Áp lực bủa vây khiến Đại sứ Mỹ tại Ukraine bất ngờ từ chức

Khi Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Bridget Brink, từ chức cách đây hai ngày, bà vừa chịu áp lực từ Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Kiev, vừa căng thẳng vì làm việc với Tổng thống Donald Trump.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Bridget Brink, tại một cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine năm 2024. Ảnh: Global Images Ukraine

Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Bridget Brink, tại một cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine năm 2024. Ảnh: Global Images Ukraine

Theo kênh CNN, ngoài ra, bà cũng đã công tác gần ba năm tại một vùng chiến sự, xa gia đình và đây là hoàn cảnh mà theo nhiều người, cũng để lại những tác động không thể tránh khỏi. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi đây là một nhiệm kỳ phi thường.

Việc bà Brink bất ngờ rời vị trí đánh dấu một biến động mới trong quan hệ Mỹ - Ukraine kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump lên nắm quyền và bắt đầu tái định hướng chính sách liên quan Ukraine.

Một cựu quan chức Ukraine tiết lộ rằng bà Brink cảm thấy không còn có thể hành động theo quan điểm của mình dưới thời chính quyền mới. Cựu quan chức này nói: “Trong suốt ba năm ở Kiev, bà là một người ủng hộ Ukraine có hệ thống. Bà đã làm mọi điều trong khả năng chức vụ để giúp Ukraine thành công. Nguyên tắc của bà không cho phép làm điều ngược lại”.

Ông này kể rằng mình đã liên lạc với bà Brink sau khi bà quyết định rời nhiệm sở và nhấn mạnh đây không phải là quyết định cảm tính mà là một lựa chọn đã được cân nhắc kỹ.

Bà Brink bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 5/2022, chỉ vài tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Dù các đối tác chủ chốt của Kiev khi đó là những người trong Nhà Trắng – đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan vốn giữ vai trò trung tâm thời chính quyền ông Joe Biden, nhưng bà Brink vẫn duy trì hiện diện nổi bật ở Ukraine và trên mạng xã hội, thúc đẩy chính sách hỗ trợ quân sự và nhân đạo của chính quyền ông Biden.

Các đại sứ phương Tây từng làm việc cùng bà ở Ukraine đều ca ngợi tinh thần làm việc và tính chuyên nghiệp của bà. Những người quen biết bà nói rằng sự cứng rắn ấy liên tục bị thử thách trong suốt nhiệm kỳ, nhưng căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi ông Trump trở lại nắm quyền.

Chính quyền mới đã mở ra nhiều kênh liên lạc với Nga, sau ba năm Mỹ gần như cô lập Nga về ngoại giao. Mỹ cũng chuyển từ ủng hộ “lộ trình không thể đảo ngược” của Ukraine gia nhập NATO sang gần như loại bỏ hoàn toàn khả năng này. Vào một thời điểm hồi tháng trước, Mỹ thậm chí đã tạm dừng toàn bộ viện trợ quân sự và chia sẻ tình báo để buộc Ukraine cam kết đối thoại kết thúc chiến sự.

Những khó khăn trong việc đối phó với thay đổi rõ rệt của chính sách Mỹ lên đến đỉnh điểm với bà Brink qua hai bài đăng trên mạng xã hội.

Bài đầu tiên là chia sẻ lại một bài đăng của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, chỉ vài giờ sau khi ông Zelensky bị ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích công khai tại một cuộc gặp ở Nhà Trắng vào cuối tháng 2.

“Cảm ơn @POTUS đã đứng lên bảo vệ nước Mỹ theo cách mà chưa tổng thống nào dám làm trước đó. Cảm ơn vì đã đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Nước Mỹ luôn bên ngài!”, bài đăng của ông Rubio viết. Bà Brink chia sẻ lại bài này bằng tiếng Ukraine.

Hơn 1.700 người đã bình luận, bày tỏ ngạc nhiên khi một người từng công khai ủng hộ Ukraine giờ đây dường như lại tán thành khi Tổng thống Ukraine bị chỉ trích. Nhiều bình luận đã yêu cầu bà Brink từ chức.

Bài đăng thứ hai là một dòng tweet cách đây một tuần, sau vụ Nga tấn công thành phố Kryvyi Rih ở miền Nam Ukraine. Bà viết: “Tôi vô cùng kinh hoàng khi một tên lửa đạn đạo tối nay rơi gần sân chơi và nhà hàng ở Kryvyi Rih. Hơn 50 người bị thương và 16 người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em. Đây là lý do chiến tranh phải kết thúc”.

Ông Zelensky phản ứng gay gắt trong bài phát biểu buổi tối hôm đó, chỉ trích bà không nêu tên Nga. Bà Brink sau đó có nhắc đến Nga trong những lần đề cập tiếp theo về vụ tấn công.

Khi xác nhận việc bà Brink rời nhiệm sở ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, đã né tránh khi được hỏi liệu bà Brink có được chỉ đạo giảm nhắc đến Nga hay không. Bà nói mình không biết gì về việc đó và từ chối bình luận về những điều xảy ra trong nội bộ ngoại giao.

Không chỉ quan hệ với chính quyền Mỹ trở nên căng thẳng khi nhóm của Tổng thống Trump tiếp quản Nhà Trắng, mà quan hệ của bà với Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng đã khó khăn từ lâu.

Văn phòng ông Zelensky ngày càng bức xúc khi chính quyền thời ông Biden thận trọng quá mức trong chuyển các loại vũ khí như tên lửa tầm xa ATACMs hay tiêm kích F-16. Là quan chức Mỹ cấp cao nhất ở Ukraine, bà Brink thường là người hứng chịu bức xúc này. Quan hệ giữa bà với Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, đặc biệt căng thẳng.

Ngoài ra, bà cũng kiên quyết thúc đẩy các biện pháp chống tham nhũng và cải cách nhằm tăng tính minh bạch. Tại Mỹ, đây là những yếu tố then chốt để thuyết phục Quốc hội vốn đang do dự thông qua các gói viện trợ cho Ukraine. Nhưng tại Kiev, theo ông Andy Hunder thuộc Phòng Thương mại Mỹ, điều này khiến bà không được lòng giới chức tại đây.

Ông Hunder nói: “Bà ấy rất có ích cho cộng đồng doanh nghiệp ở Ukraine… đặc biệt là trong việc nhắm vào nền kinh tế phi chính thức… nhưng lại không có ý chí chính trị để làm gì cả”.

Một cựu đại sứ châu Âu từng công tác ở Kiev cùng thời điểm với bà Brink nói thẳng hơn: “Bà ấy không bao giờ nói giảm nói tránh… luôn rất rõ ràng với họ về những tiêu chuẩn mà họ phải đáp ứng ở Washington… và tôi nghĩ điều đó đã khiến họ bực mình”.

Ông Hunder cho rằng đến cuối cùng, bà Brink chỉ đơn giản là kiệt sức vì áp lực chính trị từ cả hai chính phủ.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ap-luc-bua-vay-khien-dai-su-my-tai-ukraine-bat-ngo-tu-chuc-20250413214521512.htm
Zalo