Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị của ngành BHXH Việt Nam
BHXH Việt Nam sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Icloud)… phục vụ công tác quản trị của ngành.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến sáng 31-8, đại diện Bộ TT&TT khẳng định: BHXH Việt Nam là một trong bốn bộ, ngành triển khai rất tốt chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
BHXH Việt Nam cũng cung cấp 25/25 thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng như cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN.
Hằng năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Khi thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (KCB BHYT), người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.
Thêm vào đó, hiện nay 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ căn cước công dân gắn chip, giúp ngành BHXH Việt Nam cắt giảm được tối đa chi phí in ấn thẻ BHYT.
Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên căn cước công dân gắn chíp, VNeID, VssID, người dân cũng chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB BHYT, thay vì tối thiểu 10 phút như trước đây.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chẳng hạn cấp đổi và cấp lại giấy phép lái xe, liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi...
Để đạt được kết quả trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, cho biết ngành luôn coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Ngành cũng luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ. Phấn đấu để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam mang lại trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
BHXH Việt Nam luôn đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động trong công cuộc chuyển đổi số. Thiết lập các kênh trao đổi thông tin công khai, minh bạch. Lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân để hoàn thiện quy trình nghiệp vụ của ngành.
Phát huy những kết quả đạt được, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết thời gian tới ngành sẽ tiếp tục tái cấu trúc, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình.
“Thêm vào đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện đại trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Icloud),… để khai thác tối đa cơ sở dữ liệu hiện có phục vụ cho công tác quản trị của ngành…”- ông Mạnh cho hay.