Nhiều bất cập trong tuyển dụng giáo viên

Tình trạng thiếu - thừa giáo viên cục bộ vẫn tồn tại, dù Nhà nước đã bổ sung hàng nghìn biên chế. Đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ chế hiện hành.

Không chỉ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, ngay tại Hà Nội – nơi có hệ thống giáo dục phát triển nhất cả nước, cũng đang đối mặt với bài toán tuyển dụng giáo viên.

Là giáo viên hợp đồng, cô giáo Lê Thị Liên (Trường Tiểu học Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội) nhận lương theo học kì. Điều đó có nghĩa là, cứ mỗi 3-4 tháng, cô mới được nhận lương một lần. Không chỉ cô Liên, Trường Tiểu học Hiền Giang có đến một nửa nhân lực là giáo viên hợp đồng với đời sống bấp bênh và thu nhập thấp như vậy.

Cô Liên chia sẻ phải phụ thuộc hết vào thu nhập của chồng, nên cũng khó khăn trong chi tiêu. Đã có lúc, cô dự định làm ngành khác.

Cả nước hiện còn thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp, đặc biệt là các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, như: Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ, Nghệ thuật. Trong khi đó, khoảng 70.000 biên chế lại chưa được sử dụng hiệu quả vì quy trình tuyển dụng chậm trễ. Nhiều giáo viên hợp đồng đã làm việc nhiều năm nhưng chưa được tuyển dụng chính thức, dẫn đến tình trạng mất ổn định về nhân sự.

Bà Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình, Hà Nội - chia sẻ: “Có một lần, trường tôi có một thầy giáo nhạc, thầy dạy rất tốt, nhưng cũng xin tôi sắp xếp giờ dạy để thầy có thể làm thêm công việc MC kiếm thêm bên ngoài. Sau hai năm, thầy cũng phải xin nghỉ và bùi ngùi vì mức thu nhập quá thấp, không thể trụ được”.

Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống giáo dục phát triển nhất cả nước, nhưng vẫn gặp khó khăn lớn trong tuyển dụng giáo viên. Điều này cho thấy, cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn để tháo gỡ vướng mắc này.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhieu-bat-cap-trong-tuyen-dung-giao-vien-305037.htm
Zalo