá đáng kể. Những bất ổn xoay quanh chính sách thuế đối ứng của Mỹ vẫn hiện hữu, nhưng mức định giá hiện tại đang hấp dẫn, tiềm năng tăng giá dao động từ 10% đến 30%.

Dù vậy, để tận dụng cơ hội tích lũy này, NĐT cần có sự chọn lọc dựa trên việc: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của ngân hàng đối với các ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và FDI; Xem xét tỷ trọng các khoản vay bằng ngoại tệ trong tổng dư nợ và huy động bằng ngoại tệ so với tổng huy động.

Theo đó, SSI Research đưa ra khuyến nghị với một số cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể là những ngân hàng có nguồn vốn cạnh tranh và kết quả hoạt động theo sát sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, gồm: VCB (Vietcombank, HOSE), CTG (Vietinbank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE) và MBB (MBBank, HOSE).

Ngoài ra, dù không có lợi thế về vốn, HDB (HDBank, HOSE) dự kiến vẫn được hưởng lợi từ hạn mức tín dụng cao hơn sau khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi.

Trong khi đó, VPB (VPBank, HOSE) và TPB (TPBank, HOSE) đã điều chỉnh giá sâu và có khả năng đem đến cơ hội giao dịch ngắn hạn hấp dẫn.

Đà tăng của thị trường tạm thời chững lại sau đà bật gần 150 điểm qua 3 phiên liên tiếp. Đóng cửa phiên 15/4, VN-Index chốt tại 1.227,79 điểm, giảm 13,65 điểm (tương đương 1,1%) với 145 mã tăng và 334 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,07 tỷ đơn vị, giá trị 24.216,2 tỷ đồng, tương đương với mốc phiên hôm qua. Loạt cổ phiếu nhóm VN30 đảo chiều giảm mạnh, riêng các cổ phiếu "họ Vin" giữ được nhịp tăng, VIC (Vingroup, HOSE) tăng 1,3%, VHM (Vinhomes, HOSE) tăng 0,5%.

Tuệ Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-phieu-ngan-hang-di-nguoc-song-gio-thue-quan-2025041518235851.htm
Zalo