Ánh sáng sau song sắt – Bài 3: Nghề trong tay, tương lai rộng mở
Việc học nghề trong trại giam không chỉ tiếp thêm động lực và niềm tin cho phạm nhân trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng, mà còn là 'chìa khóa' giúp họ mở cánh cửa đến một tương lai vững chắc.
"Chìa khóa" làm lại cuộc đời
Cùng với công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa, Trại giam Đắk Trung (Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) đặc biệt chú trọng đến việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp, những lớp học này còn mở ra cơ hội giúp họ có thêm động lực làm lại từ đầu và vững bước tái hòa nhập cộng đồng.
Gần 2h chiều tại xưởng mộc, tiếng cưa xẻ, tiếng bào vang lên đều đặn. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, các phạm nhân miệt mài thực hành từng thao tác cắt, ghép, mài gỗ... Mỗi người một công việc, ai cũng chăm chút, tỉ mỉ với hy vọng tìm thấy một lối đi mới từ những lỗi lầm trong quá khứ.

Tại xưởng mộc trong trại giam, ai cũng chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn một.
Không chỉ nỗ lực học nghề, phạm nhân Phạm Văn Đ. (SN 1973, trú tại xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) còn tận tình hướng dẫn và hỗ trợ các phạm nhân khác nâng cao tay nghề. Đưa tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn khuôn mặt, Đ. cho hay: "Khi mới vào trại, tôi hoàn toàn không có chút kiến thức gì về nghề mộc. Nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các cán bộ quản giáo, sau 3 năm kiên trì học hỏi, giờ đây tôi đã có thể tự tay chế tác các sản phẩm như giường, tủ, bàn ghế, cửa...".
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong quá trình cải tạo và học nghề, Đ. được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội mộc và cắt củi. Mỗi ngày, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng cho bản thân, anh còn tận tình hướng dẫn những người thợ mới vào nghề từng công đoạn như bào, dập, cắt… Không chỉ truyền đạt kinh nghiệm, Đ. còn động viên các phạm nhân kiên trì học tập, cải tạo tốt và coi nghề mộc như một "chìa khóa" mở ra cánh cửa làm lại cuộc đời.
Chỉ còn 3 năm nữa là mãn hạn tù, Đ. cũng đã lên kế hoạch cho tương lai sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Nam phạm nhân chia sẻ: "Tôi dự định sau khi chấp hành xong án phạt, sẽ mở một xưởng mộc nhỏ để mưu sinh, nuôi gia đình và trở thành người có ích cho xã hội".

Phạm nhân Phạm Văn Đ. không ngừng trau dồi kỹ năng nghề mộc cho bản thân.
Cũng tại xưởng mộc này, phạm nhân Nguyễn Quang H. (SN 1999, trú tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bộc bạch: "Chỉ vì không có nghề nghiệp ổn định, lười lao động, lại muốn kiếm tiền nhanh nên tôi đã tham gia mua bán "cái chết trắng". Cái giá mà tôi phải trả là bản án 2 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tôi rất ân hận và tiếc nuối".
Tháng 5/2024, sau khi được các cán bộ quản giáo động viên, H. quyết định đăng ký học nghề mộc. Với nam phạm nhân, đây chính là cơ hội để làm lại từ đầu. "Tôi sẽ tiếp tục học thêm về nghề mộc sau khi ra trại để có thể làm việc một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Hy vọng rằng với tay nghề này, tôi có thể kiếm sống lương thiện và tránh xa những cám dỗ sai lầm", H. nói.

Từng đường cưa được thao tác cẩn trọng.
Theo thông tin từ Thiếu tá Trần Xuân Long, cán bộ quản giáo quản lý Đội mộc và cắt củi, Phân trại số 1 (Trại giam Đắk Trung), toàn đội hiện có 25 phạm nhân. Ngay khi tiếp nhận, cán bộ quản giáo thường xuyên gặp gỡ, hướng dẫn từng công đoạn cho các phạm nhân, đồng thời sắp xếp những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ những người chưa biết việc để cùng nhau tiến bộ.
"Hầu hết phạm nhân đều hăng hái lao động, tự giác và nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều người từ chỗ không biết nghề, sau thời gian cải tạo đã trở thành những thợ mộc lành nghề, sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng", Thiếu tá Long chia sẻ.

Các cán bộ quản giáo tận tình chỉ dạy nghề cho các phạm nhân.

Mọi người chăm chỉ học nghề và xem đây là "chìa khóa" để mở cánh cửa làm lại cuộc đời.
Vững tin hướng đến tương lai
Không chỉ có nghề mộc, tại Trại giam Đắk Trung, nhiều phạm nhân còn được đào tạo nghề cơ khí sửa chữa. Những đôi tay từng lầm lỗi giờ đây trở nên khéo léo, tỉ mỉ hơn trong việc làm quen với từng linh kiện, từng thao tác lắp ráp, sửa chữa.
Cặm cụi lắp ráp từng bộ phận trên chiếc xe máy, Nguyễn Minh Th. (SN 1988, trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) tập trung cao độ vào việc lắp ráp để hoàn thành chỉ tiêu mà cán bộ quản giáo giao cho. Th. tâm sự: "Trước đây, tôi kiếm sống bằng nghề buôn bán điện thoại và nông nghiệp để lo cho vợ và 2 con nhỏ. Nhưng vì sa lầy trong trò chơi đỏ đen, tôi phải trả giá bằng bản án 3 năm tù về tội Đánh bạc. Cho đến tháng 9/2024, sau khi vào trại giam, tôi được các cán bộ quản giáo động viên tham gia lớp học lắp ráp xe máy".

Anh Nguyễn Minh Th. chăm chỉ trong từng thao tác trong quá trình lắp ráp xe máy.
Từ một người chưa từng cầm cờ-lê, sau 3 tháng học tập, Th. đã có thể lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe máy và nắm vững kỹ thuật sơn xe. "Việc được đào tạo nghề trong quá trình cải tạo sẽ giúp tôi vững tin hơn khi nghĩ đến tương lai", Th. chia sẻ.
Nhờ tinh thần học hỏi và ý chí cải tạo tốt, Th. được phân công làm Tổ trưởng Tổ lắp ráp và sửa chữa xe máy. Ngoài việc hướng dẫn tận tình, Th. còn khéo léo phân công công việc phù hợp với khả năng từng người. Ngoài giờ học thực tế, Th. thường dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của các bạn cùng buồng giam để động viên nhau cố gắng.
Tương tự, phạm nhân Nguyễn Văn T. (SN 2000, trú tại xã Ea Khanh, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cũng từng là một thanh niên tràn đầy hoài bão, theo học nghề sửa chữa ô tô. Nhưng một phút nóng giận trong lúc cuộc xô xát với bạn cùng học nghề đã khiến T. vướng vào vòng lao lý. Hậu quả của trận ẩu đả là một người bị thương nặng và T. phải nhận mức án 5 năm tù về tội Giết người.

Từng bộ phận của chiếc xe máy được chà rửa kỹ càng.
Chấp hành án từ tháng 7/2022, T. quyết định đăng ký học nghề sửa chữa xe máy như một cách để tiếp tục đam mê cơ khí. "Nghề này rất thiết thực, lại gần gũi với những gì tôi từng học trước đây. Vì vậy, tôi luôn cố gắng trau dồi tay nghề để sau này có thể áp dụng vào thực tế, tìm một công việc ổn định sau khi trở về", T. cho hay.
Ngoài ra, tại Trại giam Đắk Trung, phạm nhân còn được đào tạo nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động xã hội như đan lát, trồng rau xanh, chăm sóc và khai thác mủ cao su, trồng cà phê, chăn nuôi, xây dựng dân dụng… Những lớp học nghề không chỉ là cơ hội để phạm nhân tìm lại chính mình, mà còn giúp họ hướng tới một cuộc sống lương thiện trong tương lai. (Còn nữa)

Những chiếc xe sau khi lắp ráp được mang đi rửa sạch sẽ.
Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết, đại đa số phạm nhân được đưa đến Trại giam Đắk Trung đều chưa có nghề nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an và lãnh đạo Cục 10, Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung đã tổ chức đào tạo nghề cho phạm nhân, với những ngành nghề thiết thực, phù hợp với tình hình ở địa phương như đan lạt, mộc, cơ khí, sửa chữa xe máy, sửa chữa xe ô tô, trồng rau xanh...
Để việc đào tạo nghề đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, Ban Giám thị trại giam đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phấn đấu đào tạo nghề cho phạm nhân đạt tỉ lệ từ 65-70%/năm. Hơn nữa, đa số phạm nhân vào đây chấp hành án đều thiết tha được đào tạo nghề để trang bị cho mình các kiến thức, sau này về với gia đình, cộng đồng có thể tự chủ, mở một cơ sở kiếm sống, nuôi chính bản thân và giúp đỡ gia đình.
Mỗi năm, Trại giam phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 200-300 phạm nhân, ưu tiên cho các đối tượng trẻ, sắp hết án. Sau 3 tháng học nghề, các phạm nhân được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp,
Ngoài ra, 2 tháng trước khi phạm nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam cũng mời các tổ chức chính trị - xã hội vào tư vấn các chính sách, đặc biệt là việc vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, hầu hết các phạm nhân đều có nguyện vọng được tiếp cận và vay nguồn vốn này để tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.